Kinh đô thời trang mạnh tay xử lý hàng nhái Trung Quốc

04/07/2011 09:19
Cuối tháng 6, cảnh sát Ý đã bắt giữ số sản phẩm trị giá tới 25 triệu euro từ một số công ty may mặc Trung Quốc đặt gần khu vực Florence...

Cuối tháng 6, kinh đô thời trang Ý đã mạnh tay trong chiến dịch chống hàng nhái khi cảnh sát nước này bắt giữ số sản phẩm trị giá tới 25 triệu euro (tương đương 36 triệu USD), từ một số công ty may mặc Trung Quốc đặt gần khu vực Florence.

>> "70% dân Trung Quốc tẩy chay đồ chơi rẻ tiền, lẽ nào mình vẫn dùng?"
>> Chùm ảnh: Từ đôi đũa ăn cơm đến iPhone4 "made in"... Trung Quốc

Đây là một trong những vụ chống hàng nhái, hàng giả mà nhà chức trách Italy thực hiện nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thời trang của quốc gia châu Âu này.

Suốt thập kỷ qua, số người Trung Quốc nhập cư tăng mạnh ở các khu vực Prato và Tuscan, hai địa chỉ từ lâu được xem là thủ phủ của ngành công nghiệp thuộc da và dệt may của Italy.

Những người Trung Quốc nhập cư này tung ra sản phẩm với giá rẻ, khiến hàng loạt các nhà sản xuất truyền thống của Italy thất bát ngay trên sân nhà. Thống kê cho thấy, hiện chỉ còn khoảng 3.800 công ty dệt may của Ý tại Prato, bằng một nửa con số cách đây một thập niên.

  Hàng nhái trên đường phố Ý
Hàng nhái trên đường phố Ý.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu hàng dệt may của các công ty Ý ở vùng này cũng đã giảm một nửa trong khoảng thời gian trên, còn 1,7 tỷ euro. Cảnh sát cho biết, nhiều trong số những công ty Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may và đồ da đang hoạt động chui tại đây sử dụng lao động bất hợp pháp và nguyên liệu thô với giá rẻ từ Trung Quốc và bán sản phẩm dưới mác "Made in Italy" với giá "cắt cổ".

Ý chỉ là một trong số các quốc gia trên thế giới phát động cuộc chiến chống hàng nhái từ nhiều năm nay. Năm ngoái, Ủy ban phát triển kinh tế Abu Dhabi tiêu hủy 11.263 sản phẩm hàng giả, hàng nhái gồm 5.129 mặt hàng điện tử, điện thoại di động, 3.022 hàng quần áo, 2.700 hàng mỹ phẩm và hơn 400 tút thuốc lá.

Còn năm 2009, cơ quan chức năng Pháp và Ý đưa ra những hình phạt nặng tay với nạn hàng giả, hàng nhái. Theo đó, không chỉ người sản xuất, người bán mà cả người mua hàng nhái, hàng giả cũng bị phạt, kể cả khách du lịch.

Các luật sư Anh khuyến cáo người Anh đến du lịch tại Pháp, nếu mua quần áo, kính mát, túi xách, đồng hồ, dây thắt lưng là hàng nhái có thể sẽ bị phạt 300 nghìn euro hoặc 3 năm tù giam. Trong một số trường hợp, hải quan cửa khẩu Pháp cho phép du khách tiếp tục chuyến đi và sẽ xử phạt khi họ làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay.

Trong khi đó, khách du lịch mua hàng giả tại Ý có thể bị phạt 10 nghìn euro. Chính phủ Anh cũng mạnh tay xử lý vấn nạn hàng giả. Tuy nhiên nước này sẽ nhắm vào tội danh buôn bán hàng giả, thay vì phạt người mua hàng. Giới chức Anh cho biết hàng giả gây thiệt hại cho xứ Sương mù 10 tỷ bảng mỗi năm, tương đương 16,2 tỷ USD, trong đó 9 tỷ bảng rơi vào tay các băng nhóm tội phạm.

Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng của thế giới" và ngành công nghiệp "đồ phỏng" - như thật - ở Trung Quốc sử dụng đến hàng triệu nhân công, nhà phân phối, bán hàng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác nhau. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự tính giá trị các vụ hàng hóa giả mạo và vi phạm bản quyền trên thế giới đã tăng khoảng 100 tỷ USD/năm trong 10 năm gần đây.

Jack Chang, Chủ tịch Ủy ban Bảo hộ chất lượng thương hiệu Trung Quốc cho biết, theo luật Trung Quốc, một vụ hàng giả sẽ không bị điều tra nếu giá trị hoặc khối lượng chưa vượt quá mức quy định. Tuy nhiên, nếu chưa mở cuộc điều tra sẽ khó có thể biết được quy mô của hàng giả. Nếu thiếu bằng chứng chứng minh vụ việc vượt quá quy mô, cảnh sát không thể tiến hành điều tra. "Cuối cùng, đây lại là vấn đề con gà và quả trứng", ông Chang nói thêm.

Theo Hà Nội Mới

>> "70% dân Trung Quốc tẩy chay đồ chơi rẻ tiền, lẽ nào mình vẫn dùng?"
>> Chùm ảnh: Từ đôi đũa ăn cơm đến iPhone4 "made in"... Trung Quốc