Chuyển giá, không phải lúc nào cũng tiêu cực

22/12/2012 07:27
Vũ Vũ
(GDVN) - Dưới góc nhìn khác về hiện tượng chuyển giá để né thuế hiện nay tại các công ty đa quốc gia, một luật sư thuộc Hội luật gia TP.HCM lại cho rằng: Không nên suy nghĩ về chuyển giá quá tiêu cực

Không nên suy nghĩ về chuyển giá quá tiêu cực
Trong khi không ít các luật gia của Việt Nam đã khẳng định “chuyển giá” là hành vi trốn thuế, những ngày gần đây, dư luận cũng “nổi sóng” phẫn nộ trước nghi vấn “né thuế” của các “đại gia” – công ty đa quốc gia có tên tuổi, sau khi ngành Thuế “điểm mặt, gọi tên”, trong đó có Coca Cola, Adidas, Metro…
Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác một luật sư thuộc Hội luật gia TP.HCM lại cho rằng: Không nên suy nghĩ về chuyển giá quá tiêu cực như diễn giải của một số người. 
“Có thể nói chuyển giá là việc làm bình thường. Không bị pháp luật cấm và nó cũng là đối trọng để một quốc gia xem xét không tăng mức thuế nội địa lên quá cao (vì nếu tăng lên quá cao, thì người ta sẽ chuyển giá qua quốc gia khác có mức thuế thấp hơn, còn nếu mức thuế không chênh lệch nhiều thì không ai chuyển giá làm gì cho mất công).    

"Chuyển giá là việc làm bình thường. Không bị pháp luật cấm và nó cũng là đối trọng để một quốc gia xem xét không tăng mức thuế nội địa lên quá cao" - ý kiến của một luật sư thuộc Hội Luật gia Tp.HCM.
"Chuyển giá là việc làm bình thường. Không bị pháp luật cấm và nó cũng là đối trọng để một quốc gia xem xét không tăng mức thuế nội địa lên quá cao" - ý kiến của một luật sư thuộc Hội Luật gia Tp.HCM.


Ví dụ, ở một hình thức khác, khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư ở VN hay Trung Quốc để tận dụng giá nhân công rẻ, thì cơ hội việc làm của một số người ở châu Âu và Mỹ sẽ mất đi, vậy thì các nước như Mỹ và châu Âu, có nên chống việc các công ty của mình đem tiền ra nước ngoài đầu tư để giữ lại việc làm cho người dân của mình hay không (nên nhớ rằng thất nghiệp đang là vấn đề rất nghiêm trọng tại châu Âu và Mỹ)?  
Rõ ràng là châu Âu và Mỹ đã không làm việc đó mà họ để doanh nghiệp (DN) tự do hành động để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Một số người có thể cho rằng chuyển giá gây thất thu thuế là vô đạo đức, vậy có vô đạo đức với người Mỹ không khi lấy đi việc làm của họ bằng cách chuyển qua VN để tận dụng nhân công giá rẻ?!
Mặt khác, khi “cởi trói” cho DN như vậy, Mỹ và châu Âu cũng không nghĩ tiền đầu tư vào Việt Nam sẽ quay lại Mỹ và châu Âu, nơi nó đã xuất phát vì họ biết rõ tiền đó rất có thể sẽ chạy đến những “thiên đường thuế” như như British Virgin Island hay Monaco mà không quay lại nước mình. Như vậy, nếu lập luận theo cách của một số người, thì Mỹ và châu Âu thiệt đơn thiệt kép mà không có biện pháp gì?  
Vì vậy, khi một số công ty chuyển giá thì các quốc gia cũng cần xem lại chính sách thuế của mình để điều chỉnh cho phù hợp. 
Gần đây, Việt Nam có xu hướng muốn tăng thu ngân sách quốc gia nhưng không tăng thuế mà tìm cách tăng phí (chẳng hạn như phí giao thông), đây cũng là một trong những biện pháp chống chuyển giá vì khi thu phí giao thông thì không chuyển giá được. 
Tóm lại, tôi thấy là cần xem xét thêm những khía cạnh khác của chuyển giá. Và cũng cần xem xét lại chính sách thuế của VN cũng như cách tính toán của Cục thuế, chứ quy kết hết cho các công ty đa quốc gia như hiện nay là thiếu sòng phẳng” – Luật gia này kết luận.
"Chuyển giá" không phải là trốn thuế?!
Cũng là một cách nhìn khác về “chuyển giá”, chuyên gia Marketing Đỗ Anh Tú đưa ra quan điểm cho rằng: "Chuyển giá" chắc chắn không phải là trốn thuế như rất nhiều người đang hiểu và trao đổi xôn xao.

"Nếu một doanh nghiệp bị xác định là trốn thuế thì thẳng tay mà xử lí ngay, và cần phải gọi đúng tên là trốn thuế với những bằng chứng pháp lí chứ không thể đưa ra cái gọi là "dấu hiệu chuyển giá" để công chúng có thể hiểu nhầm cứ doanh nghiệp nào "chuyển giá " = trốn thuế” – ông Tú nhấn mạnh.
Có những quốc gia tạo ra sự hấp dẫn nhiều hơn các quốc gia khác, ví dụ như ưu đãi chấp nhận những khoản chi phí cho đầu tư nghiên cứu phát triển, nhưng có những quốc gia, cụ thể như VN thì chưa hoàn thiện luật lệ về vấn đề này, kể cả luật lệ về xác định những chi phí marketing, chi phí bán hàng hợp lý nhưng lại không hợp lệ nếu qui chiếu theo hệ thống kế toán hiện hành.
“Tại Việt Nam, nếu đặt ra vấn đề chuyển giá thì theo tôi, có thể nhìn cho tương lai sau này, nó nên là một bài toán công bằng cho cả hai bên : Chính Phủ - Các tập đoàn. Chính phủ cần có những điều chỉnh hợp lý để những chi phí hợp lý của các tập đoàn được thừa nhận. Ngược lại, các tập đoàn cũng cần có cam kết về trách nhiệm nộp thuế của mình với nước sở tại bất chấp các cơ hội trong tầm tay của mình khi có thể nộp thuế tại một quốc gia khác mà vẫn tuân thủ luật lệ sở tại” – chuyên gia marketing Đỗ Anh Tú chia sẻ.

Bản chất của hoạt động "chuyển giá" là việc lựa chọn nơi ưu đãi nhất để nộp thuế của một doanh nghiệp mà không làm trái các qui định pháp luật hiện hành.
Bản chất của hoạt động "chuyển giá" là việc lựa chọn nơi ưu đãi nhất để nộp thuế của một doanh nghiệp mà không làm trái các qui định pháp luật hiện hành. 
Về sự công bằng giữa các DN Việt Nam và nước ngoài, có thể thấy một thời gian rất dài, các DN nước ngoài phải chịu các chi phí cao đầu vào do cơ chế hai giá. Ví dụ như một DN nước ngoài phải trả chi phí quảng cáo cho mỗi shot TVC cao nhiều lần so với một DN Việt. Nhiều loại chi phí khác cũng nằm trong sự bất cập tương tự. 
“Về thuế VAT, nhà nước cũng cần công bằng giữa DN Việt và nước ngoài. Liệu có công bằng hay không khi DN nước ngoài nghiêm chỉnh khai báo đầy đủ từng đồng doanh thu và thực hiện nộp đầy đủ VAT, còn rất nhiều DN khác thì đang dùng kĩ thuật giấu doanh thu, dùng thuế khoán và người dân thì nộp đủ thuế VAT nhưng nhà nước lại chỉ thu được đầy đủ nhất là từ các tập đoàn?!” – ông Tú đặt ra câu hỏi.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Vũ Vũ