Dự án casino 7,5 tỷ USD, sự kiện kinh tế "nóng" nhất tuần qua

09/09/2013 07:10
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Thông tin về dự án casino 7,5 tỷ USD ở Vân Đồn, hàng loạt sếp ngân hàng miền Tây bị bắt, chen lấn, cãi vã mua bánh trung thu truyền thống, siêu thị điện máy ngấp nghé phá sản vì tự hại nhau,... là những sự kiện được dư luận quan tâm nhất tuần qua.
“Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển tiết lộ dự án casino 7,5 tỷ USD ở Vân Đồn

Ngày 3/9, chia sẻ trên báo Tiền phong, ông Đào Hồng Tuyển - vị doanh nhân nổi tiếng với danh xưng "chúa đảo" Tuần Châu khẳng định: Ông có đối tác muốn đầu tư 7,5 tỷ USD để mở casino hoành tráng tại Vân Đồn và Tuần Châu. Trong đó ông Tuyển sẽ mở chi nhánh tại Vân Đồn, còn Tuần Châu sẽ làm casino trên một bến du thuyền.

Cũng theo ông Tuyển, dự án đã hoàn thành hồ sơ, chứng minh tài chính, thiết kế, quy hoạch từ... hai năm nay, chỉ còn chờ ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh casino.

Doanh nhân Đào Hồng Tuyển.
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển.

"Chúng tôi đang trù tính chia ra 7,5 tỷ USD, 4 tỷ USD vào Vân Đồn. Ít hôm nữa, tôi sẽ trình văn bản này lên những cơ quan hữu trách”, ông Tuyển cho biết.

Thông tin về dự án casino khủng này lập tức khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Mại -nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Tôi thì không tin có những dự án “kinh khủng” như vậy.

Hàng loạt sếp ngân hàng Sóc Trăng-Hậu Giang bị bắt


Ngày 8/9, tờ VnExpress đưa tin, Bộ Công an đã đồng loạt triển khai quyết định khởi tố Giám đốc, Phó giám đốc Ngân hàng VDB chi nhánh tỉnh Sóc Trăng và người đứng đầu Sở giao dịch tỉnh Hậu Giang của Ngân hàng LienVietPostBank.

Theo đó, sáng 7/9, Cơ quan điều tra Bộ Công an đến trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh tỉnh Sóc Trăng tống đạt quyết định khởi tố Giám đốc Nguyễn Thế Thắng và cấp phó Nguyễn Văn Xem. Lệnh bắt tạm giam 2 bị can này được VKSND Tối cao phê chuẩn. 

Ông Sở rời nhà lên xe cảnh sát về trại tạm giam nhưng không bị còng tay. Ảnh: Lin Ca
Ông Sở rời nhà lên xe cảnh sát về trại tạm giam nhưng không bị còng tay. Ảnh: Lin Ca

Cùng ngày, một tổ công tác khác của Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Đỗ Hùng Sở, Giám đốc Sở giao dịch tỉnh Hậu Giang của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Liên quan đến sai phạm của 3 lãnh đạo ngân hàng, trưa ngày 8/9, Bộ Công an cũng bắt tạm giam Lâm Minh Mẫn (Kế toán trưởng Công ty cổ phần Thực phẩm Phương Nam) về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Sau khi thực hiện xong việc khám xét, bị can 33 tuổi này được đưa đến Trại tạm giam T17 của Bộ Công an.

Chen lấn, cãi vã mua bánh trung thu không chất bảo quản


Cảnh chen lấn, xô đẩy, đội mưa, cãi vã nhau, xếp hàng từ sáng tới tận trưa bất chấp thời tiết mưa gió mới mua được mấy cặp bánh trung thu đang diễn ra tại phố Thụy Khuê – Tây Hồ (Hà Nội) những ngày qua. Trái ngược với đó là tình trạng vắng bóng khách hàng tại các quầy bánh trung thu của các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica…

Theo thông báo được dán công khai, bánh trung thu tại những cửa hàng này "không có chất bảo quản. Quý khách dùng tốt nhất 5 ngày cho bánh nướng và 7 ngày cho bánh dẻo".

Không kể thời tiết nắng hay mưa, người dân vẫn đổ về cửa hàng bánh trung thu cổ truyền trên đường Thụy Khê để mua bánh.
Không kể thời tiết nắng hay mưa, người dân vẫn đổ về cửa hàng bánh trung thu cổ truyền trên đường Thụy Khê để mua bánh.

Chủ cơ sở bánh trung thu ở đây cho biết, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng tới mua bánh tại cửa hàng, mỗi người chỉ được mua 3 hộp bánh, tương đương với 6 cặp bánh. Nếu muốn mua tiếp phải xếp hàng từ đầu.

Được biết, giá thành của các loại bánh dẻo và bánh nướng dao động từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng/chiếc và 160.000 đồng đến 320.000đồng/hộp. Các loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm truyền thống có giá 45.000 đồng/chiếc. Mức giá này không rẻ hơn so với các loại bánh trung thu của các công ty.

Chưa thể kết luận doanh thu “khủng” 1.148 tỷ đồng/tháng của tiệm vàng ở vùng sâu Cà Mau


Ngày 6/9, báo Công an TP.HCM cho biết, hơn hai năm thẩm tra xác minh, doanh thu cao bất thường, lên đến hơncủa tiệm vàng Hoàng Khiêm (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Qua kiểm tra hóa đơn và chứng từ mua bán, các cơ quan chức năng phát hiện từ tháng 1/2010 đến 11/2010, DNTN Hoàng Khiêm không có chứng từ mua vào nhưng trên hóa đơn đầu ra thể hiện giá trị lên đến 12.628 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp có doanh số bán vàng hơn 1.148 tỷ đồng.

Kinh doanh ở vùng xa, song tiệm vàng Hoàng Khiêm lại có doanh số khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này kinh ngạc.
Kinh doanh ở vùng xa, song tiệm vàng Hoàng Khiêm lại có doanh số khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này kinh ngạc.

Tháng 8/2011, UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo thanh tra tỉnh thành lập đoàn kiểm tra. Ngày 16/12/2011, thanh tra tỉnh có kết luận khẳng định việc mua bán bất thường của DNTN Hoàng Khiêm, chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục xác minh làm rõ. Ngày 29/12/2011, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau có quyết định thành lập tổ công tác xác minh DNTTN có dấu hiệu trốn thuế. Tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn chưa được làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật.

Siêu thị điện máy ngấp nghé phá sản vì tự hại nhau

Báo Vietnamnet cho biết, tại Hà Nội, nhiều DN kinh doanh bán lẻ điện máy cũng đang ngấp nghé bờ vưc phá sản do thua lỗ kéo dài. Giới kinh doanh còn cho biết, tại Hà Nội có DN đang sở hữu chuỗi siêu thị điện máy lớn tới 4-5 siêu thị bán hàng luôn đại hạ giá, cạnh tranh rất mạnh với các DN khác, thị phần cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, đến nay, DN này đã chìm ngập trong khó khăn, gánh khoản nợ lên tới gần 600 tỷ đồng, liên tục bị các ngân hàng và công ty bảo hiểm đưa ra cảnh báo.

Thông điệp phổ biến và thường xuyên gần đây của các DN bán lẻ điện máy vẫn là giá rẻ, giá thấp, phi lợi nhuận... để đánh lại đối thủ. Hễ một siêu thị nào sắp tung ra chương trình khuyến mãi thì các siêu thị khác tung quân đến thám thính, nghiên cứu kỹ chương trình của đối thủ và ngay lập tức tung đòn trước, đối thủ giảm giá mặt hàng nào, bao nhiêu thì cũng giảm giá những mặt hàng đó thậm chí thấp hơn để phá kế hoạch. Chính cách làm này đã đưa tất cả đến tình cảnh hiện nay là thua lỗ nợ nần.

Theo tính toán của chính các DN, để vận hành một siêu thị điện máy, chi phí mỗi tháng 2 - 3 tỷ đồng, một năm khoảng 60 tỷ đồng. Muốn hòa vốn thì các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng nếu không sẽ thua lỗ.

Liễu Phạm (Tổng hợp)