Khoa học dự báo và đưa ra giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thế nào?

20/11/2012 13:15
Diện Hứa
(GDVN) - Để góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, cần có những thiết bị hiện đại, chất lượng tốt nhằm nâng cao tính chính xác và khả năng dự báo để có kế hoạch chủ động trong bảo vệ người và tài sản khi thiên tai xảy đến.

Xây dựng hệ thống thiết bị giám sát chất lượng tốt

Bộ Tài nguyên - Môi trường đã công bố chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo đó, một trong những mục tiêu được xác định là đến năm 2015 hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đến năm 2020, phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm.

Cũng theo chiến lược, việc phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch các khu dân cư ứng phó biến đổi khí hậu được xác định sẽ củng cố, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu đảm bảo mức tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%. Đồng thời tiến hành rà soát quy hoạch và phát triển thủy điện hợp lý, đa mục tiêu, đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy thủy điện đạt 20.000-22.000 MW.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, một trong các mục tiêu của kế hoạch là thực hiện việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng với công nghệ hiện đại, độ chính xác cao (đặc biệt trong giám sát nước biển dâng), đảm bảo cung cấp thông tin cho các vùng khí hậu Việt Nam; phục vụ việc hoạch định chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Thiết bị giám sát thông số vi khí hậu.

Thiết bị giám sát thông số vi khí hậu.


Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo điều tra, đánh giá và lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên bị thiên tai, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm...

Nhằm ứng phó hiệu quả, Việt Nam đang tập trung xây dựng và vận hành hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2015. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm cảnh báo, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Đến năm 2020, phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm. Nâng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra…

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng từ năm 2013 - 2015.

Từ năm 2012 -2020, điều tra, đánh giá và lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam. Trong đó, từ năm 2012-2015 sẽ thực hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao (tích hợp thành hệ thống tháp báo thiên tai ven biển). Thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2016, trong đó từ 2013 - 2014 thực hiện tại các địa phương ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo điều tra, đánh giá và lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên bị thiên tai, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm...

Phát minh ra nguồn năng lượng tái tạo thay thế

Trong tình hình tài nguyên thế giới đang cạn kiệt, giá nhiên liệu liên tục tăng cao, sự ô nhiễm môi trường do phát thải khí nhà kính đã chọc thủng tầng ôzôn bảo vệ trái đất, gây biến đổi khí hậu làm cho thiên tai xảy ra liên tiếp trên toàn cầu. Trong tiến trình phát triển, các quốc gia luôn đặt vấn đề an toàn năng lượng lên hàng đầu. Vì vậy việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: phong điện, năng lượng mặt trời, điện thuỷ triều, thủy điện, khí sinh học, dầu sinh học,… để thay thế dần nguồn nhiên liệu hóa thạch là một xu hướng tất yếu.

Phong điện: Điện năng được tạo thành nhờ năng lượng gió gọi là phong điện. Tổ hợp máy để biến năng lượng gió thành điện năng gọi là máy phát điện bằng sức gió hoặc là tuabine gió. Các tuabine gió nối lại với nhau tạo thành các trạm phong điện. Các trạm phong điện có thể hoạt động độc lập hoặc nối với lưới điện quốc gia. Các trạm phong điện có thể phát điện khi tốc độ gió từ 3 m/s (11km/h) đến 20 m/s (72 km/h). Hiện nay ở nước ta, tiềm năng công suất lắp đặt thương mại của dạng năng lượng này khoảng 100.000 MW.

Sử dụng nguồn năng lượng sạch là việc làm tốt cho trái đất.
Sử dụng nguồn năng lượng sạch là việc làm tốt cho trái đất.


Thủy điện:
Do cấu trúc địa lý, Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đẫn đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nay cả nước có trên 120.000 trạm thuỷ điện với tổng công suất ước tính khoảng 20.000 MW. Công suất nhà máy thuỷ điện phụ thuộc chính vào 2 yếu tố: Diện tích lưu vực và chiều cao cột nước.

Địa nhiệt: Cả nước có khoảng 200 nguồn suối nước nóng, nhiệt độ từ 40-150 0C. Đây là nguồn địa nhiệt lý tưởng để xây dựng các trạm phát điện. Tiềm năng điện địa nhiệt trong tương lai có thể khai thác khoảng 260-340 MW.

Năng lượng mặt trời: Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nắng trung bình 2.000-2.500 giờ/năm, mức độ bức xạ từ 3-4,5 KWh/m2/ngày (mùa đông); từ 4-6,5 KWh/m2/ngày (mùa hè). Tổng tiềm năng điện mặt trời có thể khai thác đạt 6-10 MW/ngày.

Năng lượng sinh khối: Hệ thống biogas ở các nhà máy chế biến nông sản (sắn, cà phê,…) và ở các hộ gia đình ở nông thôn sử dụng để nấu nướng, thắp sáng, cấp khí gas cho các lò sấy… là khá lớn. Tiềm năng công suất khoảng  250-400 MW.
 
Năng lượng thủy triều: là lượng điện thu được từ năng lượng chứa trong khối nước chuyển động do thủy triều, lúc thủy triều thấp: chu trình nạp; lúc thủy triều lên: chu trình nén; lúc thủy triều xuống thấp chu trình xã kết thúc và nạp cho chu trình tiếp theo.

Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ, thay thế xăng dầu để chạy các động cơ (ôtô, máy bay, hay một số động cơ khác …). Ngoài ra sử dụng nguồn năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tại chỗ của con người như: đun nước, sưởi ấm, nấu ăn, và nhiều mục đích khác.

Theo đại diện của Công ty KVVENTI – Nhà phát triển những tổ hợp năng lượng gió uy tín tại Châu Âu và đang có dự án nghiên cứu tại Việt Nam - Ông David Jozefy nhận định: “những tiềm năng mà Việt Nam hiện có đối với những người trong nghề như chúng tôi là điều mơ ước” và cũng theo đánh giá của Ông Roman Ritter - một chuyên gia về năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể đảm bảo 100% điện từ năng lượng tái tạo.

Theo đó nhà nước khuyến khích khai thác, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cũng như khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực khác có mang lại kết quả giảm phát thải khí nhà kính.

Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đều được quyền đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng dự án CDM tại Việt Nam đi kèm với việc được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tín dụng đầu tư của nhà nước, sản phẩm CMD được trợ giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, được bán “chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận” (CERs). Nước ta có nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Diện Hứa