"Hiện chỉ có 15-20 ngân hàng mạnh, còn lại phải tái cấu trúc"

27/06/2014 08:02
Hoàng Lực
(GDVN) - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong số hơn 30 ngân hàng đang hoạt động hiện nay chỉ có khoảng 15-20 ngân hàng là mạnh...

Cần bao nhiêu ngân hàng?

Nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương cho sáp nhập ngân hàng nhỏ lẻ với nhau hoặc sáp nhập ngân hàng lớn hơn để mở rộng vốn, thị trường, tăng đội ngũ nhân lực, công nghệ, kỹ thuật… Nhìn vào làn sóng sáp nhập ngân hàng thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng đến năm 2015 số lượng ngân hàng nội địa Việt Nam nên rút gọn ở ngưỡng 20 ngân hàng là đủ.

Cụ thể, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đến 2015 Việt Nam chỉ cần khoảng 15 đến 17, nhiều nhất là 20 ngân hàng. Trong khi số lượng ngân hàng Việt Nam hiện nay hơn 30 nhưng sức cạnh tranh yếu do chính nội lực của từng ngân hàng thấp.

Quan trọng nhất sau quá trình sáp nhập ngân hàng phải hoạt động tốt hơn
Quan trọng nhất sau quá trình sáp nhập ngân hàng phải hoạt động tốt hơn

Bàn về số lượng ngân hàng cụ thể, TS Nguyễn Minh Phong chuyên gia kinh tế độc lập đưa ra nhận định: “Vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng của ngân hàng”.

Theo phân tích của TS Nguyễn Minh Phong, trong khoảng thời gian trước và sau khi Việt Nam ra nhập WTO việc cho phép thành lập nhanh, thành lập nhiều ngân hàng do nghĩ rằng đó là cách nhằm đón đầu cơ hội khi đất nước hội nhập dẫn đế số lượng ngân hàng lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong số hơn 30 ngân hàng đang hoạt động hiện nay chỉ có khoảng 15-20 ngân hàng là mạnh còn lại số các ngân hàng khác hoạt động yếu cần phải xem xét tại cấu trúc lại. Song song với tái cấu trúc là nâng chuẩn mới cho ngân hàng theo tiêu chuẩn mới, để từ chuẩn đó nếu ngân hàng nào không đáp ứng được tự phải tìm cách sáp nhập điều này giúp giảm số lượng ngân hàng xuống, hướng đến chất lượng dịch vụ hơn là số lượng.

Giảm số lượng thì dễ nhưng nâng cao chất lượng của ngân hàng là bài toán không dễ tìm lời giải. TS Phong cho rằng, sở dĩ ngân hàng hoạt động kém do hai nguyên nhân lớn. Thứ nhất chưa có những chuẩn trong hoạt động ngân hàng từ chuẩn nghiệp vụ, chuẩn nợ xấu, chuẩn dịch vụ cần đưa ra cái chuẩn mới cao hơn để nếu ngân hàng nào đáp ứng được sẽ tự tồn tại. Thứ hai các ngân hàng chưa tự giải quyết các vấn đề như sở hữu chéo, nợ khó đòi, và lợi ích nhóm ở đó. 

Ở khía cạnh khác theo TS Nguyễn Trí Hiếu đến năm 2015, Việt Nam chỉ cần 15 ngân hàng là đủ, bởi khi ngân hàng lớn quy mô lớn, quản trị doanh nghiệp thường là chuẩn hơn điều quan trọng là không trùng lập hoạt động dịch vụ của các ngân hàng.

“Hiện tại tình hình hoạt động tại các ngân hàng Việt Nam nhiều bất cập chẳng hạn một khu phố có 4 – 5 ngân hàng trong cùng một dãy phố, các khách hàng trùng lấp nhau giành giật nhau. Các ngân hàng chủ yếu tập chung vào khu vực đô thị, dẫn đến tình trạng cạnh lớn”, TS Hiếu nêu bất cấp.

Với số lượng ngân hàng nhiều, cạnh tranh lớn dẫn đến lợi nhuận thấp vì vậy để có lãi ngân hàng phải sử dụng nhiều phương cách khi đó sự lành mạnh của các ngân hàng khó được đảm bảo. Mặt khác hiện nay tại thị trường Việt Nam có nhiều các mô hình ngân hàng khác nhau từ ngân liên doanh với nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng cổ phần nước ngoài… 

“Vì thế đặt ra vấn đề 15 ngân hàng trong năm 2015 là nói đến số lượng ngân hàng nội địa, khi những ngân hàng này có quy mô lớn, nguồn vốn lớn sẽ đủ sức cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Sáp nhập có giải quyết sở hữu chéo, lợi ích nhóm?

Theo ông Hiếu khi hệ thống ngân hàng rút gọn lại sẽ giải quyết được số lượng ngân hàng yếu kém. Trong khi đó trước đây lợi ích nhóm xảy ra vì ông chủ tại các ngân hàng nhỏ sử dụng ngân hàng là sân sau tài trợ tài chính cho doanh nghiệp hoặc sử dụng tiền của ngân hàng thực chất là tiền huy động của người dân để mua cổ phần, cổ phiếu của các ngân hàng khác tạo ra sở hữu chéo. Vì vậy nếu giảm số lượng ngân hàng sẽ giải quyết được sở hữu chéo, giải quyết việc lợi dụng ngân hàng như sân sau, loại trừ lợi ích nhóm.

Cũng liên quan vấn đề giải quyết sở hữu chéo tại ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phiếu vượt quy định trước ngày 31/3/2015. Đáng chú ý tại Dự thảo xử lý việc sở hữu cổ phiếu ngân hàng có quy định: Quá thời điểm 31/12/2014, nếu cá nhân và người liên quan chưa giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần theo đúng quy định thì phải bán cổ phiếu cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Trong trường hợp cá nhân sở hữu tỉ lệ vượt quy định sẽ không được đề cử, ứng cử làm thành viên HĐQT, ban kiểm soát...

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, cá nhân được sở hữu không quá 5%; cá nhân và người có liên quan nắm giữ không quá 20% cổ phiếu một ngân hàng. Tuy nhiên thực tế không ít cá nhân là ông chủ của nhiều ngân hàng nắm giữ cổ phần vượt quy định, thậm chí có ông chủ và nhóm cổ đông liên quan nắm giữ 63% cổ phiếu của một ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỉ đồng.

Báo cáo tình hình quản trị của một số ngân hàng cho thấy một số thành viên HĐQT và người có liên quan còn nắm giữ cổ phiếu quá giới hạn cho phép. Cuối năm 2013, tại ngân hàng Phương Nam, gia đình ông Trầm Bê nắm giữ gần 21% cổ phiếu của ngân hàng này. Trong khi đó, một thành viên HĐQT của ngân hàng Bắc Á cũng nắm giữ gần 7% cổ phiếu và đang từng bước thoái vốn để giảm xuống còn 5%.

Qua kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước còn cho biết hiện một số cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần với số lượng lớn, vượt tỉ lệ quy định. Cụ thể, trong số 33 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng có cá nhân sở hữu vượt 5% cổ phiếu; 5 ngân hàng khác có tổ chức nắm quá tỉ lệ 15% cổ phiếu; 8 ngân hàng có nhóm cá nhân và người có liên quan sở hữu trên 20% cổ phiếu.

Hoàng Lực