Nghỉ dài ngày, người Hà Nội ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết thế nào?

30/01/2012 06:56
Việt Hà
(GDVN) - Quà chúc Tết năm nay thực tế hơn, có khi là một yến gạo ngon, không tẩm hóa chất, cây giò đảm bảo “không hàn the”, đặc sản như lợn mán, mường...

1. Trang trí Tết


Dù giá cả của cây cảnh tăng 20 - 30% so với năm ngoái, cộng với lạm phát tăng cao nên người dân cũng cân nhắc nhiều hơn khi sắm đồ trang trí nhà cửa dịp tết. Nhiều người đợi đến 28, 29 âm lịch mới đi sắm đào, mai, quất còn những người giàu thì lạm phát không ảnh hưởng nhiều đến họ, họ vẫn có thể mua về những chậu cây cảnh giá hàng chục triệu đồng.

Chú Ninh (Kim Mã) cho biết, năm nào nhà chú cũng mua một chậu quất về để thêm màu sắc may mắn cho ngày Tết nhưng năm nay quất đắt hơn, chú vẫn thong thả đợi đến 28, 29 Tết mới bắt đầu đi mua cây chơi. Theo kinh nghiệm của mình, chú đã chọn được cây quất giá hơn 400.000 đồng trông rất "hoành tráng".
Nhiều mặt hàng trang trí Tết hút khách.
Nhiều mặt hàng trang trí Tết hút khách.
Ngoài các cây cảnh quen thuộc, năm nay, người ta còn bày bán những loại cây cảnh tết lạ mắt và độc đáo, chẳng hạn như chậu thanh long trĩu quả quấn hình rồng có giá đến cả chục triệu đồng.

Ngày xưa, cả Hà Nội chỉ có một chợ hoa duy nhất là ở chợ Đồng Xuân. Bây giờ, hoa tết đã được bày bán tràn ngập trên khắp các đường phố Hà Nội. Người dân có thể đi xem, đi khảo giá, đi mua hoa tết bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Tuy nhiên, điều này cũng khiến giao thông Hà Nội dịp giáp Tết càng thêm hỗn loạn.
Nhiều người dân Hà Nội đã chở lộc về nhà từ rất sớm (Ảnh: VGP News).
Nhiều người dân Hà Nội đã chở lộc về nhà từ rất sớm (Ảnh: VGP News).

Tết năm nay được nghỉ dài ngày nhưng phải đến hết ngày 27 âm lịch, các công sở mới cho nhân viên nghỉ Tết, nhiều nhà phải thuê người dọn dẹp nhà cửa. Tiền công cho người dọn dẹp nhà cửa dịp Tết vì thế cũng đội giá chóng mặt.

Những người này cho biết, bình thường công việc của họ cũng khá bận rộn, còn đến dịp Tết thì cả ngày cũng làm không hết việc; dân công sở còn có thưởng Tết, còn họ phải vất vả đến tận tối 30. Vì thế, việc họ "hét" giá cao lên là chuyện dễ hiểu.

2. Ăn tết

Do giá cả lạm phát liên tục nên người dân cũng hạn chế mua sắm. Họ chỉ mua những thứ thật cần thiết để đủ cho một cái Tết giản dị nhưng không kém phần ấm cúng.

Nhiều người cho biết, gia đình họ năm nay chủ trương ăn tết đơn giản: ít thịt, tăng rau quả vì thịt cá đã ăn quanh năm rồi, lượng bánh kẹo cũng giảm.
Xu hướng chung của nhiều gia đình năm nay là ăn tết đơn giản: ít thịt, tăng rau quả vì thịt cá đã ăn quanh năm rồi, lượng bánh kẹo cũng giảm.
Xu hướng chung của nhiều gia đình năm nay là  ăn tết đơn giản: ít thịt, tăng rau quả vì thịt cá đã ăn quanh năm rồi, lượng bánh kẹo cũng giảm.

Cô Hương (Định Công) cho biết: “Năm nay không mua bánh kẹo hạt dưa gì cả, mua vài cân hoa quả, chục quả bưởi về ăn dần. Khách đến thì ăn hoa quả cũng thích hơn ăn bánh kẹo toàn phẩm màu, đường hóa học. Nhưng với phần quà sắm Tết để mang về quê, vẫn không thể thiếu được trà, thuốc lá, mứt, bánh kẹo. Những thứ đó thành “tục lệ” mất rồi, không có không được. Năm nay cô tranh thủ nghỉ Tết dài ngày để làm các món mới cho cả gia đình cùng thưởng thức”.

Do tình hình vệ sinh thực phẩm trong năm vừa rồi là một vấn đề đáng lo ngại nên nhiều gia đình đã cất công tìm mua những thực phẩm sạch để đón Tết. Các đặc sản quê năm nay được mùa. Ở nhiều trang mạng, các thực phẩm sạch dạng này đang được rao bán, đáp ứng nhu cầu của nhiều người, đặc biệt người xa quê. Tuy nhiên, đa phần người dân vẫn thích mua “đặc sản quê” qua bạn bè, người thân để thêm đảm bảo, tránh mua phải hàng rởm.
Thay vì "sính" đồ ngoại, người dân Hà Nội đã bắt đầu thích các sản vật quê, đặc sản miệt vườn hơn ngày trước nhiều.
Thay vì "sính" đồ ngoại, người dân Hà Nội đã bắt đầu thích các sản vật quê, đặc sản miệt vườn hơn ngày trước nhiều.

Có một điều đặc biệt là đón Tết năm nay, người dân rất chuộng các sản phẩm trong nước theo tinh thần “người Việt yêu lấy hàng Việt”. Hạt dưa Trung Quốc chính thức bị “tẩy chay”, vắng bóng trên khắp các sạp hàng, các chợ và siêu thị của Hà Nội.

Các loại hạt được ưa chuộng dịp Tết năm nay chủ yếu là hạt dẻ cười, hạt bí, hướng dương. Tuy nhiên, giá cả của các loại hạt này năm nay cũng đắt hơn các năm trước. Nhiều bà nội trợ chỉ mua nhiều lắm là 1 - 2 kg các loại hạt này gọi là “có không khí”.

3. Chơi Tết


Những người xa quê năm nay về quê từ rất sớm vì đường xá ngày càng đông và nhiều sự cố. Sinh viên năm nay được nghỉ khá sớm, nhiều trường cho sinh viên nghỉ trước cả tết ông Táo nên những ngày trước Tết, giá xe khách đã được dịp hét giá vé cao hơn ngày thường tới 30%.

Những người ở Nghệ An ra học hay làm việc tại Hà Nội phải đặt trước vé tàu, xe về nhà trước cả nửa tháng. Nhiều bạn trẻ còn rao nhượng lại vé tàu, xe cho người về quê trên trang mạng xã hội của mình.
Thay vì đi du lịch, nhiều người dân Hà Nội ở nhà và sum họp bên mâm cơm gia đình đầm ấm trong ngày nghỉ Tết.
Thay vì đi du lịch, nhiều người dân Hà Nội ở nhà và sum họp bên mâm cơm gia đình đầm ấm trong ngày nghỉ Tết.

Nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, nhiều gia đình lên kế hoạch đi du lịch trong và ngoài nước, trong đó lượng khách khởi hành tour cao điểm là mùng 2 Tết.

Công ty du lịch Hanoi Redtours cho biết, đã chuẩn bị các dịch vụ phục vụ cho hơn 2.000 khách đi trong dịp này. Còn tốc độ tăng trưởng bình quân tại Vietravel đạt trên 30% so với cùng kỳ 2011.

Đối tượng khách chủ yếu tập trung vào các gia đình trẻ, nhân viên văn phòng, Việt kiều về quê ăn tết…. với những điểm đến thu hút như mọi năm là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Thâm Quyến, Quảng Châu, Bắc Kinh  - Thượng Hải thời gian từ 4 - 7 ngày, mức giá dao động từ 8 - 16 triệu đồng/tour. Bên cạnh đó, các tour hành hương lễ phật cũng được du khách ưa chuộng trong dịp Tết. Bằng chứng là ngay từ mùng 4 tết trở đi, hàng ngàn lượt khách đã đổ về chùa Hương, Yên tử, Bái Đính, chợ Viềng... khiến giao thông và các dịch vụ tại đây tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh với du khách.

Khác với người Sài Gòn thích hướng ngoại, thích đón Tết ở phố phường nhộn nhịp bên ngoài, người Hà Nội thường về nhà cho kịp đêm giao thừa cùng người thân.

Đi bờ hồ xem bắn pháo hoa gần đây thành thú vui của không ít người, đặc biệt các bạn trẻ. Nhưng đa số người cho rằng, pháo hoa được bắn ở gần 30 điểm của Hà Nội như dự định trong giao thừa năm nay là không cần thiết và lãng phí, nhất là trong tình cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại.

4. Chúc Tết


Càng ngày người ta càng có thói quen chúc Tết sớm. Nhân viên đến nhà sếp sớm hơn mọi năm, phụ huynh đến nhà giáo viên của con cũng sớm hơn, có khi họ đến chơi Tết trước cả ngày 23 tháng chạp.
Quà chúc Tết càng ngày càng mang tính thực dụng hơn. Quà biếu có khi là yến gạo ngon, không tẩm hóa chất, một thùng bia hay cây giò đảm bảo “không hàn the”, “độc” hơn là giò làm từ thịt lợn mán… (Ảnh: PNO)
Quà chúc Tết càng ngày càng mang tính thực dụng hơn. Quà biếu có khi là yến gạo ngon, không tẩm hóa chất, một thùng bia hay cây giò đảm bảo “không hàn the”, “độc” hơn là giò làm từ thịt lợn mán… (Ảnh: PNO)
Quà chúc Tết càng ngày càng được tính toán cẩn thận hơn. Quà biếu có khi là yến gạo ngon, không tẩm hóa chất, một thùng bia hay cây giò đảm bảo “không hàn the”, “độc” hơn là giò làm từ thịt lợn mán, thịt bê… vừa ý nghĩa vừa thân tình để lấy lòng sếp hay người được nhận quà biếu. Quà quê năm nay cũng được chuộng hơn mọi năm vì tìm được nguồn thực phẩm sạch xịn ở thời buổi này quả là không hề dễ dàng.

Các giỏ quà có giá bình dân (chỉ từ 200.000 đến 1.000.000 đồng) là sự lựa chọn của số đông người dân. Vì quà cáp đôi khi chỉ là hình thức, còn người ta chú trọng hơn vào các khoản lì xì.

Gần 10 ngày nghỉ Tết đã trôi qua rất nhanh, thế nhưng vẫn có nhiều người cho biết, họ chẳng có phút nào để cảm nhận không khí Tết cho riêng mình theo đúng nghĩa vì xoay vần với những công việc không tên.
Việt Hà