Cận Tết, đào quất "khủng" bị gông cùm vẫn... mất trộm

09/01/2012 10:28
Bài, ảnh: Trần Nguyên
(GDVN) - Đào, quất Hà thành đang vào mùa bội thu nhưng các chủ vườn vẫn lo đứng lo ngồi, mất ăn, mất ngủ thức trắng đêm để giữ đào, quất không bị trộm…
Dựng lều, giăng dây xích để canh giữ đào

Chỉ vỏn vẹn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm thìn, thời điểm này, tại các vườn đào, quất như: Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An (Hà Nội)… người dân đang bận rộn để chuẩn bị cho một mùa bội thu. Bên cạnh đó, các chủ vườn cũng tỏ ra khá lo lắng những vườn cây bạc tỉ của mình trước nguy cơ trộm cắp hoành hành ngày cận Tết.

Đến vườn trồng đào Nhật Tân đúng vào dịp thời tiết giá rét mới thấu hiểu sự vất vả, nỗi lo của người trồng đào. Anh Nguyễn Đức Hoàng, một chủ vườn với hơn 200 gốc đào thế chia sẻ: “Đây là giai đoạn quan trọng và quyết định của đào, cần được chăm sóc tỉ mỉ. Ngoài việc chăm sóc cây cho hoa nở đúng vào dịp tết, thì ngày đêm phải mất ăn, mất ngủ thức trắng đêm để canh giữ đào".
Những gốc đào đã được quấn xích vào nhau để phòng bị mất trộm.
Những gốc đào đã được quấn xích vào nhau để phòng bị mất trộm.
Dạo qua các vườn cây tại Tứ Liên, Nhật Tân, hay trên đường Lạc Long Quân… những người đi mua đào dễ nhận thấy: Các cây cảnh đều được bày biện khá công phu. Tuy nhiên, nhìn kỹ, mới thấy những thanh sắt phi 16, khóa, xích buộc chằng chịt vào các chậu, thân cây.

Mỗi cây cảnh đều có ít nhất một vòng sắt, nhiều thanh sắt dài nối các chậu lại với nhau thành từng chuỗi, lủng lẳng những chiếc khóa sắt bấm chặt. Những dây xích lớn khiến người ta liên tưởng: những dãy cây cảnh giống như những hàng tù nhân thời trung cổ đang mang gông cùm chờ lưỡi đao hành quyết.
Anh Lương Trọng Tuấn, một chủ vườn đào chia sẻ : "Những ngày cận tết, cũng là lúc đợi chờ để thu hoạch tôi pải bảo vệ đêm ngày, không dám rời khỏi vườn. Đêm đến, tôi giăng bẫy trong vườn chi chít, người nhà có khi còn vấp phải. Rồi thì bố trí gậy gộc, xếp gạch đá sẵn trong lều. Chậu cây nào đẹp thì tôi để ở giữa vườn, các cây khác đều chằng khóa xích sắt hết. Những đêm gần đây hầu như đêm nào cũng chỉ "ngủ một mắt", nghe thấy động là choàng dậy ngay. Sống chung với “trộm” mà".


Tinh vi "chiêu" trộm đào quất

Năm nào cũng vậy, giáp Tết, đào được đánh lên chậu, chỉ cần người mua đến xem và ưng ý thì các chủ đào sẽ vận chuyển đến nhà. Đây là một lợi thế bởi đào được đánh lên chậu sẽ đẹp hơn, tôn lên vẻ đẹp của dáng đào. Tuy nhiên, việc đánh đào lên chậu cũng là một bất lợi lớn khi các chủ vườn ngày đêm phải mất ngủ để trông nom chống trộm.

Thủ đoạn của bọn trộm thường là ban ngày giả dạng người có thú chơi cây cảnh đến vườn xem, hỏi mua để nắm tình hình, thăm dò những loại cây có giá trị, phát hiện quy luật, sơ hở của chủ nhà để “tác nghiệp”.
Ngoài việc quấn dây xích vào nhau, những ngày cận kề tết các chủ vườn đều dựng một túp lều nhỏ cạnh vườn đào, quất để dễ trông nom
Ngoài việc quấn dây xích vào nhau, những ngày cận kề tết các chủ vườn đều dựng một túp lều nhỏ cạnh vườn đào, quất để dễ trông nom
Đây là một trong những hành vi tinh xảo mà các chủ vườn khó tránh được. Bởi lẽ, mỗi ngày có rất nhiều người vào hỏi và xem đào, quất, đâu biết kẻ gian là ai. Sau khi tham khảo địa hình, những tên trộm cắp sẽ tìm kiếm cơ hội để trở lại vào ban đêm, thời điểm chủ nhà hay người trông vườn ngủ say. Chúng thường chọn những cây lâu năm, có dáng đẹp trị giá hàng trăm triệu đồng.

"Có hôm gần 1h sáng trời lạnh quá, trong căn nhà nhỏ của vườn chỉ có một chiếc chăn mỏng đến đêm lạnh tê tái, không thể chịu được. Mặc dù cả vườn đào trị giá tiền tỉ nhưng cũng phải bỏ để về nhà nằm. Biết là mình về thì không an toàn, nhưng thiết nghĩ, người làm ra của chứ có khi nào của làm ra người đâu. Tôi đành “bỏ của chạy lấy người”, chủ vườn đào tên Tuấn bộc bạch về những khó khăn, gian nan trong công tác bảo vệ, chăm sóc đào.

Ngoài các vườn đào thì các vườn quất cũng là một trong những sản phẩm lọt vào tầm ngắm của các “đạo chích”. Hầu hết các vườn quất tại Tứ Liên đều được che chắn rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên không giống như đào, các cây quất chưa được đánh lên chậu, ít có người ngủ lại vườn để trông coi tạo điều kiện cho những kẻ gian dễ bề hoạt động hơn.
Các chủ vườn quất cũng đã chuẩn bị kỹ càng, tăng thêm người bảo vệ và gia cố các dây thép...
Các chủ vườn quất cũng đã chuẩn bị kỹ càng, tăng thêm người bảo vệ và gia cố các dây thép...
Theo anh Tâm, một chủ vườn quất tại Tứ Liên cho biết: “Năm ngoái anh cũng bị mất vài cây, thường những cây vừa đẹp là bọn chúng để ý nhiều, bởi lẽ cây vừa, đẹp dễ vận chuyển hơn.  Vườn quất của anh Cường có hơn 300 gốc, năm ngoái bị mất đến 5 gốc cực đẹp. Từ sau lần đó, tôi phải tăng cường thêm người bảo vệ và gia cố các dây thép, xích sắt và khóa sắt để bảo vệ cây,… nhưng mà vẫn không yên tâm được. Kẻ trộm thường đi theo nhóm, lên kế hoạch trộm hẳn hoi, có cả phương tiện hỗ trợ, lại liều lĩnh, chỉ sợ rằng sẽ manh động tấn công cả người bảo vệ để cưỡng đoạt những cây có giá trị lớn hơn".

Cả năm dồn công chăm sóc giờ mới có được, song gần đến ngày thu hoạch thì lại thêm nhiều nỗi lo. Do đó, ngoài các biện pháp an toàn trên, anh Cường còn cẩn thận hơn khi xích các cây ở phía mặt đường với nhau rồi lắp chuông vào, mỗi khi có trộm hay khách lạ vào thì tiếng chuông kêu lên anh cũng dễ phát hiện.
Bài, ảnh: Trần Nguyên