Những con số bất động sản ấn tượng tuần qua

04/11/2012 07:13
Theo Vnexpress
Hơn 1 triệu tỷ đồng đọng trong bất động sản, con số lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh... là tâm điểm chú ý trong tuần.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội sáng 31/10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tham gia ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xử lý hàng tồn kho vật liệu xây dựng.

Lấy số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Dũng cho biết, tính đến ngày 31/8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 6,6%. Nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì con số này khoảng 57% tổng dư nợ, tương đương khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng.

Cũng theo ông Dũng, thị trường bất động sản bộc lộ điểm yếu khi sản phẩm bất động sản chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình, còn sản phẩm cho người thu nhập thấp lại rất ít. Nhà diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân còn thiếu. Vốn cho các dự án bất động sản chủ yếu dựa vào vay ngân hàng và huy động từ tiền mua nhà. Điều này dẫn đến khi hàng không bán được, thị trường đóng băng thì nợ xấu bất động sản tăng cao và gây khó khăn.

Tính đến ngày 31/8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Lê
Tính đến ngày 31/8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Lê


Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước có 2.399 dự án và khoảng 71.000 ha đất cho bất động sản. Riêng Hà Nội có 368 dự án với khoảng 20.000 ha cho địa ốc, trong đó những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40%. Tồn kho cả nước lên tới 16.469 căn hộ chung cư, hơn 4.000 nhà thấp tầng, và hơn 25.800 m2 nhà văn phòng cho thuê.

Tuy nhiên, theo thống kê của Savills, trong 3 năm tới, vẫn có khoảng 34 dự án gia nhập thị trường. Trong đó, 33 dự án đã được xác định sẽ cung cấp khoảng 30.000 căn hộ. Từ nay đến cuối năm, 4 dự án sẽ gia nhập thị trường, cung cấp trên 1.000 căn hộ.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản

Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal - SCR), quý III, lãi sau thuế quý III của Sacomreal còn 800 triệu đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm 2011 (52 tỷ đồng). 9 tháng, Sacomrel lãi 60 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2011.

Kết quả kinh doanh của Sacomreal càng tô thêm màu xám vào bức tranh vốn đã tối màu của doanh nghiệp bất động sản quý III. Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế quý III/2012 của DXG chỉ đạt 517 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 9,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2012 của DXG là 13,3 tỷ đồng, thấp hơn 9 tháng đầu năm 2011 tới 3,78 lần.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HU3) quý III năm nay cũng chỉ báo lãi 1,77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này là 17,7 tỷ. Công ty cổ phần Xây dựng sông Hồng bị lỗ tới 2,58 tỷ, trong khi cùng kỳ báo lãi 9,8 tỷ đồng.

Lãi sau thuế quý III của VC7, SIC chỉ bằng một phần ba cùng kỳ năm ngoái, lãi của L18 chỉ đạt 302 triệu, trong khi cùng kỳ lãi 5,3 tỷ đồng. TSM lỗ 1,7 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi 2,6 tỷ đồng....

'Có thể làm chung cư giá 10 triệu đồng một m2'

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, nếu doanh nghiệp biết tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ tiên tiến thì nhà 10 triệu một m2 hoàn toàn có thể làm được.

Về chất lượng công trình với căn hộ 10 triệu đồng một m2 thì theo ông Võ, đã có quy trình thẩm định của Bộ Xây dựng. "Khi thẩm định sẽ cho ra kết quả ngay, nên tôi nghĩ chủ đầu tư cũng không dám làm bừa đâu. Tôi tin rằng người ta nói 10 triệu một m2 là phải theo đúng tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia đã phê chuẩn", ông Võ nói.

Chuyên gia này cũng tin tưởng rằng xu hướng giảm giá của thị trường vẫn tiếp tục với những dự án mới. “Họ có thể đưa ra mức giá thấp hơn nữa, còn người tiêu dùng cũng lại chờ đợi mức giá thấp hơn. Trong thời gian tới, tôi cho rằng các nhà đầu tư phải quyết định chứ không ai quyết định thay được. Các nhà đầu tư nên tính toán chịu lỗ và tìm cách giải quyết để chúng ta vào 'trận mới' chứ không nên đeo một khối nợ vào tiếp sẽ nặng nề quá”, ông Võ nhận định.

Theo Vnexpress