Giá bán lẻ sữa Similac, Nestle, Enfa chênh giá nhập khẩu tới... 500%

02/10/2013 15:06
Theo Báo Đầu tư
Quản lý giá sữa không tốt, quy định về ghi nhãn các sản phẩm sữa còn nhiều bất cập, nhiều đầu mối nhập khẩu… là nguyên nhân đẩy giá sữa tăng phi mã. Có loại sữa có giá bán lẻ chênh lệch so với giá nhập khẩu lên tới 507%, như Enfamil Infant, Enfagrow Older Todder.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 9/2013.
       
Thị trường sữa bột trong nước những năm gần đây liên tiếp hứng chịu nhiều đợt tăng giá vô tội vạ từ các hãng sữa nhập khẩu.

Theo thông báo của Tổng cục Hải quan, giá nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường như Nestle, Gallia, Enfa, Abbott… đều cao gấp 5 - 6 lần so với giá nhập khẩu.

Cụ thể, giá nhập khẩu sữa bột Similac Advance (hộp 658 gr) là 119.700 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ lên tới 540.000 đồng/hộp (chênh 351%); sữa bột Gallia số 1 (900 gr) có giá nhập 119.700 đồng/hộp, nhưng bán lẻ là 560.000 đồng/hộp (tăng 367%); sữa bột Nestle Nido Kinder (hộp 1,6 kg), giá nhập là 115.300 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ lên tới 600.000 đồng/hộp…

Thậm chí, có loại sữa có giá bán lẻ chênh lệch so với giá nhập khẩu lên tới 507%, như Enfamil Infant, Enfagrow Older Todder...

Không chỉ có mức chênh lệch lớn so với giá nhập khẩu, từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa còn tìm cách lách luật để tăng giá sản phẩm thêm 8-15%, đổ hết gánh nặng chi phí lên vai người tiêu dùng.

Ông Chiến cho rằng, có doanh nghiệp tăng giá đến 15%, song các cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp. Sữa và sản phẩm từ sữa thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nhưng để lách luật, các hãng đã “thay tên đổi họ” thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… Cách gọi này đã khiến sản phẩm sữa không còn thuộc điều chỉnh của Luật Giá và do đó, không nằm trong diện phải kê khai giá.

Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của 17/18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế, hiện không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của Bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thay vào đó, tên chính thức được sử dụng trên nhãn mác sản phẩm hầu hết là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức…

Ông Chiến cho biết, quy định quản lý giá sữa đang rất yếu. Sắp tới, các mặt hàng sữa, sản phẩm sữa công thức, sữa dinh dưỡng cũng phải đưa vào danh mục bình ổn giá, chịu sự quản lý về giá của Nhà nước.

Liên quan đến giá sữa, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng thừa nhận, câu chuyện giá sữa thời gian qua là do quản lý không tốt.

Trước tình trạng một số doanh nghiệp sữa lợi dụng kẽ hở pháp luật, cũng như kẽ hở từ sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để thao túng thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ liên quan làm việc nghiêm túc về quản lý giá sữa, để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Công thương và các cơ quan liên quan, trước ngày 5/10/2013 phải ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 15, Luật Giá.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sau ngày 5/10/2013, hy vọng thị trường sữa sẽ sớm chấm dứt tình trạng tăng giá vô tội vạ.
Theo Báo Đầu tư