Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú:

'Kinh doanh vàng chỉ cần lãi 100.000 đồng mỗi lượng'

14/01/2013 13:00
Song Linh/vnexpress
Giá vàng trong nước sẽ dần bám sát thế giới, thậm chí có thể sụt mạnh trong vài tháng tới vì lực cầu thấp, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú dự báo như vậy khi trao đổi cuối tuần qua.

- Từ 10/1, kinh doanh vàng miếng bắt đầu theo cơ chế mới được cho là quy củ hơn, minh bạch hơn. Vậy đâu là điểm khác biệt để một khách hàng bình thường có thể dễ dàng nhận ra và tin tưởng tới giao dịch, thưa ông?

- Tất cả các đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng đều phải công bố rõ ràng điều này tại điểm giao dịch của mình, kèm với đó là hệ thống bảng điện tử, niêm yết công khai và tự động cập nhật giá theo diễn biến thị trường. Trên trang web của Ngân hàng Nhà nước, cũng đã công bố đầy đủ danh sách các đơn vị được phép mua bán vàng miếng, người dân muốn biết cũng có thể tra cứu.

Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú. DOJI là một trong số gần 40 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC.
Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú. DOJI là một trong số gần 40 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC.

Những ngày đầu, mỗi doanh nghiệp đã tự công bố theo các cách riêng. Tuy nhiên, về lâu dài, theo tôi Ngân hàng Nhà nước nên tính tới chuyện cấp một bảng hiệu với quy chuẩn thống nhất, đảm bảo sự đồng bộ, dễ nhận diện ở các cửa hàng được cấp phép, tạo niềm tin nơi khách hàng.

- Người dân được lợi gì khi mua bán theo cơ chế mới?

- Mạng lưới kinh doanh trước đây lên tới 12.000, nhưng đa phần đều quy mô nhỏ, thậm chí chỉ cần một tủ kính đã có thể mua bán vàng miếng, khi biến động dễ xảy ra hiện tượng ngừng mua, ngừng bán đột ngột, gây hoang mang cho thị trường. Giờ đây hiện tượng đó khó xảy ra, bởi 2.500 cửa hàng được cấp phép đều có quy mô lớn, tiềm lực tốt. Họ cũng có thời gian đủ dài để chuẩn bị lượng vàng cần thiết phục vụ thị trường.

Khi cả thị trường cùng kinh doanh một thương hiệu vàng miếng (SJC), khách hàng được mua một nơi và bán ở nhiều nơi, thay vì mua đâu bán đó như trước. Chênh lệch giá giữa các cửa hàng, nếu có, cũng không đáng kể.

Các cửa hàng được cấp phép phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, niêm yết giá công khai và có bảng giá điện tử cập nhật tự động, nhờ vậy thông tin sẽ minh bạch hơn. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng bán ra, phải xuất hóa đơn, chứng từ cho khách hàng, nhờ vậy mà nạn vàng giả, vàng nhái sẽ hạn chế.

- Tuy nhiên thu hẹp tới bốn phần năm các cửa hàng sẽ gây khó khăn cho người mua, đặc biệt ở những nơi doanh nghiệp không muốn đặt điểm giao dịch?

- Tất nhiên ngay lúc này doanh nghiệp chưa thể mở rộng mạng tới các vùng sâu vùng xa, việc mua bán của người dân nơi đây không thuận tiện như trước, không còn chuyện ra đầu phố mua được vàng. Nhưng thực tế nhu cầu mua bán ở những khu vực này không quá lớn, và một số doanh nghiệp cũng đã đặt điểm kinh doanh tới cấp huyện. Với những người có nhu cầu thực, đi ra huyện để mua bán vàng không phải là điều quá khó khăn.

Về lâu dài, doanh nghiệp cũng sẽ phải tính chuyện đầu tư mở rộng mạng lưới nếu muốn tồn tại, phát triển. Đây là sức ép không nhỏ với họ. Trước đây, mỗi doanh nghiệp đều có mạng lưới chân rết miễn phí cắm sâu ở các địa bàn, đó là các cửa hàng nhỏ tự thành lập và làm đại lý cho doanh nghiệp. Nhưng nay các điểm như vậy đã bị đóng cửa. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải tự đầu tư, chi phí cho một chi nhánh lên tới cả chục tỷ đồng nếu tính cả số vàng tồn quỹ tối thiểu để phục vụ nhu cầu khách hàng.

- Với một thương hiệu vàng miếng duy nhất và số ít các đơn vị đầu mối kinh doanh, làm sao người dân có thể an tâm rằng tình trạng độc quyền, đầu cơ làm giá sẽ không xảy ra, thưa ông?

ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)

- Các đơn vị kinh doanh vàng đều phải nhìn vào thị trường để mà đặt giá. Hơn nữa, một hệ thống kinh doanh với gần 40 đơn vị đầu mối và hàng nghìn điểm, thì không dễ để một ai đó có thể đầu cơ, làm giá cả thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố rất rõ sẽ tham gia kiến tạo thị trường vàng và là người mua người bán cuối cùng. Điều đó có nghĩa Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng nguồn lực của mình để mua, bán vàng can thiệp nếu giá quá cao.

- Vậy theo ông tình trạng giá trong nước đắt hơn thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng như hiện nay còn kéo dài tới bao giờ?

- Doanh nghiệp thường tính giá trong nước dựa trên giá quốc tế, tỷ giá trong nước, chi phí nhập khẩu, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí vốn và một khoảng dự phòng cho biến động trên thị trường thế giới. Để đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp, khoảng chênh giữa giá trong nước và thế giới chỉ nên 500.000-700.000 đồng mỗi lượng là vừa.

Chênh lệch giá thời gian qua chủ yếu do ngân hàng mua vàng để tất toán các hợp đồng huy động đã ký. Cầu tăng lên khi cung hạn hẹp, trong nước không sản xuất đủ, cả năm trời không nhập khẩu thêm, một mình Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) dập đúc không đáp ứng kịp. Các loại vàng miếng phi SJC vẫn được lưu hành nhưng tính thanh khoản ngày càng giảm, nên người đang nắm giữ đều nôn nóng muốn đổi ra vàng SJC.

Nếu thực hiện đúng lộ trình quy định, các ngân hàng sẽ tất toán xong trước 30/6. Trên thị trường còn khoảng 8-10 tấn vàng phi SJC cần chuyển đổi. Tôi được biết Ngân hàng Nhà nước cũng đang tính toán phương án xử lý số vàng này. Khi thị trường trở lại trạng thái cân bằng, ngân hàng đã tất toán xong và nhu cầu chuyển đổi vàng phi SJC được đáp ứng đầy đủ thì giá trong nước sẽ bám sát thế giới. Thậm chí khi đó, còn cảnh báo nguy cơ giá sụt mạnh, bởi lực cầu lúc đó rất thấp, nguồn cung dồi dào. Gần đây Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp để kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, thông điệp phát đi thì thị trường Vàng phản ứng tức thì. Diễn biến của thị trường cuối tuần vừa qua với giá vàng lao dốc đã nói lên điều đó

- Khi Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua bán vàng, ông nghĩ sao nếu họ đứng ra ấn định giá cho toàn thị trường?

- Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố rồi, họ muốn trở thành người kiến tạo, người mua, người bán cuối cùng trên thị trường. Như vậy chắc chắn họ sẽ phải có phương án để điều tiết giá khi cần thiết.

Hiện có hai phương án được nhiều người nói tới, một là Ngân hàng Nhà nước áp giá buộc các doanh nghiệp phải theo, và hai là đưa ra khung giá làm định hướng cho thị trường.

Tôi ủng hộ phương án thứ hai. Ngân hàng Nhà nước công bố giá mua, giá bán hằng ngày, coi đó như một khung giá định hướng. Trong trường hợp có đơn vị mua bán vượt khung quá xa, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bằng nghiệp vụ mua bán để điều chỉnh lại cho hợp lý. Việc đặt khung này vừa tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân.

- Vậy theo ông khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra nên là bao nhiêu thì hợp lý?

- Hiện nay khoảng cách giữa giá mua vào - bán ra của các doanh nghiệp quá thấp, chỉ 30.000-50.000 đồng. Chi 50 triệu đồng mua một lượng vàng để lúc bán ra, chỉ thu về 30.000 đồng, biên lợi nhuận như vậy quá bất hợp lý. Theo tôi, khoảng cách này nên là 70.000-100.000 đồng, đủ để hạn chế tình trạng ép giá với người dân, vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.

- Hai năm trước, khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng chưa ra đời, DOJI đã đưa ra loại nhẫn trơn ép vỉ như một lựa chọn khác cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nay ông tính toán thế nào cho tương lai của dòng sản phẩm này khi mà thị trường vàng miếng bắt đầu ổn định trở lại, quyền mua, bán và tích trữ của người dân vẫn được đảm bảo?

- Loại vàng nhẫn ép vỉ của DOJI ra đời đầu năm 2011 nhằm đáp ứng nhu cầu 3 trong một của người dân, mua để tích trữ, mua làm quà tặng và mua để đeo. Cũng là loại vàng 9999, nhưng được chia nhỏ số lượng hơn để giá phù hợp với nhu cầu của người dân. Chúng tôi cũng có chủ trương ép vỉ để tránh móp méo, trầy xước và đảm bảo chống giả, khi người dân bán lại sẽ được hưởng giá niêm yết của công ty.

Sản phẩm nào cũng có thời của nó. Hiện nay thị trường đang nhu cầu nên chúng tôi vẫn bán. Và tôi tin rằng nhu cầu của mặt hàng này sẽ tăng dần lên, tất nhiên cũng cần phải có thời gian để nhẫn ép vỉ xâm nhập thị trường. Nhưng nhìn chung tôi thấy nó không thể thay thế vàng miếng và khó có khả năng bùng nổ. Bởi tính thanh khoản không cao, sản phẩm nhẫn trơn của đơn vị nào thì chỉ đơn vị đó chấp nhận, chứ không được mua một nơi bán nhiều nơi như vàng miếng.

Song Linh/vnexpress