Kinh tế Việt Nam nhìn từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ

04/02/2019 06:10
Hưng Long
(GDVN) - Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn, thách thức và xen lẫn cơ hội để phát triển.

Những tác động từ bên ngoài

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế nhận định, có những yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Những yếu tố bên ngoài là cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ chưa có dấu hiệu giải quyết được.

Nếu đến đầu tháng 3 tới, Trung Quốc và Mỹ không đi đến một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại sẽ tác động lên nền kinh tế toàn cầu theo hướng tiêu cực, tức là giảm sự tăng trưởng của thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự báo kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá. Ảnh: HL.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự báo kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá. Ảnh: HL.

Tiến sĩ Hiếu nhận định, hai nền kinh tế này có ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam.

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng của Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rất lớn hàng hoá của Việt Nam.

Vì vậy khi Mỹ - Trung không đạt được thoả thuận thì cả hai phía đều chịu thiệt hại và kinh tế Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ suy giảm kinh tế hai nền kinh tế nói trên.

Bên cạnh đó có những vấn đề khác của thế giới như Brexit (Liên minh Châu Âu - PV). Cho đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy nước Anh ra khỏi Brexit với thỏa thuận nào?

Nếu đầu tháng 3 tới, nước Anh ra khỏi Brexit mà không có thỏa thuận nào thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Anh và nền kinh tế Châu Âu.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, châu Âu là bạn hàng lớn hàng đầu của Việt Nam, vì vậy nếu khu vực này rơi vào khủng hoảng thì Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những tác động xấu.

Đến những yếu tố bên trong

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ, kinh tế trong nước vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn nước ngoài). Hơn một nửa xuất khẩu của Việt Nam là do từ phía các công ty FDI.

Tiến sĩ Hiếu bình luận, sự lệ thuộc nhiều vào các công ty FDI lâu dài là không tốt cho nền kinh tế.

Đơn cử, các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng chiến lược đầu tư hoặc một điều gì đó tác động để các công ty FDI rút ra khỏi Việt Nam thì tạo ra rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.  

Kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều diễn biến tích cực 

Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08% là rất cần ghi nhận, nhưng chất lượng tăng trưởng là vấn đề cần phải quan tâm.

Hiện nay môi trường ở nhiều nơi bị hủy hoại, năng lực của người lao động còn yếu kém và nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng, cầu cống, đường xá còn rất nhiều ngổn ngang cần phải được sớm giải quyết. Nếu những yếu kém này vẫn kéo dài thì sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, vấn đề tham nhũng, tiêu cực xảy ra cũng tác động xấu đến nền kinh tế. Thời gian vừa qua đã có nhiều vụ sai phạm, tiêu cực bị đưa ra xét xử, thu hồi một phần tài sản cho nhà nước. Bên cạnh việc xử lý sai phạm thì phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kể cả tham nhũng vặt đang gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Song song với những khó khăn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng tin rằng Việt Nam vẫn có những “điểm sáng” để kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong năm 2019.

Năm nay, TPP (tức là: CPTPP – Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực sẽ mở rộng cho Việt Nam thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng buộc phải thay đổi để phát triển kinh tế trên một tầm cao mới.

Hưng Long