Doanh nhân số 1 Việt Nam, anh là ai?

17/05/2011 00:12
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: “Rất khó có thể nói doanh nhân nào là số 1 ở Việt Nam".

(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: “Rất khó có thể nói doanh nhân nào là số 1 ở Việt Nam. Trong hoạt động kinh tế, có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Hơn nữa, hầu hết các báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp cũng không được minh bạch. Việc tiếp cận những thông tin về doanh nghiệp để đánh giá là rất khó…”.

>> Dư luận đang phê phán NXB, nhóm biên soạn hay ông Vũ?

>> Tác giả sách vĩ nhân "miễn bình luận" ý kiến của ông Đào Trọng Thi

Những ngày qua, cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ cùng cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” xuất hiện gần như trên hầu hết các mặt báo. Dư luận bàn tán, đánh giá nhiều về việc ông Vũ được được xếp bên cạnh các vĩ nhân có “xứng tầm” hay không? Liệu Đặng Lê Nguyên Vũ có phải là doanh nhân số 1 ở Việt Nam? Các chủ biên đã dựa vào tiêu thức nào để đánh giá, chọn lựa và xếp hạng một doanh nhân thành đạt? Hay đã có những mục đích cá nhân, những sự tính toán mưu lợi nào ẩn đằng sau chuyện này?... Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội - để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.

Nhiều nghi vấn trong cuốn sách

Trở lại việc chủ biên cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” đặt ông Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh những vĩ nhân ở Việt Nam và trên thế giới, ông Phong cho rằng, trong cuốn sách có một vài nghi vấn cần được nhóm chủ biên giải thích rõ ràng.

TS Nguyễn Minh Phong
TS Nguyễn Minh Phong:
“Rất khó có thể nói DN
nào là số 1 ở Việt Nam".
Nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ được ghi ở phía bên trong của bìa cuốn sách có phải là Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên hay không? Và nếu đúng như thế thì phải xác nhận ông ấy là đồng tác giả. Trường hợp này, về mặt khoa học, ý nghĩa của cuốn sách sẽ bị giảm đi. Một cuốn sách, tác giả lại chính là người được đề cập, tự thuật trong đó thì rất thiếu tính khách quan.
Và ở đây, nếu việc xếp ông Vũ bên cạnh các vĩ nhân trong cuốn “Tài năng và đắc dụng” là ý muốn chủ quan, sẽ không được xã hội thừa nhận, mà không được thừa nhận thì cuốn sách sẽ không có ý nghĩa và nó chỉ có giá trị như một cuốn sách cá nhân, một cuốn hồi ký và vì thế điều này không đáng để chúng ta bình luận.

Còn nếu như nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ được ghi bên trong bìa cuốn sách không phải là đồng tác giả quyển sách mà là một nhân vật được nhóm tác giả nghiên cứu, sẽ có hai điểm cần phải bàn đến:

Thứ nhất: cần đánh giá lại chất lượng về mặt khoa học của cuốn sách với tư cách là đề tài nhánh trong công trình nghiên cứu cấp nhà nước do ĐHQG thực hiện. Thậm chí với tư cách là đề tài nhánh, được nhận tiền của đề tài chính để nghiên cứu nên việc nhóm tác giả của đề tài nhánh muốn xuất bản thì phải xin phép, hoặc có ý kiến của ban chủ nhiệm đề tài chính chứ không thể tự ý xuất bản được.

Thứ hai: cũng cần xem xét và đánh giá lại trách nhiệm của ban chủ nhiệm đề tài chính. Việc ban chủ nhiệm đề tài chính có “lỗi” ở chỗ không đưa ra hướng xử lý các kết quả của các đề tài nhánh. Đề tài nhánh được xếp hạng, kết quả nghiệm thu cao trong khi bản thân đề tài nhánh chưa đưa ra những tiêu thức đầy đủ để đánh giá các nhân tài về mặt kinh tế-kinh doanh… Việc xếp Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh vĩ nhân ở trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” được ông Phong ví như là “cưỡng bức”, tùy tiện và thiếu căn cứ khoa học.

TS Nguyễn Minh Phong cho biết thêm: trong chuyện này, về mặt khoa học không có tính thuyết phục, còn về “nội bộ” thì tôi xin không bày tỏ quan điểm bình luận, nhưng chắc chắn người đọc sẽ cảm nhận có một cái gì đó “không đàng hoàng”, không khoa học trong việc xếp hạng, so sánh và đưa ra các nhân vật với tư cách là những biểu tượng.    

Không có doanh nhân số 1 ở Việt Nam

TS Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Rất khó có thể nói doanh nhân nào là số 1 ở Việt Nam. Ttong hoạt động kinh tế, có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Hơn nữa, hầu hết các báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp cũng không được minh bạch. Việc tiếp cận những thông tin về doanh nghiệp để đánh giá là rất khó…”.

TS Phong cho rằng, ngay cả việc bây giờ các doanh nghiệp nộp thuế bao nhiêu? Họ trả lương cho công nhân thế nào? Có bao nhiêu lao động, có nợ thuế không?…là những vấn đề không dễ gì có thể minh bạch. Hiện nay, chưa một cơ quan, cá nhân nào có đủ thông tin, đủ thẩm quyền để định vị doanh nhân nào là số một ở nước ta. Cùng lắm người ta chỉ đưa ra 1 tốp những doanh nhân nổi bật trong lĩnh vực nào đấy như: bất động sản, công nghiệp, thủy sản, chế biến nông sản... trong các lĩnh vực đó có thể đưa ra 1 vài tiêu chí chung để bình chọn...

Chỉ bàn về lĩnh vực kinh tế, TS Nguyên Minh Phong đánh giá ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một trong những doanh nhân có tên tuổi, nó thể hiện ở chỗ: ít nhất ông Vũ cũng xây dựng được một thương hiệu cà phê Trung Nguyên và được thị trường chấp nhận. Nhưng tên tuổi của ông Vũ chỉ dừng lại ở nhóm những doanh nhân hiện nay chứ chưa thể so sánh được với quá khứ và càng không thể so sánh với thế giới...

“Dính dáng đến chuyện xuất bản sách, thực ra trường hợp của Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là trường hợp đầu tiên, chúng ta cũng đã từng chứng kiến một vị Tổng Giám đốc của một ngân hàng lớn ở Việt Nam (xin được giấu tên, nay đã nghỉ hưu) đã bỏ tiền ra làm sách tự viết về mình. Lúc đầu là bán, sau đó là “tặng” cho các cán bộ nhân viên trong cùng cơ quan…”, ông Phong dẫn chứng.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Trường hợp của ông Vũ cũng có thể là “duyên”? Về nguyên tắc, trong khi thực hiện một đề tài khoa học thì nhóm tác giả cũng phải tìm các đối tác để khảo sát, đánh giá, xếp hạng… Việc mà ban chủ nhiệm đề tài chủ động có công văn đề nghị ông Vũ cung cấp thông tin cũng như là nêu lịch sử quá trình phát triển của mình để làm các tiêu thức đánh giá thì cũng là bình thường điều này không có gì phải bàn cả.

Nhưng nếu như ông Vũ bằng cách nào đó biết được nhóm tác giả đang thực hiện đề tài như vậy và ông Vũ coi đó là một cơ hội để quảng bá thương hiệu cho cá nhân mình thì đấy cũng là khen cho cái sự “nhanh nhạy” của một doanh nhân, chứ ông Vũ cũng không có lỗi gì cả. Lỗi ở đây là ở những người thực hiện các quá trình khảo sát, xếp hạng, đánh giá, và đưa ông Vũ vào trong cuốn sách.

Ông Phong đánh giá: “Bản thân ông Vũ là một doanh nhân, xét về góc độ quảng bá, kinh doanh, kể cả việc ông ấy phải chấp nhận trả giá nào đó cho chuyện này, thay vì phải mất mấy chục triệu để có được 1 phút quảng cáo trên tivi thì mấy chục triệu cho một cuốn sách để đời thì cũng là xứng đáng”. 

Bùi Khương

>> Dư luận đang phê phán NXB, nhóm biên soạn hay ông Vũ?

>> Tác giả sách vĩ nhân "miễn bình luận" ý kiến của ông Đào Trọng Thi

>> Người Tây Nguyên nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ

>> Người đề xuất ông Vũ vào sách “Tài năng và đắc dụng” nói gì?

>> TGĐ Trung Nguyên đứng chung cùng các vĩ nhân từ năm 2008?

>> TGĐ Trung Nguyên được vinh danh "vĩ nhân" theo tiêu chí nào?

>> Đặng Lê Nguyên Vũ xếp cạnh vĩ nhân: Một công trình được đánh giá tốt

>> "Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền “đánh bóng” tên tuổi"

>> "Chủ biên xếp Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh vĩ nhân là việc làm sai trái"

Theo bạn, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã xứng đáng trong cuộc tôn vinh này hay chưa hoặc ai có thể xứng đáng hơn ông Vũ? Bạn nhìn nhận thế nào về các tiêu chí sắp xếp trong quyển sách “Tài năng và đắc dụng”? Hãy chia sẻ ý kiến với báo Giáo dục Việt Nam bằng cách gửi vào ô phản hồi dưới đây hoặc gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng!