Coca Cola từng bị Đà Nẵng từ chối cho thuê 4.700m2 như thế nào?

29/01/2013 07:28
Viết Cường (th)
(GDVN) - Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho biết, trong cuộc làm việc với Coca-Cola Việt Nam, ông đã nói thẳng: Doanh nghiệp làm ăn kiểu “chuyển giá, chuyển vốn”, rồi sau đó báo lỗ... khiến thành phố bị thất thu thuế nên thành phố sẽ không đồng ý để doanh nghiệp mở rộng dây chuyền, nhà máy sản xuất.

Nghịch lí: Lỗ vẫn tiếp tục xin thuê thêm đất để sản xuất

Vào ngày 13/12/2012 trên trang báo Tuổi trẻ có đưa thông tin rằng: Tại buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng, đại diện của Coca - Cola Việt Nam cho biết các sản phẩm của Coca - Cola được tiêu thụ rất tốt tại Việt Nam cũng như khu vực miền Trung trong những năm qua. Do đó, Coca - Cola đệ trình lên thành phố Đà Nẵng xem xét cho công ty thuê thêm diện tích đất 4.700m2 ngay bên cạnh cơ sở hiện tại ở phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, để mở rộng sản xuất các sản phẩm của Coca - Cola tại nhà máy ở Đà Nẵng.

Dù luôn miệng kêu lỗ song Coca Cola vẫn xin thêm đất để tiếp tục mở rộng sản xuất
Dù luôn miệng kêu lỗ song Coca Cola vẫn xin thêm đất để tiếp tục mở rộng sản xuất


Tuy nhiên liên tiếp nhiều năm qua, các báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn báo lỗ, riêng khu đất hiện tại diện tích đã giao cho nhà máy Coca - Cola mới chỉ sử dụng hết 2/3 (khoảng 1/3 trên tổng diện tích đất 40.000m2 thành phố Đà Nẵng đã cho thuê đến nay vẫn chưa khai thác hết).

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng rất hoan nghênh việc Công ty Coca - Cola Việt Nam mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng nhưng yêu cầu thuê khu đất cạnh kênh Đa Cô (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) thành phố không chấp nhận.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cũng khẳng định mặc dù thành phố đã cho thuê đất với giá ưu đãi, luôn tạo mọi điều kiện nhanh, thuận lợi về thủ tục hành chính để đầu tư nhưng tiền thuế thu được từ công ty rất ít. Do vậy, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ xem xét tính hiệu quả của dự án để cho thuê khu đất mới, nếu công ty muốn mở rộng quy mô sản xuất.

Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho biết, trong cuộc làm việc với Coca - Cola Việt Nam, ông đã nói thẳng: doanh nghiệp làm ăn kiểu “chuyển giá, chuyển vốn”, rồi sau đó báo lỗ... khiến thành phố bị thất thu thuế nên thành phố sẽ không đồng ý để doanh nghiệp mở rộng dây chuyền, nhà máy sản xuất.

Việc từ chối cho Coca Cola VN đầu tư mở rộng nhà máy, theo lời ông Khương, cũng sẽ áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn không có đóng góp gì nhiều cho ngân sách địa phương.

Thái độ kiên quyết của Đà Nẵng là hành động cụ thể ứng xử với những doanh nghiệp chỉ chăm chăm kiếm lợi nhuận bỏ túi riêng mà không quan tâm đến nghĩa vụ phải đóng góp cho xã hội, trước hết là nghĩa vụ thuế đối với địa phương mà các doanh nghiệp này đang hoạt động.

Gần 20 năm kinh doanh không hề có lãi?

Sự việc các công ty đã quốc gia bị nghi vấn chuyển giá để trốn thuế liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, báo chí khiến dư luận không khỏi bức xúc. Theo như VTV phân tích, từ việc chuyển giá này, một lượng ngân sách không nhỏ đã bị thất thoát từ hàng loạt vụ chuyển giá trốn thuế của các công ty đa quốc gia trong đó Coca - Cola là tâm điểm nghi vấn.

Việc các công ty đa quốc gia chuyển giá để trốn thuế đã khiến không ít các doanh nghiệp trong nước phải đau đầu bởi sự tương phản về mức độ cạnh tranh. Trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam phải đóng 25% thuế thu nhập doanh nghiệp thì trái lại, các công ty đa quốc gia như Coca - Cola không hề phải đóng 1 đồng thuế nào vì họ có chiêu chuyển giá để né thuế. Từ đó, các công ty đã quốc gia này sẽ có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm, đầu tư mạnh cho quảng cáo truyền thông thu hút người tiêu dùng.

Theo công bố của Coca - Cola, năm 2004 doanh thu của doanh nghiệp này là 728 tỉ đồng, lỗ là 110 tỉ đồng. Tiếp đó, năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỉ đồng nhưng số lỗ lại tăng lên gấp đôi là 253 tỉ đồng.

Mới đây nhất, năm 2010, doanh thu của Coca - Cola VN đã lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng.

Lũy kế đến nay công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.

Nhìn những số liệu về doanh thu lỗ lãi của Coca - Cola chắc hẳn ai cũng phải nghi ngờ bởi doanh thu thì cao ngất ngưởng nhưng chung quy lại vẫn là lỗ vì lí do đã bỏ hết tiền để mở rộng đầu tư sản xuất…?

Sự việc đáng suy nghĩ ở đây đó là, dù luôn miệng kêu lỗ những cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và công bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư vào thị trường này lên nửa tỷ USD trong vòng 5 năm.

Không hiểu vì lí do gì mà gần 20 năm kinh doanh ở Việt Nam Coca Cola lỗ đậm như thế nhưng vấn quyết tâm đầu tư thêm 300 triệu USD vào thị trường này. Điều đó quả thực làm cho nhiều người cảm thấy khó hiểu vô cùng?

Khảo sát tại các gian hàng nước giải khát của siêu thị, người dùng tìm mỏi mắt cũng khó thấy thương hiệu nước giải khát nào made in Việt Nam. Trong khi đó, các thương hiệu ngoại lại đang chiếm tỉ lệ lớn, nằm ở vị trí mặt tiền thuận tầm tay nhất. Không khó hiểu khi Coca - Cola và Pepsi chiếm tới 80% thị phần nước giải khát tại Việt Nam.

Việc cơ quan chức năng khó kiểm soát được được các công ty đã quốc gia chuyển giá để né thuế đã phần nào ‘góp sức’ cho những công ty này đẩy những doanh nghiệp cùng ngành trong nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi mức độ cạnh tranh chênh lệch. Những thương hiệu nước giải khát của Việt Nam đã từng một thời lừng lẫy như như Tribeco, Chương Dương đã bị Coca - Cola và Pepsi đè bẹp phần lớn vì lí do đó.

Để có được vị trí dẫn đầu này, Coca - Cola và Pepsi đã phải chi ra hàng trăm nghìn tỉ đồng chi cho quảng cáo như dội bom vào người tiêu dùng. Những số tiền đó đáng ra là đóng vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Với cách này, nhiều nhà sản xuất trong nước sẽ dần bị bóp nghẹt còn người tiêu dùng sẽ phải chịu hậu quả từ sự độc quyền.  

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Viết Cường (th)