Đổ xô vào đường sắt "thu 400 tỷ chi 2.000 tỷ" doanh nghiệp làm được gì hơn?

22/04/2015 10:15
Trần Đình Bá - Hội Kinh tế&Vận tải đường sắt Việt Nam
(GDVN) - Câu hỏi đặt ra là ngành đường sắt đang thua lỗ nặng nề thì liệu các doanh nghiệp đầu tư vào đây sẽ làm được gì hơn?!

Thu 400 tỷ đồng, chi 2.000 tỷ đồng/năm, đó là con số về hiệu quả kinh doanh tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), được công bố tại hội nghị xã hội hóa đường sắt ngày 20/4/2015.

Hội thảo “xã hội hóa ngành đường sắt" nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp để chuyển nhượng quyền khai thác cho các nhà đầu tư trên nguyên tắc phải mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhưng muốn thu hút được các nhà đầu tư tham gia không phải dễ...    

Bài học xã hội hóa đường sắt từ “Tàu hỏa triệu đô” 

Tổng công ty ĐSVN đã từng đưa ra sáng kiến thực hiện xã hội hóa đường sắt, bán nhiều đoàn tàu, toa tàu, nhượng quyền từng tuyến đường cho tư nhân đầu tư đầu tư khai thác. 

Năm 2009, đoàn tàu khách 6 toa chất lượng cao mang tên HaLong Express được Công ty đường sắt Dongrim (Hàn Quốc) đầu tư vốn 100%, chạy trên khổ đường 1.435 mm được gấp rút khai trương trong tháng 4/2009 để kịp quảng bá và đón khách dịp 30/4- 1/5/2009. 

Đoàn tàu này được giới thiệu là “Boeing đường sắt” với toàn bộ các toa xe được nhập từ Hàn Quốc, trong toa có màn hình LCD âm thanh nổi, máy điều hòa không khí siêu êm, khu vệ sinh lịch sự, quầy mini bar sang trọng đủ các thứ lừng danh thế giới. 

“Tàu hỏa triệu đô" hay còn được mệnh danh là "Boeng mặt đất" đắp chiếu, bài học nhởn tiền từ Xã hội hóa đường sắt từ 2009.
“Tàu hỏa triệu đô" hay còn được mệnh danh là "Boeng mặt đất" đắp chiếu, bài học nhởn tiền từ Xã hội hóa đường sắt từ 2009.

“Boeing mặt đất” còn được quảng bá thân thiện với môi trường, du lịch tốc độ cao và “siêu an toàn”. Tuy nhiên, được vận hành chưa đầy 2 tháng sau ngày khai trương, đoàn tàu HaLong Express đã phải "đắp chiếu". 

Sau ngày thất bại, ông Nguyễn Hiền Thái - người từng tham gia dự án này với tư cách phó Tổng giám đốc Công ty Dongrim cho biết: Dù được đầu tư khá lớn, chuẩn bị khá công phu, nhưng khi đi vào hoạt động,trừ một vài ngày đầu khai trương và dịp lễ 30/4 và 1/5 là đông khách. Sau đó, số lượng khách cứ thưa dần và có những chuyến con tàu có sức chứa 300 khách này chỉ có 3-4 khách. 

Sau 35 chuyến hoạt động kể cả chạy thử, tàu HaLong Express phải ngừng hoạt động. 

Từ đó đến nay, tàu HaLong Express vẫn đang được gửi tại Công ty xe lửa Gia Lâm với phí mỗi tháng tiền trông coi hết 7 triệu đồng. HaLong Express hay “Boeing mặt đất” đang trở thành con tàu chết. 

Lý giải cho nguyên nhân thất bại, bên cạnh việc khách hàng đã phàn nàn về chất lượng dịch vụ của tàu không như quảng bá thì chính hạ tầng đường sắt khổ 1m là rào cản khiến những toa tàu triệu USD này trở nên vô dụng sau đó. 

Cũng đã có nhiều gợi ý phương án cứu con tàu “triệu đô” này như có thể hoán cải ép trục bánh xe từ 1,435 mét thành xe 1 mét để hoạt động sang tuyến đường sắt khác có hiệu quả hơn song đều không khả thi khi chủ đầu tư của dự án này không có tiền để bơm thêm vốn để chuyển đổi công năng.

Đã có rất nhiều các doanh nghiệp khao khát đầu tư vào đường sắt tuyến Hà Nội- TP.HCM, Hà Nội- Lào cai , Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội- Hạ Long... vì dọc tuyến đường này là các đô thị, các điểm du lịch thú vị hấp dẫn thu hút nhiều hành khách trong nước và quốc tế như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Phong Nha, Cửa Lò, Sapa, Hạ Long…. nhưng cần phải có những đoàn tàu chất lượng và tiêu chuẩn Châu Âu, giảm thời gian chạy tàu và hiệp đồng thời gian theo tour du lịch lữ hành song với khổ đường sắt quốc gia 1 mét vốn đã lạc hậu, chạy rung lắc, chậm giờ và trục trặc kỹ thuật... 

"Muốn phát triển phải được đầu tư đồng bộ"

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại hội nghị xã hội hóa đường sắt.

Phải thấy rằng từ 2004 đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về đường sắt là Cục ĐSVN, Vụ KHCN, Tổng công ty ĐSVN... vẫn đang loay hoay với các phương án đường sắt nhưng chưa chú tâm đến giải pháp kỹ thuật nâng cấp khổ đường sắt từ 1 mét lên 1,435 mét.

Muốn phát triển phải được đầu tư đồng bộ.
Muốn phát triển phải được đầu tư đồng bộ.

Những đầu tư thiếu đồng bộ của ngành đường sắt như kiên cố hóa đường sắt bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực khổ 1 mét tốn kém trên 1 tỷ USD, đầu tư vào các đoàn tàu tiêu chuẩn 5 sao, đầu tư nâng các ke ga đều vô cùng lãng phí và vô giá trị... thậm chí là phản tác dụng giống như đầu tư vào bộ vest với gile, cavat sang trọng đắt tiền mà đôi chân vẫn còn đi dép lê … 

Rõ ràng rằng, cốt lõi của công cuộc xã hội hóa đường sắt phải bắt đầu từ bài học này. 

Từ khi khôi phục tuyến đường sắt xuyên Việt đến nay đã 40 năm và 30 năm đổi mới, mọi ngành mọi cấp đều phát triển vượt bậc nhưng hệ thống đường sắt Việt Nam có từ cách đây 130 năm vẫn từng ngày rệu rã.

Phải thấy rằng khổ đường sắt 1 mét hiện nay chính là “vòng kim cô" đang trói chặt ngành đường sắt. Câu hỏi đặt ra là ngành đường sắt đang thua lỗ nặng nề thì liệu các doanh nghiệp đầu tư vào đây sẽ làm được gì hơn?! 

Muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư phải khai thông khổ đường sắt 1,435 mét và nói cách khác muốn đột phá mở rộng hiện đại đường sắt phải dựa vào sức mạnh của xã hội.  

Tất cả mọi người dân Việt Nam khát khao có đường sắt hiện đại như đường sắt thế giới, khát khao tối lên tàu ở Hà Nội, ngủ một giấc là sáng mai đã có mặt tại TP.HCM. 

Ai cũng hiểu cái lợi của đường sắt là tốc độ cao (150-200km/h), an toàn, chạy trong mọi điều kiện thời tiết vì thế việc nâng cấp khổ đường sắt không chỉ là vấn đề nội bộ ngành đường sắt với các doanh nghiệp mà đây là vấn đề lớn tầm quốc gia. 

Đã đến lúc phải đưa vấn đề đường sắt lên bàn Quốc hội để chấm dứt cảnh mỗi năm phải dùng 1.600 tỷ tiền thuế của dân vô ích, các doanh nghiệp phải chịu thiệt hại vì đường sắt công nghệ lạc hậu và không thể tiếp tục để đường sắt lạc hậu.  

Nhiều “ông lớn” sẵn sàng đầu tư vào đường sắt

Tại cuộc gặp lãnh đạo Bộ GTVT, nhiều doanh nghiệp bày tỏ muốn đầu tư vào ngành đường sắt. 

Đại diện Vingroup đề xuất mua lại 3 ga đường sắt lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. 

Ông Trần Minh Sơn, Phó Chủ tịch Sun Group, cho biết tập đoàn này muốn đầu tư vào những đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai. Ông Sơn khẳng định nếu được chấp thuận, Sun Group sẽ đầu tư vào toa xe với trang bị nội thất hiện đại, dịch vụ tối ưu để phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Sơn, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tỏ ra quan tâm đến phát triển logistic đường sắt. Đại diện Công ty CP Thương mại và Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng khẳng định nếu được phép sẽ sớm đầu tư vào tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 7 km.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư băn khoăn và muốn Bộ GTVT đề xuất nhà nước tháo gỡ về mặt cơ chế, thủ tục đầu tư; làm rõ hơn tính chất pháp lý về khai thác đất, kho bãi, đầu kéo... 

                             (Theo Người lao động)

Trần Đình Bá - Hội Kinh tế&Vận tải đường sắt Việt Nam