Những chuyện chưa kể về thương vụ “Bảo Sơn – Bảo Long”

17/12/2011 09:29
Chuyện mua bán cổ phần, thương hiệu, tài sản… giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Tập đoàn Bảo Long không có gì đáng nói nếu không có chữ "tình" chen vào.
Phải khẳng định rằng, xu thế sáp nhập, mua bán doanh nghiệp, thương hiệu… để tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường là chuyện tất yếu và hết sức bình thường. Chính vì vậy, chuyện mua bán cổ phần, thương hiệu, tài sản… giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Tập đoàn Bảo Long không có gì đáng nói nếu không có chữ "tình" chen giữa thương vụ.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao một doanh nghiệp vốn có thương hiệu, có uy tín và là biểu tượng của sự thành công lại phải bán đi cổ phần, tài sản, thương hiệu… những thứ mà họ đã dày công gây dựng hơn 20 năm, trải qua vô vàn khó khăn, thử thách mới có được?

Phần chìm ở Bảo Long

Sau hơn 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long ngày nào đã vươn mình trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề có uy tín và thương hiệu mạnh ở Việt Nam. Ngoài vị thế là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y dược, năm 2005, Bảo Long đã thành lập Bệnh viện Đa khoa Bảo Long và đến năm 2007 thì thành lập Trường phổ thông Võ thuật với quy mô đa cấp học (tiểu học, phổ thông cơ sở và trung học phổ thông). Do đó, vị thế và uy tín của Bảo Long được dư luận xã hội đánh giá rất cao.

Vị thế đó càng được khẳng định khi Bảo Long đã nhận được một loạt các bằng khen, giấy khen, danh hiệu… giành cho những doanh nghiệp thành đạt, có đóng góp cho xã hội. Và cũng chính vì thế, chuyện Bảo Long làm ăn thua lỗ, phải chịu cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí là phải vay lãi suất “khủng” để thanh toán chi phí sản xuất, trả lương cho cán bộ, công nhân viên đã khiến dư luận xã hội và giới kinh doanh thực sự cảm thấy sốc. Vậy đâu là sự thật của một doanh nghiệp vốn được xem là biểu tượng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Bảo Long (thứ 2 từ trái sang) làm việc với báo chí
Đại diện Tập đoàn Bảo Long (thứ 2 từ trái sang) làm việc với báo chí

Theo báo cáo tổng hợp vốn và lãi vay do Kế toán trưởng Vũ Văn Hùng gửi ông Nguyễn Hữu Khai (khi đó ông Khai là Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long) thì tính đến ngày 31/1/2011: Bảo Long đã vay tổng số gần 83 tỉ đồng từ các ngân hàng; hơn 117 tỉ đồng từ 618 cá nhân ở khu vực Hà Nội; vay vốn từ các cổ đông là 86,786 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong các khoản vay từ cá nhân, có rất nhiều khoản vay Bảo Long phải chấp nhận lãi suất lên tới 18-21%/tháng (ngang với mức vay lãi “cắt cổ”, vay tín dụng đen). Và cũng theo bản báo cáo trên thì tổng số tiền nợ của Bảo Long tính đến hết tháng 1/2011 là 286,785 tỉ đồng và mỗi tháng, tổng cộng tiền lãi mà Bảo Long phải trả lên tới 10,961 tỉ đồng.

Mặc dù phải gánh trên vai một món nợ khổng lồ như vậy nhưng theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Bảo Long lại không mấy khả quan. Ví dụ, trong tháng 4/2011, tổng lợi nhuận sau thuế của 3 đơn vị kể trên chỉ là 544,041 triệu đồng (tức chưa bằng con số lẻ mà Bảo Long phải trả lãi cho các khoản vay). Thực trạng bê bết trên cũng được chính ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Long đề cập đến trong “Đơn kêu cứu” gửi các cơ quan báo chí về thương vụ Bảo Sơn – Bảo Long: “Chúng tôi gặp khó khăn về tài chính không thể theo kịp trào lưu phát triển”.

Qua đó để thấy rằng, Bảo Long không còn là một doanh nghiệp mạnh, kinh doanh hiệu quả như từng diễn ra. Đành rằng, đã làm ăn thì phải có vay, có mượn nhưng vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp có sử dụng các khoản vay đó để sinh lời và bù đắp các chi phí (tiền lương, chi phí sản xuất, khấu hao máy móc, nhà xưởng, lợi tức cổ đông, tiền lãi…) hàng tháng hay không?

Và trong trường hợp này, việc một tập đoàn kinh tế “mạnh” được tặng cúp vàng “Tự hào thương hiệu Việt” năm 2011 như Bảo Long mà phải cậy nhờ tín dụng đen để làm ăn thì thật khó hiểu. Lý do duy nhất ở đây là Bảo Long làm ăn kém hiệu quả, không đủ khả năng thanh toán tiền nợ lãi nên mới “giật gấu vá vai” để duy trì hoạt động. Đến khi không đủ khả năng thanh toán, không còn tài sản nào có thể thế chấp, lại phải chịu sức ép thanh toán gốc của các khoản vay trên mới phải tìm kiếm đầu tư. Do đó, việc Bảo Long và các cổ đông của mình quyết định tìm đối tác đầu tư hoặc bán cổ phần là hợp với xu thế phát triển chung ở bất kỳ nền kinh tế nào.

Nói như vậy để thấy rằng, chuyện Bảo Long bán cổ phần, tài sản và thương hiệu sản phẩm của mình cho Bảo Sơn cũng là lẽ thường tình.
Chi tiết bản hợp đồng.
Chi tiết bản hợp đồng.

Bảo Long tìm kiếm đối tác đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh, ổn định, phát triển sản xuất là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề là ai sẽ nhập vai đối tác đầu tư cho Bảo Long trong thương vụ như vậy mới là điều quan trọng khi mà những lĩnh vực Bảo Long kêu gọi đầu tư đòi hỏi vốn lớn lại chậm thu hồi. Và nếu có đối tác nào sẵn sàng bắt tay với Bảo Long thì quả thật đó là một canh bạc thực sự. Mà trên thương trường, canh bạc đó được xem là “lành ít dữ nhiều”, rủi ro cao.

Việc Bảo Long nhận được cái gật đầu đầy thiện chí từ phía Bảo Sơn – một trong số ít đối tác đủ tiềm lực hợp tác với Bảo Long – chẳng khác nào “chết đuối vớ được cọc”.

Bản hợp đồng chuyển nhượng có đóng dấu, chữ ký của các thành viên trong hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Long

Và ngày 3/3/2011, sau khi được sự thống nhất của Bảo Sơn và Bảo Long, tại trụ sở của Bảo Long (xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội), ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo Sơn và ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo Long và các cổ đông đã ký bản Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm số 01/CNVCP&TS/BL-BS.

Theo đó, ông Nguyễn Hữu Khai với 60,33% vốn góp, bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai) với 24,66% vốn góp, ông Nguyễn Hữu Sinh (em ông Khai) với 5% vốn góp đã đi đến thống nhất: Bảo Long đồng ý chuyển nhượng cho Bảo Sơn và các cổ đông 100% vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm của các đơn vị sau:

1. Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long

2. Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long

3. Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long.

Tổng giá trị Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần được hai bên ký kết là 227.513.174.701 đồng.

Và theo Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS được ký giữa hai bên thì: Hai bên cùng thỏa thuận giá chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông có giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản trên đất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả các công trình ngầm, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp…  (trừ máy phát điện vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Khai), cây cối hoa màu, bản quyền thương hiệu sản phẩm.

Cũng theo hợp đồng trên thì, Bảo Sơn không nhận chuyển nhượng máy móc, thiết bị, cộng cụ, y cụ, ôtô, dụng cụ phục vụ sản xuất bào chế thuốc, nguyên vật liệu, dược liệu tồn kho và thành phẩm đã chế biến.

Như vậy, theo hợp đồng này, Bảo Sơn đã là đại diện hợp pháp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long; Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long và Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long.

Bảo Sơn được gì ở Bảo Long?

Sau khi thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan được nêu trong Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS, ngày

26/4/2011, tại trụ sở của Tập đoàn Bảo Long, với sự có mặt của ông Nguyễn Hữu Khai, ông Nguyễn Hữu Sinh, bà Lê Thúy Hằng đại diện cho 100% cổ phần bên chuyển nhượng (Tỉ lệ vốn góp được Bảo Long thay đổi sau khi Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS được ký) và bên nhận chuyển nhượng là Tập đoàn Bảo Sơn với đại diện là bà Nguyễn Thanh Thủy, ông Nguyễn Trường Sơn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, bà Lê Thị Tuyết Hoa, các bên đã tiến hành ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn Bảo Long và cổ đông cho Tập đoàn Bảo Sơn và cổ đông. Theo đó:

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2011/HĐCN-BL được ký vào ngày 26/4/2011 nêu rõ: Ông Nguyễn Hữu Khai chuyển nhượng toàn bộ cổ phần có giá trị là 90 tỉ, tương ứng với 900.000 cổ phần, chiếm 60% tổng vốn điều lệ cho Tập đoàn Bảo Sơn và ông Nguyễn Trường Sơn.
Đơn kêu cứu được ông Khai gửi khắp nơi.
Đơn kêu cứu được ông Khai gửi khắp nơi.

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 02/2011/HĐCN-BL được ký vào ngày 26/4/2011 nêu rõ: Bà Lê Thúy Hằng chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần có giá trị là 52,5 tỉ đồng, tương ứng với 525.000 cổ phần, chiếm 35% tổng số vốn điều lệ cho bà Lê Thị Tuyết Hoa, bà Nguyễn Thanh Thủy, bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 03/2011/HĐCN-BL được ký vào ngày 26/4/2011 nêu rõ: Ông Nguyễn Hữu Sinh chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần có giá trị là 7,5 tỉ đồng, tương ứng với 75.000 cổ phần, chiếm 5% tổng số vốn điều lệ cho bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Và đến ngày 23/5/2011, tại Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long, với sự có mặt của ông Nguyễn Hữu Khai (người chiếm 58,82% cổ phần), ông Nguyễn Hữu Sinh (người chiếm 17,65% cổ phần), bà Lê Thúy Hằng (người chiếm 19,61% cổ phần), ông Nguyễn Văn Huệ (người góp 1,96% cổ phần), bà Lưu Tố Phấn (người chiếm 1,96% cổ phần) – đại diện cho 100% cổ phần bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Trường Sơn, Tập đoàn Bảo Sơn với người đại diện là bà Nguyễn Thị Thu Hà, bà Nguyễn Thanh Thủy, các bên đã tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long cho Tập đoàn Bảo Sơn và các cổ đông. Theo đó:

Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 01/2011/HĐCN ký ngày 23/5/2011 nêu rõ: Ông Nguyễn Hữu Khai chuyển nhượng một phần vốn góp của mình là 2.550.000.000 đồng chiếm 50% tổng vốn điều lệ công ty cho Tập đoàn Bảo Sơn (người đại diện là ông Nguyễn Trường Sơn) và 449.820.000 đồng chiếm 8,82% vốn điều lệ công ty cho ông Nguyễn Trường Sơn.

Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 02/2011/HĐCN ký ngày 23/5/2011 nêu rõ: Ông Nguyễn Hữu Sinh chuyển nhượng một phần vốn góp của mình là 570.018.000 đồng chiếm 11,18% tổng vốn điều lệ công ty cho ông Nguyễn Trường Sơn và 329.970.000 đồng chiếm 6,47% vốn điều lệ công ty cho bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 03/2011/HĐCN ký ngày 23/5/2011 nêu rõ: Bà Lê Thúy Hằng chuyển nhượng một phần vốn góp của mình là 435.030.000 đồng chiếm 8,53% tổng vốn điều lệ công ty cho bà Nguyễn Thị Thu Hà và 565.080.000 đồng chiếm 11,08% vốn điều lệ công ty cho bà Nguyễn Thanh Thủy.

Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 04/2011/HĐCN ký ngày 23/5/2011 nêu rõ: Ông Nguyễn Văn Huệ chuyển nhượng một phần vốn góp của mình là 99.960.000 đồng chiếm 1,96% tổng vốn điều lệ công ty cho bà Nguyễn Thanh Thủy.

Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 05/2011/HĐCN ký ngày 23/5/2011 nêu rõ: Ông Lưu Tố Phấn chuyển nhượng một phần vốn góp của mình là 99.960.000 đồng chiếm 1,96% tổng vốn điều lệ công ty cho bà Nguyễn Thanh Thủy.

Tất cả các Hợp đồng trên đều được tiến hành theo các quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và bên chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng góp vốn đều cam kết đã nhận đủ tiền và không kiện cáo gì. Và trong các biên bản họp đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Bảo Long và biên bản hợp hội đồng thành viên Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long, các bên liên quan cũng đi đến thống nhất: thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của Tập đoàn Bảo Long và Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long.

Qua đó thấy rằng, mọi thủ tục mua bán trong thương vụ trên đều được các bên tiến hành một cách đầy đủ và hoàn chỉnh theo quy định của pháp luật. Và chỉ với riêng những nội dung được ghi rõ ràng và đầy đủ trong Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS thì chúng ta có thể khẳng định, thương vụ trên đã được hoàn thành theo đúng trình tự quy định của pháp luật với đầy đủ chữ ký của các thành viên trong HĐQT của Bảo Long.

Vấn đề khúc mắc nếu có ở đây chỉ là quá trình thực hiện hợp đồng trên như thế nào mà thôi. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới một loạt các thông tin trái chiều được cả hai bên đưa ra trong thời gian vừa qua.

Theo Petrotimes