Hoàng tử Anh kết hôn, dịch vụ ăn theo “hốt bạc”

11/04/2011 13:39

Gần như ngay lập tức sau khi Hoàng tử William tuyên bố đính hôn với bạn gái Kate Middleton, đơn đặt hàng tới tấp bay về các tiệm bán đồ lưu niệm cũng như nhà sản xuất đồ gốm sứ.

 

Trong lúc hoàng gia Anh rậm rịch chuẩn bị "lễ vu quy" của Hoàng tử Anh và Kate Middleton sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới thì các nhà kinh doanh trên khắp thế giới cũng không bỏ lỡ cơ hội để kiếm tiền với hàng loạt dịch vụ ăn theo.

Giới kinh doanh Anh “trúng đậm”

Để tiết kiệm cho sự kiện trọng đại, Hoàng tử William và bạn gái Kate Middleton chọn phương án làm đám cưới vào thứ sáu, thường rẻ hơn so với ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, quyết định về ngày cưới của họ khiến cho các dịch vụ liên quan đến đám cưới trên cả nước Anh rậm rịch "ăn theo". Những cặp vợ chồng muốn đám cưới của họ trùng ngày với đám cưới hoàng gia sẽ bị tính phí dịch vụ đắt hơn nhiều so với ngày thường.

Từ nhiều thế kỷ qua, việc sinh nở, đăng quang và hôn lễ của các thành viên trong hoàng tộc Anh luôn được đánh dấu bằng đủ mọi sản phẩm gốm sứ lưu niệm.

Không dừng lại ở các khoản dịch vụ liên quan tới đám cưới, gần như ngay lập tức sau khi Hoàng tử William tuyên bố đính hôn với bạn gái Kate Middleton, đơn đặt hàng tới tấp bay về các tiệm bán đồ lưu niệm cũng như nhà sản xuất đồ gốm sứ.

"Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mới. Một số khách thậm chí còn đặt làm những đồ lưu niệm mà họ chưa từng nhìn thấy cả hình in trên đó", Stephen Church, chủ cửa hiệu bán đồ lưu niệm gia truyền hơn 100 năm nay ở Northampton cho biết.

Các sản phẩm "ăn theo" đám cưới hoàng gia rất hút hàng tại Anh.

Nhanh nhạy không kém, chuỗi siêu thị Asda tung ra loại cốc lưu niệm in gương mặt của đôi tình nhân trong khung hình trái tim. Hãng này cho biết: “Kate và William là bảo bối của cả đất nước. Người tiêu dùng nói rằng họ muốn sở hữu một chút gì đó của lịch sử trong khi mua sắm. Không gì thể hiện lời chúc mừng tốt hơn là gương mặt của họ được in trên cốc”.

Ngoài đồ gốm sứ, bưu thiếp, cốc, khăn tay... một số nhà sản xuất Anh còn tung ra sản phẩm bao cao su in hình Hoàng tử William và vợ sắp cưới Kate Middleton cùng dòng chữ “hãy nằm xuống và nghĩ về nước Anh”. Công ty Crown Jewels Condoms of Distinction tự tin rằng sản phẩm mang lại cảm giác hoàng tộc và sang trọng này của họ sẽ “hút hàng”.

Danh sách những ngành kinh doanh hưởng lợi từ sự kiện hôn lễ hoàng gia vẫn chưa dừng lại. Chuỗi siêu thị Tesco đang nhắm tới đối tượng khách hàng là phụ nữ, những người muốn bắt chước phong cách của hoàng hậu tương lai với kiểu đầm bằng lụa xanh đậm giá 16 bảng Anh. Kiểu váy này được Kate diện trong buổi lễ đính hôn. Trong khi đó, QVC - công ty kinh doanh trên mạng - cho biết doanh thu của loại nhẫn nhái theo chiếc nhẫn đính hôn gắn sa-phia và kim cương của Kate Middleton tăng tới 800% từ sau hôm 16/11.

Neil Saunders, cố vấn cao cấp của công ty nghiên cứu thị trường bán lẻ Verdict nhận định, doanh thu bán lẻ ăn theo sự kiện hôn lễ hoàng gia có thể thêm 18 triệu bảng Anh. Đó là tính riêng sự kiện đính hôn, còn với đám cưới, ước tính con số này là 26 triệu bảng.

Thêm vào đó, một hãng du lịch vừa mở tour tham quan bằng xe buýt quanh ngôi làng Bucklebury - nơi nữ hoàng tương lai của Anh sinh ra và lớn lên. Tour du lịch đến với "vùng quê Kate Middleton" nằm cách London về phía Tây 90km sẽ đưa du khách đến hầu như tất cả những nơi mà Kate từng xuất hiện thời thơ ấu, từ nơi cô được làm lễ rửa tội tới các trường học và ngôi nhà nơi cô lớn lên.

Các nhà hàng, quán bar cũng được dịp "hốt bạc" nhờ sự "đổ bộ" của hàng nghìn khách du lịch hiếu kỳ, những phóng viên khi ngồi vào bàn ăn không thèm hỏi giá mà chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ về cuộc sống riêng tư của Middleton.

Dân buôn Trung Quốc cũng “kiếm đậm”

Cơn sốt bán lẻ không chỉ dừng lại ở Anh mà còn lan rộng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là “xưởng sản xuất hàng nhái” lớn nhất thế giới – Trung Quốc.

Từ bút chì, cốc, bát đĩa tới nhẫn đính hôn "nhái" theo của cô dâu Kate Middleton, tất cả đều trở nên vô cùng "hút" khách.

Zhou Mingwang, một chủ công ty sản xuất đồ nữ trang cho hay, ngay khi lễ đính hôn được hoàng gia Anh thông báo, anh đã nảy sinh ra ý tưởng kinh doanh béo bở này.

"Khi họ thông báo lễ đính hôn của hai người, tôi nhìn thấy chiếc nhẫn đó trên internet và tôi biết đây là cơ hội béo bở để làm ăn. Tôi tin chắc Trung Quốc sẽ là một thị trường phù hợp cho nó", Zhou Mingwang chia sẻ.

Mặt hàng nhẫn nhái của Trung Quốc cũng rất "hot".

Theo Zhou Mingwang, những chiếc nhẫn này đang được bán trên trang mua bán lớn nhất của Trung Quốc Alibaba.com. Giá của chiếc nhẫn "mẹ" đang trên tay nàng Kate Middleton ở Anh là 30.000 bảng (khoảng 48 nghìn USD). Trong khi đó, chiếc nhẫn phiên bản Trung Quốc này chỉ đến 3 tệ (0,45 USD), chưa đến 10.000 đồng. Không chỉ vậy, nếu chiếc nhẫn "mẹ" có tất cả 14 răng cưa óng ánh thì chiếc nhẫn do Zhou Mingwang sản xuất có thể điều chỉnh số lượng răng cửa để cho khít với vòng ngón tay của “nàng Kate châu Á”.

Zhou Mingwang tự tin rằng, sản phẩm nhẫn đính hôn "nhái" này sẽ đoạt doanh thu "khủng" từ nay cho tới ngày 29/4, ngày diễn ra lễ cưới của Hoàng tử William.

Trong khi đó, Fu Xuxian, một ông chủ công ty sản xuất nữ trang khác ở Trung Quốc cho hay, công ty ông sẽ sản xuất thêm cả những chiếc cốc, chén và thú nhồi bông in ảnh của Hoàng tử William và Kate để "ăn theo" đám cưới lịch sử.

"Từ nay tới 29/4 là khoảng thời gian vàng để tiêu thụ những sản phẩm như thế này. Chắc chắn là thế rồi", ông Fu Xuxian nói như đinh đóng cột.

Ngoài những món đồ lưu niệm cho đám cưới hoàng gia, công ty của ông Fu còn chào bán một bộ đồ trang trí tóc theo phong cách của Kate Middleton. "Tôi thấy qua ảnh Kate thường đội những thứ như thế nên tôi nghĩ những món đồ trang trí đó có khi lại đắt hàng", ông chủ này bật mí.

Trong khi đó, các nhà sưu tập ở Mỹ và nhiều nước không có hoàng gia khác cũng tỏ ra vô cùng hứng thú với các bộ đồ chủ đề hôn lễ William - Kate. Theo Stephen Church, đặc biệt với người Anh sống ở nước ngoài, sở hữu những bộ sưu tập mang dấu ấn các sự kiện nổi bật của hoàng gia được xem là cách để nhớ về quê hương, bày tỏ lòng yêu nước.

Theo Bích Diệp (Đất Việt)