Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "lúng túng" vì Đại biểu Quốc hội hỏi nhiều câu khó

12/06/2015 13:56
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Sáng nay, Bộ trưởng Công thương - ông Vũ Huy Hoàng đã kết thúc trả lời chất vấn tại Quốc hội. Trong quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hoàng đôi lúc lúng túng vì Đại biểu hỏi rất khó và truy tới cùng.

Trong số rất nhiều nội dung thời sự ấy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gửi tới độc giả hai nội dung: Giá xăng dầu và Công nghiệp hỗ trợ.

Dư luận ngã ngửa mỗi khi doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Giá cơ sở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí định mức hiện nay được quy định là 1.050 đồng/lít xăng và 950 đồng/lít dầu, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít.

Nếu chi phí định mức xin được, gửi được, tăng thêm 100 đồng/lít thì người tiêu dùng gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận được mặc định 300 đồng/lít, người tiêu dùng mặc nhiên trả lãi 4.800 tỷ. Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng, chính điều đó dư luận cứ ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận.

Bộ trưởng có nghĩ đó là sự bất hợp lý, là sơ hở cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn, để đảm bảo hài hòa, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến. ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến. ảnh: TTBC Quốc hội.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Về giá xăng dầu, trong đó có giá cơ sở liên quan đến chi phí định mức và liên quan đến lợi nhuận định mức. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu. Như chúng tôi đã báo cáo xăng dầu là một hàng hóa rất nhạy cảm, nó liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Nên khi điều hành vấn đề giá xăng dầu bao giờ cũng phải đặt vấn đề kết hợp hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp.

Nghị định 83 mới thực hiện từ tháng 11/2014, đến nay được 6 tháng, bên cạnh những bước đầu được đánh giá là có kết quả tương đối tốt thì có những mặt cần tiếp tục phải nghiên cứu để hoàn chỉnh, trong đó có cả vấn đề xác định giá cơ sở, trong giá cơ sở thì có chi phí định mức và lợi nhuận định mức.

Tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ cùng với Bộ tài chính trong quá trình điều hành giá xăng dầu sẽ phát hiện và đề xuất với Chính phủ những bất cập để nếu cần thiết thì có sự bổ sung, sửa đổi, để đáp ứng được mục tiêu như đại biểu đã nêu là kết hợp hài hòa 3 lợi ích.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi khó của các Đại biểu Quốc hội. ảnh: TTBC Quốc hội.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi khó của các Đại biểu Quốc hội. ảnh: TTBC Quốc hội.

Bộ trưởng Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng báo cáo thêm: Hiện nay xăng, dầu chúng ta đang điều hành theo Nghị định 83 của Chính phủ và theo đó giá bán xăng, dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối được quy định giá bán xăng, dầu trong biên độ, giới hạn nhất định theo quy trình và nguyên tắc quy định.

Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra và điều tiết giá xăng, dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở, cũng như thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá để doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan nhà nước. Giá bán là đầu ra của doanh nghiệp, hai việc các đồng chí nói là đầu vào. Giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố chi phí:

Thứ nhất là giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày. Các chi phí về bảo hiểm, vận chuyển từ cảng nước ngoài về cảng Việt Nam quy về nhiệt độ thực tế.

Thứ hai là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu.

Thứ ba là tỷ giá ngoại tệ.

Thứ tư là chi phí kinh doanh định mức bao gồm phí vận chuyển trong nội địa, chi phí khấu hao của doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí bảo quản, chi phí công cụ, dụng cụ... của doanh nghiệp.

Hiện nay, chúng ta đang quy định là 950 đồng/lít. Mức trích quỹ bình ổn giá điều hành theo từng thời điểm, lợi nhuận định mức là 300 đồng. Thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế, phí và khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, hai yếu tố các đồng chí nói là hai yếu tố đầu vào của doanh nghiệp chúng ta hiện nay đang khoán cho doanh nghiệp trong các yếu tố chi phí đầu vào của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu.

Việc điều hành xăng dầu trong nước được căn cứ trên biến động của các cơ sở mặt hàng xăng dầu. Trong đó, giá xăng dầu thành phẩm thế giới là yếu tố trọng yếu. Ở nước ta xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu là nhập khẩu đến 70%, nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, chi phí như thế chúng ta đang khoán vào định kỳ.

Hai bộ chúng tôi rất tiếp thu ý kiến của đại biểu, sẽ rà soát chi phí đang khoán cho doanh nghiệp.

Vừa qua, các doanh nghiệp đang đề nghị điều chỉnh tăng các chi phí về kinh doanh định mức, nhưng hai bộ đang rà soát, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng bị tác động bởi yếu tố khác để tăng chi phí đầu vào, cho nên chúng ta phải thường xuyên rà soát để điều chỉnh, đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng như chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội.

Bộ trưởng Công thương “thành thật xin lỗi”

Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ kiện cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp là yếu tố quyết định để nâng tỷ trọng nội địa hóa giá trị sản xuất công nghiệp. Nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Vậy, Bộ công thương tham mưu cho Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ cho nền công nghiệp phát triển không?

Do thiếu chính sách phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ nên sau 20 năm thu hút đầu tư về ngành ô tô là không thành công. Liệu hội nhập sắp tới có cần một bộ luật để ban hành về hỗ trợ công nghiệp hay không? Nếu không cần ban hành luật thì đề nghị Chính phủ có giải pháp gì?

Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng). ảnh: Pháp luật TP.HCM
Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng). ảnh: Pháp luật TP.HCM

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trước hết, tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này kết quả còn rất hạn chế.

Chúng ta mới có quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Qua 3 năm quyết định này phát huy tác dụng còn hạn chế, vì thế cho nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng về công nghệ hỗ trợ.

Năm 2014 chúng tôi đã chủ trì và triển khai việc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, các ngành, của các địa phương chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều hội thảo với các địa phương, với các doanh nghiệp. Chúng tôi đã trình Chính phủ xem xét, thông qua thẩm tra của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, văn bản dự thảo lần thứ 6 cũng chưa được thông qua. Lý do có 2 vấn đề chính, chúng tôi nhận thức rằng mình chưa giải trình được một cách thấu đáo.

Một là vấn đề hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi hiểu rằng, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không nói phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, bản thân sức của họ cũng rất hạn chế, cho nên nếu bước chân vào làm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu không có sự đỡ đầu, sự hỗ trợ ban đầu thì rất khó cho họ và đây không thể thiếu vắng bàn tay của nhà nước.

Tuy nhiên, nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế là phải chi tiêu rất nhiều cho lĩnh vực cấp bách khác, không thể hỗ trợ trực tiếp quá nhiều cho lĩnh vực này, vì vậy, trong thiết kế của chúng tôi cũng có dự kiến đề xuất một loại hình quỹ hỗ trợ, chúng tôi nghĩ rằng đề xuất của mình không phù hợp, chính vì thế, bây giờ tìm ra cách hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước rất là khó. Đấy là ý thứ nhất mà chưa giải trình được.

Ý thứ hai, là các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các trung tâm trợ giúp cho doanh nghiệp hỗ trợ, chúng tôi đã giải trình các trung tâm này sẽ tận dụng những cơ sở hiện có như các trường đại học, các viện nghiên cứu. Chỉ bổ sung thêm trong những trường hợp cần thiết, mà không thể không bổ sung ở một số những cán bộ công chức có kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp.

Như vậy, dù muốn hay không, mặc dù sễ tận dụng những cơ sở hiện có vẫn không tránh khỏi việc phát sinh thêm một số nhân lực. Chính vì thế Chính phủ cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính, đang sắp xếp lại bộ máy thì không thể tăng thêm số lượng người cho các loại hình này.

Đấy là 2 vấn đề chính chưa nhận thức được. Chính vì thế việc trình Chính phủ nghị định này chưa làm tròn trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm cá nhân tôi. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội như vậy. Rất thành thực xin nhận khuyết điểm.

Chúng tôi nghĩ có mấy giải pháp: Trước hết tận dụng tốt những quy định pháp luật hiện có mà có liên quan đến doanh nghiệp hỗ trợ, gần đây nhất là Luật Đầu tư trong đó địa bàn và lĩnh vực khuyến khích đầu tư, trong địa bàn cũng như lĩnh vực khuyến khích đầu tư có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hay luật sửa đổi, bổ sung một số luật thuế mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 dành một số ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vừa qua Bộ Công thương ban hành quy hoạch về phát triển 6 nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, tổ chức tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để trao đổi và bàn về khả năng các doanh nghiệp lớn có thể đặt hàng cho các doanh nghiệp nhỏ.

Năm 2014 chúng ta tổ chức tọa đàm giữa Samsung với một số doanh nghiệp của Việt Nam, năm nay vào tháng 7 tới đây chúng tôi phối hợp với Samsung mời được 15 doanh nghiệp tham gia tọa đàm. Qua nghiên cứu, khảo sát của Samsung họ sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp làm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho họ.

Thứ tư, cố gắng lồng ghép kết hợp công nghiệp hỗ trợ với chương trình liên quan đến cơ khí, như chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt chương trình thử nghiệm, chế tạo tổ máy phát điện công suất 600 MW các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia. Những vấn đề này chúng tôi đang triển khai trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Ngọc Quang