Đi chợ, choáng với 1.000 đồng... 3 quả cà muối

09/07/2011 06:11
(GDVN) - Đến hàng cà muối, chị Cúc còn choáng hơn khi theo thói quen, chị rút tờ 1.000 đồng mua cà muối sẵn, người bán múc cho chị... 3 quả vào túi nilong.

(GDVN) - Đến hàng cà muối, chị Cúc còn choáng hơn khi theo thói quen, chị rút tờ 1.000 đồng mua cà muối sẵn, người bán múc cho chị... 3 quả vào túi nilong và còn tỏ thái độ không muốn bán.

Choáng với 1.000 đồng... 3 quả cà muối


Theo khảo sát của phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, các loại rau xanh khoảng 1 tuần trở lại đây tăng giá nhanh chóng và không có dấu hiệu giảm. Mặc dù trận mưa ảnh hưởng từ cơn bão số 2 đã qua lâu nhưng nhiều người vẫn cho rằng do ảnh hưởng từ trận mưa này, rau bị hỏng, khan hiếm nguồn cung nên giá rau tăng nhanh. Một số người bán hàng cũng ch biết, do nông dân quanh khu ngoại thành Hà Nội đang bận bịu với thu hoạch lúa vụ xuân nên không có thời gian mang rau đi bán, vì vậy giá rau đã đắt lại càng đắt.

Chị Mai, bán rau trong chợ Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết: So với thời điểm của tuần trước, giá rau hiện tại chưa giảm. Một số loại rau có xu hướng tăng nhanh như rau mồng tơi, rau đay, rau ngót… Trong khi đó rau thơm, phụ liệu cho việc nấu nướng cũng tăng gấp 2, 3 lần.

Các loại rau đều tăng từ 30 đến 50 % so với trước đó
Các loại rau đều tăng từ 30 đến 50% so với trước đó.
Cụ thể tại chợ Dịch Vọng, rau muống có giá 7 nghìn đồng/mớ, so với tháng trước tăng 3 nghìn đồng/mớ, rau mồng tơi từ 2 nghìn đồng đội lên đến 5 nghìn đồng, rau đay cũng tương tự, rau lang có giá 4 nghìn đồng, rau dền 5 nghìn đồng/mớ.
Ngoài ra, các loại rau trái mùa như bắp cải, rau cải thảo, rau cải ngọt giá cũng tăng theo các loại rau chính vụ khác. Cụ thể tại chợ Quan Hoa (Cầu Giấy), bắp cải giá 13.000 đồng/kg, cải thảo 15.000 đồng/kg, khoai tây 17.000 đồng/kg, mướp đắng 15.000 đồng/kg, đỗ quả dài 14.000 đồng/kg, cải chíp 14.000 đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg (đều tăng từ 30 - 50% so với tháng trước).

Các loại rau phụ gia khác như: rau thì là mua nhiều với giá 60 nghìn đồng/kg, mua lẻ 2 nghìn đồng/mớ, rau xà lách 40 nghìn đồng/cân, rau mùi được bán với giá 3 – 4 nghìn đồng/mớ... Mướp giá từ 4 – 5 nghìn đồng/lạng.
Những quả mướp như thế này được bán từ 8 đến 10 nghìn đồng/quả
Những quả mướp như thế này được bán từ 8 đến 10 nghìn
đồng/quả.
Chị Bùi Thị Cúc, trú tại Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi cảm thấy "sốc" khi hỏi mua một quả mướp to bằng quả dưa chuột với giá 6 nghìn đồng tại chợ Quan Hoa. Nếu tính sơ sơ để có một bát canh cua có cả mướp, rau đay, mồng tơi và cua cho gia đình khoảng 4 người ăn, chị Cúc phải chi ít nhất 50 nghìn đồng.
Nhưng khi đến hàng cà muối, chị Cúc còn choáng hơn khi theo thói quen, chị rút tờ 1.000 đồng mua cà muối sẵn, người bán múc cho chị... 3 quả vào túi ni-lon và còn tỏ thái độ không muốn bán vì "cà sống giờ cũng hơn 20.000 đồng/kg, chị mua 1.000 tôi không biết bán thế nào cho đủ vốn".
Đứng cạnh hàng cà muối cùng chị Cúc là Thanh và Hải, sinh viên trường Học viện Báo chí tuyên truyền... Đưa lên 2 mớ rau muống và vài bìa đậu phụ đang xách trên tay cho phóng viên xem, Thanh cho biết: "Bình thường, chỉ cần thêm 1.000 cà nữa là bọn em có bữa cơm ngon lành nhưng giờ, muốn ăn cà, phải ít nhất 4 hoặc 5 nghìn đồng mới đủ. Biết đắt nhưng cũng phải ăn vì xét cho cùng, không còn thứ gì giá 5.000 đồng có thể ăn được hết bữa cơm".

Thịt lợn không có hàng để bán

Mặc dù giá thịt lợn tại các chợ trong thành phố đều tăng vọt, tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết không có thịt lợn để cung cấp cho người tiêu dùng.

Chị Hà bán thịt tại chợ Quan Hoa chia sẻ: “Gần đây đi lấy hàng khó lắm, thịt không có để lấy về bán, mình cũng là người đi mua, trong thời buổi khan hàng, mình cũng không được phép trả giá, chọn kỹ như trước. Nếu chê lợn mỡ sẽ có người khác "nhảy vào" mua ngay. Mua giá cao thì đành bán lại với giá suýt soát giá mua để còn giữ khách", chị Hà than thở.

Gần đây, hình ảnh những hàng thịt ế ẩm hầu như không còn hiện diện ở các chợ Hà Nội khi đa số thịt lấy về chỉ bán buổi sang là hết.

Giá cả của các loại thịt đều tăng nhanh cụ thể như sau: thị ba chỉ giá 120 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 20 nghìn đồng/kg so với tháng trước, thịt nạc vai 140 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng so với thời điểm trước đó, mông sấn 130 nghìn đồng/kg, tăng 15 nghìn đồng/kg….

Tương tự, thịt gà cũng ăn theo thịt lợn tăng giá vùn vụt. Hiện tại giá gà mía là 100 nghìn đồng/kg, so với thời điểm trước tăng 20 nghìn đồng/kg, thịt gà ta làm sắn 160 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 20 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp tăng từ 60 nghìn đến 85 nghìn đồng/kg.
Thịt lợn đắt nên nhiều người quay sang ăn thịt gà cho rẻ
Thịt lợn đắt nên nhiều người quay sang ăn thịt gà công
nghiệp cho rẻ.
Trong khi đó, giá các loại thịt bò chững lại hơn thịt lợn. Bắp bò có giá 180 nghìn đồng/kg, rẻ sườn 140 nghìn đồng/kg, thịt mông 170 nghìn đồng/kg tăng không đáng kể so với trước.

Giải thích nguồn thịt lợn khan hiếm, ông Vũ Quang Lợi (một lái buôn lợn thịt tại Thường Tín, Hà Nội) cho rằng: "Đợt tháng 3, tháng 4, vì sợ dịch tai xanh nên nhiều chủ trại bán tống, bán tháo lợn giống nên hiện tại lợn thịt hiếm hàng. So với thời điểm tháng 4 âm lịch, giá lợn hơi tăng khoảng 30 nghìn đồng/kg. Mặc dù giá tăng nhưng để lùng được đàn lợn thịt cũng không đơn giản. Nếu như trước, người mua lợn có thể chê những con lợn mỡ thì bây giờ mỡ cũng phải bắt”.

Không chỉ thịt đang có giá cao ngất, các loại cá, tôm cũng đội giá tăng chóng mặt. Cá trắm con có giá 60 nghìn đồng/kg, cá chép loại 1kg giá 70 nghìn đồng/kg, cá trôi nhỏ 40 nghìn đồng/kg, loại to giá 50 nghìn đồng. Tốm rảo tăng lên 170 nghìn đồng/kg, trước đó 150 nghìn đồng/kg.

Với đà thực phẩm tăng nhanh như hiện nay, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm bớt các món cầu kỳ, chọn các món đơn giản hoặc cát giảm bớt món ăn. Chị Linh (trú tại E5 Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) chia sẻ, nếu trước mỗi ngày gia đình chị ăn 4 món trong bữa thì bây giờ giảm xuống hai món ăn, một món canh, một món thịt.

P.Thúy