Ngân hàng giảm lãi suất nhưng không phải ai cũng được vay

04/03/2012 13:00
Đ.T/ Công an nhân dân Online
(GDVN) - Những tổ chức, cá nhân đang hoạt động, dù đang khát vốn cũng chỉ dám đứng ngó khi mức lãi suất của hầu hết các ngân hàng vẫn ở trên 20%.
Cuộc đua giảm lãi suất nhỏ giọt

Liền sau khi Vietcombank và VietinBank quyết định giảm nhẹ lãi suất vào giữa tháng 2, BIDV cũng lập tức công bố chương trình lãi suất ưu đãi. Không đứng ngoài cuộc, Agribank cũng thông tin sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 1- 1,5%/năm đối với tất cả khách hàng…

Như vậy có thể thấy, các ngân hàng lớn đều đã góp mặt trong việc giảm lãi suất. Đồng thời, ngay khi hạn mức tín dụng được công bố, TienPhong Bank cũng đã bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 1.000 tỷ đồng. VIB bank cũng đã đưa ra thông báo dành nguồn vốn 4.000 tỷ đồng; Ngân hàng Quân đội công bố dành khoảng 4.000 tỷ đồng… Nhưng không phải tất cả khách hàng, mà mỗi ngân hàng chỉ chọn ra một nhóm đối tượng ưu tiên để cho vay.

Không phải ai cũng được vay và có thể vay trong cuộc đua giảm lãi suất của các ngân hàng
Không phải ai cũng được vay và có thể vay trong cuộc đua giảm lãi suất của các ngân hàng
 Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho thấy, bản thân các ngân hàng này khá dồi dào về vốn. Những ngân hàng ở nhóm cuối sẽ không dám huy động vốn ồ ạt bằng cách nâng lãi suất huy động lên cao. Thị trường ngân hàng sẽ hạn chế được tình trạng chạy đua lãi suất huy động, từ đó, hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động VND ít biến động trong tuần vừa qua. Theo nhiều chuyên gia về tài chính, nhìn vào các mức lãi suất huy động hiện nay có thể thấy, chênh lệch giữa lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên vẫn cao gấp hơn 2 lần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Điều này chứng tỏ nhiều ngân hàng vẫn ở trạng thái khó khăn về thanh khoản.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng khó khăn trong thanh khoản thời gian qua tại các ngân hàng chỉ là vấn đề cục bộ. Xảy ra tình trạng mất cân bằng trong thanh khoản, phải đẩy lãi suất huy động lên cao chủ yếu do ngân hàng huy động được tiền gửi ngắn hạn, nhưng lại mang đi cho vay trung dài hạn.

Ngân hàng ung dung hưởng lợi nhuận

Khi lãi suất ngân hàng được đẩy lên quá cao, hàng ngàn DN, nhất là DN vừa và nhỏ phải co cụm hoặc ngưng hoạt động; Cả nền kinh tế lâm vào cảnh khó khăn thì các ngân hàng vẫn ung dung ngồi kiếm lợi nhuận. Kết quả kiểm toán từ Maritime bank cho thấy, kết thúc năm tài chính 2011, lợi nhuận trước thuế đạt 1.037 tỷ đồng; Vốn huy động các loại đạt 69.473 tỷ đồng, Dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư chốt ở con số 37.753 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ có 2,27%.

Gặp khó khăn về thanh khoản phải sáp nhập từ 3 ngân hàng, nhưng đến cuối tháng 1/2012, tổng vốn huy động từ dân cư của SCB đã đạt hơn 81.000 tỷ đồng; Dư nợ cho vay là 69.531 tỷ đồng. Thậm chí, mặc cho thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn, ngay từ đầu năm các NH như Techcombank đã đặt mục tiêu kiếm 4.000 tỷ đồng lợi nhuận; Ngân hàng Quân đội với con số 2.900 tỷ đồng; ACB với đích đến là 4.100 tỷ đồng…

Đề xuất với NHNN, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) cho rằng, việc NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước hạ dần lãi suất cho vay sẽ lan tỏa đến các NHTM khác. Song với cách này, lãi suất cho vay sẽ giảm chậm và đến cuối năm 2012, lãi suất đầu ra vẫn sẽ ở mức từ 15-17% là quá cao đối với doanh nghiệp. Theo Vafi, nếu NHNN chỉ đạo giảm ngay lãi suất huy động đối với tiền gửi xuống mức 11%/năm, lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng đạt tỉ lệ 40-55% tổng lượng tiền gửi. Nhưng việc giảm mạnh lãi suất huy động sẽ tác động để giảm nhanh lãi suất cho vay.

Cùng lúc, Vafi đề xuất NHNN khống chế lãi suất tiền gửi bằng đồng ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm; Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức lên mức 20% nhằm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng, ngoại tệ cho ngân hàng.

Trước mắt, NHNN cần khống chế ngay trần lãi suất cho vay ra không quá 18%/năm, sau đó giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư, hạ tiếp trần lãi suất cho vay. Với cách làm này, đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ ở mức 14-15%. Theo Vafi, khi xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đầu cơ tích trữ vàng miếng sẽ thu hút dòng tiền lớn chảy vào hệ thống ngân hàng. Với cách này, Vafi ước tính trong năm nay, ngân hàng sẽ thu được 5 tỉ USD từ nguồn vốn tích trữ vàng mà chẳng cần phải tốn kém để xây dựng chính sách huy động vàng miếng.




Đ.T/ Công an nhân dân Online