Hàng loạt xe máy của Honda 'gian lận' thuế?

18/07/2011 06:52
Theo Tổng cục Hải quan, hàng loạt xe máy của Honda đang khai báo giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá tính thuế.

Theo Tổng cục Hải quan, danh mục quản lý rủi ro 348/TCHQ-TXNK ngày 21/1/2011 mức giá tính thuế đối với dòng xe Honda Air Blade là 1.000 USD, xe Honda Sh150i là 3.200 USD và xe Honda PCX là 1.300 USD, tuy nhiên, hàng loạt xe máy của Honda lại đang khai báo giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá này.

>> Hé lộ “danh sách đen” đại gia Việt… trốn thuế 'nghìn tỷ'

Sau sự kiện nhiều tên tuổi kinh doanh ô tô “cộm cán” bị “vạch mặt” gian lận thuế thì nay lại đến lượt hàng loạt xe máy mang thương hiệu "đình đám" Honda cũng bị nghi là “lách” thuế.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã chính thức gửi văn bản đến cơ quan hải quan các tỉnh Hải Phòng, TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu để kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế đối với các mặt hàng xe máy nhập khẩu bị nghi là khai giá tính thuế thấp hơn thực tế và đã được hải quan địa phương chấp nhận cho thông quan.
 

Air Blade, một trong những dòng xe của Honda bị nghi
Air Blade, một trong những dòng xe của Honda bị nghi "lách thuế".

Đáng chú ý là trong số những mặt hàng này, Tổng cục Hải quan đã không ngại ngần “chỉ mặt” nhiều sản phẩm nổi tiếng của thương hiệu Honda, cụ thể: Honda SH150i, Honda Air Blade và Honda PCX.

Theo Tổng cục Hải quan, danh mục quản lý rủi ro 348/TCHQ-TXNK ngày 21/1/2011 mức giá tính thuế đối với dòng xe Honda Air Blade là 1.000 USD, xe Honda Sh150i là 3.200 USD và xe Honda PCX là 1.300 USD.

Tuy nhiên, hàng loạt xe máy của Honda lại đang khai báo giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá này. Ví dụ, một chiếc xe Honda SH150i nhập khẩu chỉ được khai giá khoảng 2.280 - 2.400 USD một chiếc (thấp hơn tới 800 USD). Tương tự chiếc Honda Air Blade, dung tích 108cc cũng được hải quan chấp nhận giá tính thuế từ 830 USD đến 832 USD (thấp hơn quy định gần 170 USD mỗi chiếc).

Do đó, cơ quan này yêu cầu Hải quan Hải Phòng, TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu tiến hành rà soát các trường hợp nhập khẩu hiệu Honda nói trên, xác định lại giá để áp thuế nhập khẩu. Các trường hợp khai báo giá sai quy định thì tiến hành truy thu.

Kết quả xử lý phải được báo cáo Tổng cục Hải quan trước ngày 20/7.

Chỉ cách đây không lâu, cũng trong tháng này, hàng loạt tên tuổi lớn là thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Vidamco, Vinamotor... đã bị “vạch mặt” là những đơn vị gian lận với số thuế truy thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Đất Việt