Đọc nhanh 14/3: Con trai bà Diệu Hiền rút khỏi danh sách Bianfishco

14/03/2012 18:53
Hương trà (tổng hợp)
(GDVN) - Con trai “đại gia siêu nợ” rút khỏi danh sách cổ đông Bianfishco. Vàng xuống chỉ còn 44,6 triệu đồng một lượng… là những tin nóng ngày 14/3.

Con trai "đại gia siêu nợ" rút khỏi danh sách cổ đông Bianfishco

Trên tờ báo điện tử Dantri đưa tin: Ông Trần Văn Chương - con trai của bà Phạm Thị Diệu Hiền, đồng thời là cổ đông sáng lập Bianfishco - đã rút tên khỏi danh sách cổ đông công ty, nhượng lại 1 triệu cổ phần của mình cho bố, tân Tổng Giám đốc Trần Văn Trí.

Theo đó, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới được thay đổi của Bianfishco sau khi lâm vào tình trạng nợ nần mới đây, hai trong ba cổ đông sáng lập của công ty là ông Trần Văn Chương (người vừa tổ chức đám cưới đình đám với MC Quỳnh Chi) và ông Phạm Hữu Thường đã rút tên ra khỏi danh sách cổ đông.

Thay vào đó là ông Trần Văn Trí và ông Võ Thành Tiên. Ông Trí và ông Tiên mỗi người nắm 1 triệu cổ phần, tương đương 2% vốn điều lệ của Bianfishco. Cùng với 50% cổ phần mà bà Phạm Thị Diệu Hiền đang nắm, hiện số cổ phần do gia đình bà này sở hữu là 52%. Trong các cổ đông còn lại, đáng chú ý có Habubank với 10% cổ phần.

Sau khi báo chí đăng tải vụ nữ đại gia thủy sản nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua cá của nông dân, đến nay không trả được, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Cần Thơ kiểm tra, xử lý và báo cáo trước ngày 25/3.

Hơn 79.000 doanh nghiệp giải thể năm 2011

Theo Vnexpress: Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2011 có 79.014 doanh nghiệp giải thể. Trong số này, 7.611 công ty mới thành lập cùng năm.

Tính đến cuối năm 2011, ở Việt Nam có khoảng 622.977 doanh nghiệp. Trong đó, 79.014 công ty giải thể. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân là 2.082, công ty TNHH một thành viên là 16.748, công ty TNHH 2 thành viên trở lên là 18.826. Nhiều nhất là số công ty cổ phần với 41.357, ít nhất với chỉ một công ty hợp danh. Riêng năm 2011, cả nước có 77.548 doanh nghiệp thành lập mới thì 7.611 đơn vị sớm dừng hoạt động.

"Báo cáo môi trường kinh doanh 2012" của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2011, Việt Nam giảm 8 bậc xuống vị trí 98 trong bảng xếp hạng 183 nền kinh tế. Còn "Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011-2012" do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Việt Nam hiện ở vị trí 65 trên tổng số 142 quốc gia, rớt 6 bậc so với năm 2010. Tuy nhiên, tình hình kinh tế Việt Nam 2012 được dự báo là sẽ khả quan hơn.

Vàng chỉ còn 44,6 triệu đồng một lượng

Theo Vnexpress: Trong khi giá thế giới giảm trên 600.000 đồng, vàng trong nước mất trên 150.000 đồng mỗi lượng, đưa giá bán về 44,6 triệu đồng.

Mở cửa sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi đã có một ngày mất giá vào hôm qua. Tính đến 9h, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI công bố giá vàng SJC ở 44,50 - 44,62 triệu đồng một lượng, mất lần lượt 160.000 - 140.000 đồng ở hai chiều mua vào - bán ra.

Tương tự, Sacombank-SBJ cũng hạ từ 150.000 đến 200.000 đồng, đưa giá mua vàng SBJ còn 44,45 và chiều bán còn 44,60 triệu đồng sáng nay.

Suốt nhiều tháng gần đây, vàng trong nước luôn đắt hơn giá thế giới với biên độ ít nhất là 1,5 triệu đồng.

"Hạ trần lãi suất, NHNN “làm khó” ngân hàng nhỏ"

Theo Dantri: Theo nhìn nhận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, “do yếu thế hơn về thương hiệu nên các ngân hàng yếu kém đã khó huy động vốn ngay cả ở lãi suất 14%, thì nay lại càng bi đát hơn, thậm chí sẽ có xu hướng dựa dẫm vào hỗ trợ của NHNN”.

Ngày 13/3, hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được tình trạng các ngân hàng yếu và việc hạ trần lãi suất huy động sẽ càng “làm khó” cho các ngân hàng hơn. 

Từ hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định giảm lãi suất trần tiền gửi xuống 13% từ mức 14%. Và theo đánh giá của ông Miyazaki, giám đốc của IMF tại Việt Nam thì động thái này sẽ có thể đẩy các ngân hàng thương mại nhỏ và yếu vào tình trạng càng khó khăn hơn.

Vị quan chức của IMF phân tích, “do yếu thế hơn về mặt thương hiệu nên các ngân hàng yếu kém đã khó huy động vốn ngay cả ở lãi suất 14%. Nay với lãi suất 13%, các ngân hàng nhỏ sẽ lại càng bi đát hơn, và thậm chí, điều này sẽ đẩy họ có xu hướng dựa dẫm vào hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước”.

Cây xăng bán sai giá niêm yết bị phạt... 10 triệu đồng

Theo Dantri: Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt 2 cửa hàng xăng dầu vi phạm về đo lường và giá cả.

Đó là Cửa hàng Xăng dầu Hòa Hiệp 2 (tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) bị phạt 20 triệu đồng do sai phạm về sử dụng phương tiện đo lường và Trạm cấp phát xăng dầu thuộc Cục Kỹ thuật Quân khu 5 (địa chỉ 120, Nguyễn Văn Thoại) bị phạt 10 triệu đồng đối với vì bán sai giá niêm yết.

Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra, nhắcnhở và đình chỉ 144 điểm bán xăng dầu trái phép khác trên địa bàn thành phố, trong đó có 112 cột bơm xăng mini và 32 điểm bán xăng dầu qua chai, can.

Người tiêu dùng bị “móc túi” ngày càng tinh vi

Người tiêu dùng hiện nay đang bị “móc túi” dưới nhiều hình thức tinh vi như: bớt xén trong đo lường; vấn đề an toàn VSTP không đảm bảo; tệ nạn hàng giả; tính mạng bị thách thức; các lĩnh vực dịch vụ còn nhiều bất cập…

 Thực trạng này vừa được Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VNASTAS) đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” vừa được tổ chức tại Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VNASTAS, thống kê trong 10 năm qua lực lượng QLTT đã xử lý trên 102.000 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ; Hải quan xử lý gần 200 vụ xuất nhập khẩu hàng giả, vi phạm SHTT; cảnh sát kinh tế xử lý hình sự hơn 460 vụ, khởi tố 550 đối tượng.

Hương trà (tổng hợp)