Lỡ uống sữa Abbott, Dumex nhiễm khuẩn, người tiêu dùng có thể kiện?

08/08/2013 08:13
Viết Cường
(GDVN) - Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, hiện chưa thể đủ căn cứ để khởi kiện Abbott Việt Nam và công ty nhập khẩu sữa nghi nhiễm khuẩn. LS Tú cho rằng, giờ là lúc Hiệp hội bảo vệ NTD Việt Nam cần có động thái rõ ràng cho việc này…

Trước thông tin Abbott và Dumex đang thu hồi hàng loạt sản phẩm sữa bị nhiễm khuẩn Clostridium trên thị trường, không ít người tiêu dùng đang rất lo lắng, vì lỡ cho con uống sữa trong lô bị thu hồi thì phải làm sao? Họ có được nhà sản xuất đảm bảo về mặt sức khỏe và bồi thường? Hoặc trong trường hợp xấu nhất, họ có thể kiện nhà sản xuất không?

Về băn khoăn này, luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang khẳng định: “Hiện người tiêu dùng chưa thể khởi kiện Abbott Việt Nam và công ty nhập khẩu sữa”.

Bảng thông báo về việc thu hồi sữa Similac ở các lô nghi nhiễm khuẩn được đặt tại một cửa hàng bán sữa trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm (Báo Tuổi Trẻ)
Bảng thông báo về việc thu hồi sữa Similac ở các lô nghi nhiễm khuẩn được đặt tại một cửa hàng bán sữa trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM -  Ảnh: T.Đạm (Báo Tuổi Trẻ)
Luật sư Tú lí giải: “Đã kiện thì phải có chứng cứ. Nếu chỉ dựa vào một quyết định thông báo thu hồi sản phẩm mà người tiêu dùng lo lắng rồi đi kiện là điều không thể”.

Luật sư Tú cho rằng, nếu người tiêu dùng nào nghi ngờ về chất lượng sản phẩm có thể mang những hộp sữa đó đi để kiểm tra, giám định. Nếu sau khi kiểm tra, thấy sữa đó có căn cứ là bị nhiễm khuẩn hoặc các thành phần không giống như nhà sản xuất công bố, thì lúc đó mới kiện được.

“Của người ta, người ta thu hồi không bán nữa thì làm sao mà kiện người ta được” – LS Tú nói.

Theo Luật sư Tú, trong trường hợp sữa Similac GainPlus EyeQ bị nghi nhiễm khuẩn vừa rồi, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần phải có động thái rõ ràng: Điều cần thiết nhất trong lúc này là Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nên chủ động mang mẫu sữa đi giám định.

Tuy nhiên, LS Tú cho rằng, theo như ông biết thì ở Việt Nam hiện nay chưa có nơi nào đủ khả năng để giám định cụ thể về thành phần quan trọng trong sữa.

Theo LS Tú: “Tốt nhất Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nên gửi một những mẫu sữa này cho một đơn vị giám định ở nước ngoài, nhờ họ kiểm tra xem thành phần trong sữa có đúng với trên nhãn mác không. Bên cạnh đó xem sữa này có phải bị nhiễm khuẩn, gây tê liệt thần kinh không. Nếu có một đơn vị nước ngoài chứng nhận sữa đó nhiễm khuẩn, khi đó mới có thể khởi kiện.

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang (Ảnh Viết Cường)
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci,
 Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang
(Ảnh Viết Cường)
Ở những nước phát triển, trong trường hợp phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, người tiêu dùng được yêu cầu đơn vị sản xuất phải bồi thường về kinh tế. Còn nếu sản phẩm đó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thì nhà sản xuất phải bồi thường cả thêm về mặt sức khỏe. “Tuy nhiên để được bồi thường phải có chứng cứ và được cơ quan pháp lý tuyên việc đó” – LS Tú nói.

Trong khi đó, liên quan đến những lo lắng của khách hàng về việc con cái họ có thể đã uống phải sữa nhiễm khuẩn, trả lời báo Người lao động, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế, nhận định khó thu hồi toàn bộ số sữa đã bán và cũng không loại trừ có trẻ đã sử dụng. “Tôi hy vọng con số đó không nhiều vì đây là sản phẩm mới được nhập về Việt Nam cách đây 1-2 tháng” – ông Trung nói.

Theo ông Trần Quang Trung, vi khuẩn C.Botulinum ủ bệnh 24-36 giờ chứ không “tích tụ” trong cơ thể như chất melamine. Do vậy, nếu phụ huynh đã lỡ cho con uống sữa trùng với số lô bị thu hồi và thấy cháu có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân, khó nói, khó thở… thì tạm thời có thể yên tâm.

“Hiện Cục ATTP chưa nhận được bất cứ thông tin nào về trường hợp (trên thế giới và Việt Nam) bị nhiễm bệnh sau khi dùng sữa nghi nhiễm khuẩn. Với mẫu sữa được kiểm nghiệm tại Viện An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, khoảng 4-5 ngày tới sẽ có kết quả” – ông Trung cho biết.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại Văn phòng đại diện Abbott Việt Nam, cho rằng theo các cơ quan y tế, hàm lượng nhiễm C.Botulinum trong sữa rất nhỏ, chưa đến mức gây ngộ độc cho người sử dụng. Abbott khuyến cáo nếu thấy trẻ đã sử dụng sản phẩm có vấn đề về sức khỏe, hãy đến bệnh viện khám.

“Nếu bác sĩ kết luận sản phẩm sữa Abbott gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì công ty sẽ chịu trách nhiệm” – ông Vương khẳng định.

Viết Cường