Độc giả tiếp tục phẫn nộ kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm

04/03/2013 15:57
Viết Cường (T/h)
(GDVN) - “Tôi đánh giá kiến nghị của ai đó đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là người vô học, vô đạo đức. Nếu đánh vào tiền gửi tiết kiệm tức là đánh thuế vào mồ hôi và nước mắt của người lao động…”, đó là một trong những bình luận của độc giả gửi đến tòa soạn trước ý kiến đánh thuế tiền gửi tiết kiệm do Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Ngày 28/2, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc đánh thuế thu nhập với các khoản tiền gửi tiết kiệm lớn, từ 500 triệu đồng trở lên. Lí giải tại sao có đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, trước đây các hình thức gửi tiết kiệm đều không bị đánh thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn những người có tiền gửi ngân hàng, những người mua trái phiếu, kỳ phiếu... là những đối tượng có thu nhập khá trở lên, nên cần thiết phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, kiến nghị trên ngay lập tức đã bị dư luận và người dân phản đối gay gắt vì cho rằng, đây quả thực là một “tối kiến”. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục trích dẫn một số ý kiến của độc giả gửi về tòa soạn quanh kiến nghị này:

“Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này ở khía cạnh khác đó là sự ích kỷ quá quắt của người, nhóm người (mà vị quan chức kia là người phát ngôn) nghĩ ra cái kiến nghị vô ý thức, không phải của con người hiện đại. Kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn, đang cần những ý kiến có trách nhiệm, có đạo đức để ổn định và phát triển kinh tế…”, độc giả ở địa chỉ hongha1208@yahoo.com bình luận.

Một độc giả khác ở địa chỉ iamno@hotmail.com cho rằng, nhà nước cần phải dũng cảm hi sinh Bất động

sản để cứu nền kinh tế: “Bất động sản (BĐS) không làm ra của cải vật chất cho xã hội, không làm ra hàng hóa để đem xuất khẩu mang về ngoại tệ để đầu tư cho sản xuất. Vì vậy, khi giá BĐS tăng cao, sẽ chiếm dụng một lượng khổng lồ nguồn vốn, tức nguồn lực phát triển đất nước. Sự chiếm dụng này làm đất nước suy thoái kinh tế. Không phải ngẫu nhiên các thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới cũng chính là thời kỳ mà giá BĐS tăng cao.

Nếu chính phủ có biện pháp giảm giá BĐS xuống, lập tức kinh tế sẽ phát triển. Đây là chìa khóa của vấn đề hiện nay của kinh tế đất nước, vì: Khi giảm giá BĐS (khoảng 50%), dân sẽ dồn tiền mua (nhu cầu của dân rất lớn), thị trường BĐS sẽ ấm lên, ngân hàng sẽ thu hồi được vốn từ các khoản vay BĐS (hiện chiếm 70%), giảm nợ sấu, sau đó có tiền đầu tư cho sản xuất làm ra của cải vật chất cho xã hội, sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, mang ngoại tệ về… như vậy cùng lúc giải quyết được một loạt vấn đề.

Đương nhiên phải hy sinh lợi ích của nhóm BĐS để cứu đất nước. Chính phủ có sẵn sàng làm không? Nếu cứu BĐS bằng cách lấy ngân quỹ nhà nước ra thì sẽ là con đường hủy hoại đất nước, làm giàu cho một nhóm người. Tôi xin nhắc lại rằng, BĐS không làm ra của cải thực sự cho đất nước, giá càng tăng càng làm nghèo đất nước và nhân dân. Càng đầu tư vào BĐS càng làm kinh tế suy thoái. Chỉ có đầu tư vào sản xuất hàng hóa mới thực sự mang lại của cải vật chất cho xã hội, mới thực sự làm giàu đất nước. Vậy cần phải rút vốn càng nhanh càng tốt ra khỏi BĐS để đầu tư cho sản xuất, thậm trí chấp nhận giá BĐS giảm sâu. Xin nói, nếu giá BĐS giảm thì dân được lợi (chứ không mất đi đâu), và cuối cùng nhà nước sẽ được lợi. Hãy dũng cảm hy sinh BĐS để cứu nền kinh tế !!!”

Độc giả ở địa chỉ Vietcuong87ub@gmail.com viết rằng: “Ý kiến đó của Hiệp hội BĐS TP.HCM nếu đươc triển khai thì đúng là “lợi bất cập hại”. Năm 2012 vừa rồi, do hiện tượng đầu cơ vàng nên giá vàng trong nước bị chênh lên nhiều so với thế giới. Do đó dẫn đến việc người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ, buôn bán. Để giải quyết, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã phải thắt chặt việc kinh doanh vàng, ngay lập tức giá vàng thu hẹp dần với giá thế giới. Đây cũng là động thái để cho người dân thấy rằng, buôn vàng giờ đã không còn có lãi. Từ đó thay vì mua vàng, người dân sẽ mang tiền đi gửi tiết kiệm, giải quyết việc thiếu dòng tiền vào của Ngân hàng trong thời gian qua. Nếu giờ người dân bị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm có khác nào đi ngược lại với định hướng của Ngân hàng nhà nước đã đưa ra?”

“Kính thưa các ông trong Hiệp hội BĐS! Tôi không có điều kiện đi đây đi đó, cũng không hiểu về kinh tế vĩ mô như các ông. Nhưng sau khi đọc loạt bài của các ông về đề xuất thu phí tiền gửi tiết kiệm của nhân dân tôi thấy cái đề xuất này quá tiêu cực, phục vụ cho một nhóm cá nhân (cụ thể là Hiệp Hội của ông). Theo ông, thu thuế gửi tiết kiệm của người dân nếu có đi chăng nữa thì cũng không phải do các ông tham mưu đề xuất, bởi các ông không đủ tư cách và chức năng để đề xuất. Với lại, tiền của dân chúng tôi đã phải chịu nhiều khoản thuế lắm rồi, xin các ông đừng vì lợi ích của mấy ông mà làm người dân tụi tôi khổ thêm nữa. Chúc các ông sang năm mới làm ăn thuận lợi, nhanh chóng thu hồi vốn và đừng quên đóng thuế cho nhà nước nhé” - Độc giả ở địa chỉ hòm thư trannam_8095@yahoo.com.vn bày tỏ.

Bức xúc trước đề xuất trên của Hiệp hội BĐS TP.HCM, độc giả tại hòm thư abc@gamil.com viết: “Tôi đánh giá kiến nghị của ai đó đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là người vô học, vô đạo đức. Nếu có học thì cũng là kẻ có lỗi với thầy cô và ngôi trường đã đào tạo bởi vì nếu đánh vào tiền gửi tiết kiệm tức là đánh thuế vào mồ hôi và nước mắt của người lao động. Khi họ muốn có sự bảo hiểm tài sản của mình phòng khi bất trắc xảy ra thì có ít tiền để xử lý, hơn nữa, khi đánh thuế với ý định để thu hẹp lượng tiền gửi ngân hàng để chuyển qua đầu tư cái khác chẳng khác nào ''xui trẻ con...'' và ngân hàng lại không có nguồn tiền để kinh doanh cho vay”.

* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Viết Cường (T/h)