Đề nghị tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng, dự án “lên trời gọi mưa” quá viễn vông

16/09/2016 14:20
Việt Hoài
(GDVN) - Dự án “lên trời gọi mưa” chưa biết thành quả đến đâu mà chủ dự án đã xin Chính phủ tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ lên đến 5.000 tỷ đồng.

Hoang tưởng là nhận xét của nhiều người khi báo chí đưa tin Công ty cổ phần khoa học công nghệ An Sinh Xanh, đề xuất với Thủ tướng hỗ trợ khẩn số tiền 5.000 tỷ đồng để thực hiện đề án “lên trời gọi mưa”, nhằm chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino.

Công ty An Sinh Xanh cũng đang khẩn trương nghiên cứu nâng cấp dự án, lập 1.000 trạm điều tiết mưa. Vị Tổng Giám đốc Công ty An Sinh Xanh là kỹ sư Phan Đình Phương.

Theo báo chí đưa tin, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị 7 Bộ cùng tham gia dự án. Bộ Khoa học Công nghệ có công văn chỉ đạo Công ty An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ có liên quan, triển khai theo 7 lĩnh vực nhà nước quản lý.

Làm ăn thua lỗ, UBND tỉnh Ninh Bình xin Chính phủ "cứu" nhà máy Đạm Ninh Bình - ảnh doanh nghiệp và thương hiệu.
Làm ăn thua lỗ, UBND tỉnh Ninh Bình xin Chính phủ "cứu" nhà máy Đạm Ninh Bình - ảnh doanh nghiệp và thương hiệu.

Tất nhiên, dù ý tưởng của An Sinh Xanh là tốt, là giúp người dân không bị hạn hán đe đọa đến đời sống dân sinh, sản xuất, tuy nhiên đề án “lên trời gọi mưa” với phương thức “điều tiết mưa đúng lúc” ở tất cả 63 tỉnh thành, liệu có quá viển vông?

Người dân không tin con người lại có thể “thay trời làm mưa”? Cũng có đề nghị chỉ nên thử nghiệm một trạm ở vùng hạn hạn nhất, nếu có thành quả hãy triển khai đồng loạt. Đừng ném 5.000 tỷ đồng để xây dựng cả nghìn trạm “điều tiết mưa”, rồi đây liệu các trạm lại “trơ gan cùng tuế nguyệt”, ai sẽ chịu trách nhiệm với 5.000 tỷ đồng lấy từ thuế của dân?

Dư luận lo ngại là có cơ sở, khi mới đây trước khoản nợ hơn 8.300 tỷ đồng cộng với khoản lỗ hơn 2.700 tỷ đồng của nhà máy Đạm Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình đành lên tiếng xin Chính phủ cho giãn nợ tối thiểu là 5 năm.

Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư. Vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, nhưng vốn của chủ đầu tư chỉ có khoảng 100 triệu USD, vậy nên dự án phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay.

Kể từ ngày nhà máy bắt đầu vận hành (năm 2012) đến nay thì năm nào cũng thấy lỗ. Năm 2015, Vinachem đã phải cho nhà máy vay 366 tỷ đồng để trả nợ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Năm 2016, theo Vinachem thì con số cho vay phải tăng gần gấp đôi, dự kiến khoảng 563 tỷ đồng.

Lãi mẹ đẻ lãi con, khiến nhà máy Đạm Ninh Bình sa lầy vào chuyện nợ nần. Trong khi không thấy một ai chịu trách nhiệm về khoản tiền “ném qua cửa sổ” này?

Mới đây chủ đầu tư dự án thép hơn 8.000 tỷ đồng lại cũng lên tiếng kêu cứu. Một dự án mà vốn đầu tư với số tiền khủng, để rồi sau cả 10 năm “lai rai” xây dựng và cho “đắp chiếu” suốt 4 năm qua, nay vẫn dang dở chưa biết ngày nào hoàn tất vì đối tác sau khi đã nhận hơn 90% tiền của chủ đầu tư thanh toán thiết bị, liền xa chạy cao bay, không hẹn ngày trở lại để bàn giao các hạng mục?

Ba nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nằm trong số phận “đẻ” cho có tên có tuổi, rồi vất vưởng vì thua lỗ…
Những dự án không mang lại hiệu quả này đều có vốn đầu tư đến hàng nghìn tỷ.

Chính phủ không phải là bầu sữa ngọt để các dự án đầu tư tiền khủng, vẽ ra tương lai hoành tráng, để sau… lâm chuyện nợ nần, thua lỗ.

Chính vì quan niệm coi ngân sách của nhà nước như vỏ hến nên mới cho ra đời những dự án nghìn tỷ tai tiếng để đời. Lạ là, cha thấy một ai chịu trách nhiệm về khoản tiền lãng phí đó.

Việt Hoài