"Cán bộ ngân hàng có thể tạo ra nợ xấu"

29/09/2013 07:21
Diệu Linh (Thực hiện)
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong việc ngăn chặn hết tất cả các rủi ro trong hoạt động tín dụng ngay từ đầu thì không phải dễ, bởi vì bất kỳ luật nào thì cũng có kẽ hở và người ta sẽ lợi dụng để “lách luật”.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Luật được thực hiện bởi một nhóm người, và nếu lợi ích của những người đó khác nhau, trình độ khác nhau và quan hệ cá nhân khác nhau thì cũng rất dễ dẫn tới “đồng lòng cho lách luật”. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều khâu thẩm định của ngân hàng bị "lách luật", và nợ xấu phát sinh từ đó.

- Thưa TS Nguyễn Minh Phong, đằng sau câu chuyện xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng trong suốt thời gian qua, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về việc khách hàng vay tiền cho dự án này nhưng thực tế lại sử dụng cho một dự án khác. Thực trạng này tiềm ẩn những rủi ro gì, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Quá nhiều khách hàng lợi dụng vốn vay dự án này rồi đưa sang dự án khác thì sẽ làm biến dạng các hoạt động tín dụng.

Về nguyên tắc tổng dư nợ tín dụng không được phép vượt quá 15% cho một lĩnh vực, nhằm đảm bảo tính an toàn, phân chia rủi ro. Và nếu bây giờ khách hàng vay biến báo khác đi so với thực tế thì dễ dẫn tới chuyện là đa phần dư nợ tụ về một nơi, điều đó vi phạm biên độ an toàn của các hoạt động tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Nhân viên ngân hàng móc ngoặc với khách hàng để ăn phần trăm chênh lệch diễn ra khá phổ biến.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Nhân viên ngân hàng móc ngoặc với khách hàng để ăn phần trăm chênh lệch diễn ra khá phổ biến.

Thứ hai là làm giảm hiệu quả các hoạt động quản lý của nhà nước. Thí dụ, nhà nước tạo điều kiện cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên, nhưng nếu người ta lợi dụng điều này để đưa vốn vào các dự án khác, như vậy thì những mục tiêu ưu tiên không được phát triển theo đúng định hướng.

Thứ ba là gây áp lực về rủi ro cho cả người đi vay, doanh nghiệp, ngân hàng, dẫn tới một loạt các hệ lụy đổ vỡ tín dụng.

Thứ tư là toàn bộ các hoạt động quản lý của nhà nước về tín dụng có thể bị “vô hiệu hóa” hoặc “hình thức hóa”. Nó bị “vô hiệu hóa” trong trường hợp ngân hàng không biết, tức là bị lừa thật. Còn trong trường hợp kiểm tra phát hiện ra nhưng lại lờ đi thì có nghĩa là bị “hình thức hóa”, điều đó thì lại càng nguy hiểm. Đây là vấn đề “rủi ro đạo đức” của nhân viên ngành ngân hàng. Tôi cho rằng, qua kiểm tra thực tế, làm đúng quy trình, đúng trách nhiệm thì người ta sẽ phát hiện ra khách hàng có sử dụng vốn cho đúng mục đích không.

- Đây là một thực tế của ngành ngân hàng nhiều năm qua, nhưng vì sao chúng ta chưa thể ngăn chặn?

TS Nguyễn Minh Phong: Việc ngăn chặn hết tất cả các rủi ro trong hoạt động tín dụng ngay từ đầu không phải dễ, bởi vì bất kỳ luật nào thì cũng có kẽ hở và người ta sẽ lợi dụng để “lách luật”. Chúng ta cũng biết rằng, luật được thực hiện bởi một nhóm người, và nếu lợi ích của những người đó khác nhau, trình độ khác nhau và quan hệ cá nhân khác nhau thì cũng rất dễ dẫn tới “đồng lòng cho lách luật”.

Quản lý của nhà nước ta là hướng tới một mục tiêu rất tốt đẹp, nhưng đồng thời cũng đặt áp lực cho những người trong cuộc. Thí dụ ngân hàng hướng tới tự do hóa đầu ra lãi suất để có lợi nhuận tốt, nhưng chính từ áp lực lợi nhuận đó sẽ nảy sinh mặt trái là rủi ro tín dụng. Còn nếu bây giờ hạn chế đầu ra thì cũng sẽ giảm được các nguy cơ rủi ro, nhưng điều này là rất khó, bởi ngân hàng luôn phải chịu áp lực tăng trưởng. Thực tế là trước đây khi các ngân hàng huy động vượt trần lãi suất thì sẽ bị phạt, nhưng bây giờ cho vay vượt trần thì không bị phạt, cho nên kiểm soát rủi ro nhiều lúc bị hình thức.

Vì vậy, động cơ lợi ích, đặc biệt là lợi ích của các ngân hàng, cộng với lợi ích của những người làm tín dụng cụ thể thỏa thuận với khách hàng để ăn phần trăm đang là một thực tế phổ biến.

- Vậy theo ông, cần làm gì để siết chặt tình trạng này, như thẩm định chặt dự án và giải ngân theo tiến độ dự án, kiểm tra – kiểm soát chặt chẽ từng giai đoạn thực hiện dự án?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra kiểm soát các dự án là chuyện không khó, thí dụ vay cho mục tiêu của một dự án thì ngân hàng sẽ giải ngân theo tiến độ triển khai dự án, dựa trên báo cáo của ban kiểm soát sử dụng vốn vay. Tôi lấy thí dụ, nếu khách vay tiền xây dựng dự án A, mà khi kiểm tra lại thấy không triển khai mà mang đi mua tàu thủy thì phải ngay lập tức áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cho nên đảm bảo đúng quy trình là điều rất quan trọng.

Chỉ có điều thời gian vừa qua dư nợ ngân hàng lớn, chất lượng các ban kiểm soát kém, trách nhiệm thấp, lợi ích nhóm thì lại cao nên dẫn tới là kiểm soát mang tính hình thức… tất cả hòa vào với nhau ký tá lung tung nên mới dẫn tới những rủi ro lớn của cả hệ thống.

- Như vậy, vấn đề chính vẫn là do đạo đức của chính những cán bộ, nhân viên ngân hàng?

TS Nguyễn Minh Phong: Do đạo đức con người và do cả mục tiêu kiểm soát với từng dự án nhất định, tức là họ có thực sự muốn kiểm soát theo quy trình hay là chỉ muốn tăng dư nợ tín dụng và lợi nhuận cao nhất. Trong trường hợp các ngân hàng chỉ quan tâm tới vế thứ hai và lờ đi các bước bắt buộc ở quy trình kiểm soát thì đó chắc chắn là nguy cơ tiềm ẩn cho nợ xấu.

Đáng lẽ trong các hợp đồng vay phải ghi rõ cơ chế, thời gian và các quy trình kiểm tra việc sử dụng vốn. Thí dụ, sau khi vay vốn, triển khai tới đâu thì khách hàng phải có báo cáo và phía ngân hàng cũng phải chủ động kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế là nếu có kiểm tra thì khách hàng cũng tìm mọi cách để gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra của ngân hàng, cả về mặt quy trình, thời gian, chi phí… và đồng thời họ dùng phong bì lót tay cho cán bộ ngân hàng để lấy được chữ ký xác nhận. Thế là xong! Mà điều này thì đang rất phổ biến trong hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng.

Thực tế là quản trị rủi ro trong chính những ngân hàng đang là một điểm nóng và chính vì vậy bây giờ họ đang rất ưu tiên cho mục tiêu này, trong đó đặc biệt phải chú trọng tới quản trị rủi ro đạo đức.

Bên cạnh đó, nếu các ngân hàng thực sự muốn kiểm soát chặt thì chi phí trả lương cho những người có năng lực là khá tốn kém, hơn nữa bộ phận này cũng sẽ nắm toàn bộ thông tin lớn nhỏ của ngân hàng, trong đó có những tin ở dạng tuyệt mật cho nên chính lãnh đạo ngân hàng cũng e dè chuyện này.

Còn ở khâu quản lý vĩ mô, tôi cho rằng Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải có sức ép mạnh. Nếu NHNN mà thực hiện nguyên tắc không để TCTD nào đổ vỡ thì rất nguy hiểm, bởi vì họ sẽ làm bừa rồi cầu cứu NHNN. Thứ hai là giả sử NHNN mà đồng lòng với các NHTM để có một số liệu đẹp thì cũng rất nguy hiểm. Hiện nay việc thực hiện sắp xếp cơ cấu lại nợ đã xuất hiện hai luồng thông tin khác nhau: Theo NHNN thì nợ xấu tính tới tháng 8/2013 chỉ là 4,64%. Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín dụng Fitch thì cho rằng nợ xấu thực tế là 20%.

Hai luồng thông tin này khiến nhiều người hoài nghi về con số nợ xấu thực tế của hệ thống tín dụng, bởi việc giảm nợ xấu về mặt hình thức có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như: Tăng dư nợ; sắp xếp lại nợ, biến từ nợ xấu thành nợ bình thường.

- Nhưng nếu đúng như vậy thì rất có thể sẽ dẫn tới sự đổ vỡ rất lớn với hệ thống tín dụng?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra ở đây có hai mặt, biện pháp này cần thiết để giảm áp lực tạm thời, duy trì sự ổn định niềm tin để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự phát huy tác dụng khi mà các con nợ còn khả năng trả nợ và còn thiện chí trả nợ, nếu không thì nợ tiếp tục tích tụ và vô cùng nguy hiểm.

- Xin cảm ơn ông!

Diệu Linh (Thực hiện)