Hàng loạt quyết định quan trọng có hiệu lực từ 1/4

01/04/2012 08:59
Yến Nhi/Vnmedia
(GDVN) - Bắt đầu từ hôm nay (1/4), hàng loạt chính sách mới của các Bộ, ngành ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng như giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng, ban hành mức phạt trong du lịch… sẽ lần lươt có hiệu lực.

Giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng

Vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành 4 thông tư mới về việc cắt giảm thuế nhập khẩu một loạt các mặt hàng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các khu vực thương mại tự do (FTA).

Theo đó, một loạt mặt hàng ở hầu hết các lĩnh vực sẽ dần dần được hưởng mức thuế nhập khẩu giảm dần trong thời gian 2-3 năm tới. Ngoài ra, một số mặt hàng quần áo và may mặc phụ trợ sẽ có lộ trình giảm dần từ 13% vào năm 2012 về 11% và 9% vào 2 năm tiếp theo.

Đặc biệt, nhiều đồ điện tử khác cũng sẽ áp mức thuế mới như camera truyền hình sẽ giảm từ 5% về 2,5% vào năm 2014, một số loại máy quay kỹ thuật số thậm chí sẽ hưởng mức thuế suất 0% theo lộ trình giảm thuế suất này sau 2 năm nữa.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cùng với đó, các thiết bị gia dụng như đồ dùng nhà bếp, chậu rửa, bồn tắm,… cũng cứ mức giảm từ 19% vào năm 2012 xuống 14% vào năm 2014.

Quyết định có hiệu lực từ 1/4.

Phạt nặng cho vi phạm trong du lịch

Theo Nghị định 16/2012/NĐ-CP quy định về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực từ 30/4, mức phạt tiền cao nhất với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch là 40 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.

Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.0000 - 1 triệu đồng đối với hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên có hành vi không đeo thẻ, giấy chứng nhận trong khi hành nghề.

Mức phạt tiền cao nhất từ 30-40 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi: Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động, kinh doanh lữ hành; hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Theo Nghị định này, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ như Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương); Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);...

Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Chi cục Thuế…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/04/2012.

Bổ sung 2 trường hợp xử lý tài sản bảo đảm

Theo Nghị định 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, bổ sung 2 trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Cụ thể là, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất, mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất, đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản gắn liền với đất được xử lý đồng thời với quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán trước cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất, mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất.

Chủ sở hữu tài sản gắn liến với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Theo đó, các linh kiện ô tô do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu hoặc mua của các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu thì không được tính là nội địa hóa.

Mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu được quy định là: Đối với thân vỏ ô tô (đối với ô tô con (xe du lịch), ô tô khách cỡ nhỏ (xe minibus), ô tô khách (xe bus), ca bin (đối với ô tô tải) phải rời tối thiểu thành 6 cụm chính, chưa sơn tĩnh điện…

Đối với khung ô tô, đã liên kết với nhau và chưa sơn tĩnh điện. Đối với khung ô tô có chiều dài từ 3,7m trở lên, được phép sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu.

Trong trường hợp mức độ rời rạc của linh kiện ô tô không đáp ứng quy định như trên do công nghệ sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thay đổi hoặc do kết cấu ô tô và phụ tùng có tính mới, mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30/4/2012.

Có thể bạn quan tâm
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Yến Nhi/Vnmedia