Đọc nhanh sáng 20/4: Giá vàng tiếp tục giảm gần 100.000 đồng/lượng

20/04/2012 09:56
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -Giá vàng tiếp đà lao dốc giảm gần 100.000 đồng/lượng; Quần áo vỉa hè lột xác thành hàng hiệu khi về nông thôn; Nhiễu loạn thông tin tăng giá sữa;... là những tin kinh tế đáng chú ý sáng ngày 20/4.
Giá vàng tiếp đà lao dốc giảm gần 100.000 đồng/lượng

Theo thông tin từ VOV Online, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, 20/4, giá vàng của hầu hết các thương hiệu trong nước đều giảm gần 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày 19/4.
Cụ thể, giá vàng SJC tại TP HCM mua vào – bán ra ở mức 42,37 – 42,57 triệu đồng/lượng (giá ngày 19/4 của vàng SJC mua vào 42,43 - 42,63 triệu đồng/lượng). Còn SJC tại Hà Nội có giá 42,37 – 42,59 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Giá vàng tiếp đà lao dốc (Ảnh: Nguồn Internet)
Giá vàng tiếp đà lao dốc (Ảnh: Nguồn Internet)

Cùng thời điểm, vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu ở mức 42,49- 42,61 triệu đồng/lượng. Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện ở ngưỡng mua vào 41, 95 và bán ra 42,25 triệu đồng/lượng.
Vàng Phượng Hoàng PNJ là 42,37 – 42,52 triệu đồng/lượng, trong khi vàng SBJ của Sacombank SBJ là 42,48 – 42,60 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá niêm yết cho phiên giao dịch đầu giờ sáng nay tại thị trường châu Á ở mức 1.640,95 USD/oz mua vào và bán ra ở 1641,45 USD/oz.

Quần áo vỉa hè lột xác thành hàng hiệu khi về nông thôn
Theo thông tin từ Vef, thời gian gần đây thời trang vỉa hè khó bán ở thủ đô nên các chủ quán đã tìm mọi cách bán tháo, bán sỉ hàng về nông thôn.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng nông thôn, các chủ hàng thời trang vỉa hè Hà Nội nghĩ ra chiêu đổ buôn cho các chủ shop thời trang ở các tỉnh lẻ lân cận như Hưng Yên, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, thậm chí còn len lỏi đến tỉnh xa như Thái Bình. Hàng hoá được chất đồng, ký gửi các bến xe khách để vận chuyển về vùng nông thôn với nhãn mác hàng hiệu.

Quần áo vỉa hè lột xác thành hàng hiệu khi về đến nông thôn (Ảnh: Vef)
Quần áo vỉa hè lột xác thành hàng hiệu khi về đến nông thôn (Ảnh: Vef)

Khoảng 12h trưa, một chiếc xe khách có mặt trên đường Láng để nhận hàng đã đóng gói sẵn. Chiếc xe chở quần áo đóng gói lăn bánh hướng về phía tỉnh Thái Bình. Sau khoảng hai giờ, chiếc xe về tới Vũ Thư, dừng lại và trả hàng cho một shop quần áo ở ngay đây.
Khi được hỏi chủ cửa hàng này nhanh nhảu: "Hàng mới nhập từ Thái Lan đó, hàng hiệu rẻ mà tốt lắm". 
Giá mỗi chiếc áo từ 80.000 đến 120.000 đồng/chiếc loại bình thường, còn loại nào đẹp hơn giá 150.000-190.000 đồng/ chiếc. Quần áo, thắt lưng, ví da... đều có cả.

Nhiễu loạn thông tin tăng giá sữa

Theo nguồn tin từ Infonet, thông tin một số hãng sữa tiếp tục tăng giá bán lẻ mặt hàng này trong những ngày đầu tháng 4 khiến không ít người tiêu dùng lo lắng.
Không chỉ giá mặt hàng sữa dành cho trẻ nhỏ tăng giá, mà giá sữa bột dành cho các bà mẹ, người già... cũng tăng chóng mặt. Cuối tháng 3, giá sữa bột Similac mom loại 400 gr giá 194.000 đồng/hộp thì nay đã tăng lên 205.000 đồng/hộp; loại 900 gr giá tăng từ 375.000 đồng/hộp lên 390.000 đồng/hộp; Friso mom giá cũng tăng từ 170.000 đồng/hộp lên 185.000 đồng/hộp. Riêng loại sữa EnfaGold dành cho người già tăng thêm 15.000 đồng/hộp, lên mức 247.000 đồng/hộp....

Người tiêu dùng chóng mặt vì giá sữa tăng liên tục từ đầu năm (ẢNh: Dân Trí)
Người tiêu dùng chóng mặt vì giá sữa tăng liên tục từ đầu năm (ẢNh: Dân Trí)

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định: cơ quan này chưa hề nhận được đăng ký tăng giá sữa của bất kỳ DN nào. "Việc tăng giá sữa vừa rồi chủ yếu do các đại lý tự ý tăng giá".
Trong khi giá sữa trên thị trường thế giới đều giảm thì giá sữa trong nước lại tăng. Ông Tuấn cũng cho biết, dựa trên cơ sở báo cáo phân tích từ các địa phương, Cục mới đưa ra phương án xử lý, điều hành giá mặt hàng này.

Phát hiện 145 dự án thất thoát, lãng phí

Nguồn tin từ Tuổi trẻ cho biết, Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) vừa có tổng hợp về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2012 dựa trên báo cáo của các tỉnh thành, cơ quan bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91.
Theo đó, trong năm 2012 VN có 38.420 dự án đang thực hiện, trong đó có 14.145 dự án khởi công mới.
Theo Bộ KH-ĐT, tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bộ KH-ĐT cho biết đã phát hiện 100 dự án trong năm 2011 có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 145 dự án có thất thoát, lãng phí. Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho kiểm điểm những đơn vị thuộc diện phải báo cáo để giám sát, đánh giá đầu tư nhưng không thực hiện.

Ngân hàng nào sẽ “chết” khi áp trần lãi vay ?

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc áp trần lãi suất đầu vào và đầu ra. Nếu áp trần lãi suất vay có thể sẽ đẩy một số nhà băng vào thế bí. Còn nếu “thả” lãi suất huy động nguy cơ cạnh tranh thiếu lành mạnh lại nóng hơn. Thông tin từ Vnmedia cho hay.

Thanh khoản yếu vẫn là vấn đề lớn khiến lãi suất vay không thể "rẻ" (Ảnh: Vnmedia)
Thanh khoản yếu vẫn là vấn đề lớn khiến lãi suất vay không thể "rẻ" (Ảnh: Vnmedia)

Khi bỏ trần lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý bằng công cụ dự trữ bắt buộc và công cụ mua bảo hiểm tiền gửi. Hiện nay ở Việt Nam đang coi nhẹ công cụ này. Tức là ngân hàng nào cho vay nhiều, cho vay rủi ro cao thì bắt dự trữ bắt buộc nhiều hơn và mua bảo hiểm tiền gửi nhiều hơn. Cách làm này sẽ có lợi cho người gửi tiền và bắt ngân hàng phải tính toán lợi ích để cho vay nhiều hay ít, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của ngân hàng.
Phần lớn doanh nghiệp rất bức xúc với việc chỉ áp trần lãi suất huy động và không khống chế đầu ra, khiến lợi nhuận phần lớn chỉ để trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng yếu thanh khoản chỉ mong bỏ trần lãi suất huy động, còn trần lãi vay vẫn theo thỏa thuận. Nếu khống chế cả đầu ra lẫn đầu vào, coi như cơ chế đã “bó chặt” những ngân hàng yếu thanh khoản.

IMF: Tây Ban Nha không cần đến cứu trợ tài chính

Theo thông tin từ Vietnam+, Tổng Giám đốc Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 19/4 cho rằng Tây Ban Nha không cần tới một khoản vay cứu trợ từ IMF, giữa lúc tâm lý lo ngại về khu vực tài chính của quốc gia Tây Nam Âu này tiếp tục làm chùn bước giới đầu tư.
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Phát biểu với Kênh truyền hình Bloomberg, bà Lagarde – Bộ trưởng tài chính Pháp khẳng định "vào thời điểm này Tây Ban Nha không cần một khoản cứu trợ. Madrid đang thực thi những biện pháp thật sự nghiêm túc nhằm cải cách thị trường lao động và giảm thâm hụt tài chính. Tây Ban Nha đang quyết tâm kiểm soát ngân sách của các tỉnh, vốn là một vấn đề, và nước này đã tuyên bố muốn tăng nguồn vốn ngân hàng của mình." 
Bà bày tỏ hy vọng thông qua các nỗ lực chung, Châu Âu có thể hỗ trợ các cố gắng hiện nay của Chính phủ Tây Ban Nha.

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Hương Trà (tổng hợp)