Ông chủ sở hữu 18 căn nhà rường Việt trị giá hàng trăm tỷ đồng

02/02/2012 07:04
Lê Văn Vĩnh lưu giữ 18 căn nhà trị giá hàng trăm tỷ đồng, đủ kiểu, nhà có tuổi từ 200 đến 300 năm. Và để có một căn nhà rường đúng “chuẩn”, người chơi nhà cổ thường chấp nhận chi vài ba tỷ đồng.
Khi đi thăm khu văn hóa nhà vườn Long Thuận của nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng, ngắm nhìn vẻ đẹp tao nhã của những ngôi nhà đậm chất nông thôn Việt đứng bình yên bên hồ nước, hòa lẫn với bóng dừa, bóng cau, ruộng lúa, không ai không cảm thấy như được về chốn bình yên của quê hương.
Nhà cổ trong Khu văn hóa Nhà vườn Long Thuận.
Nhà cổ trong Khu văn hóa Nhà vườn Long Thuận.
Đơn vị thi công những ngôi nhà Việt mà Sĩ Hoàng “chọn mặt gửi vàng” là thương hiệu Nhà Việt Nam (Vinahouse) của Lê Văn Vĩnh. Đó là một công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sưu tầm và thi công nhà cổ truyền Việt.

Từ khi còn là một chàng trai trẻ, Vĩnh đã suốt ngày đo đạc, ghi chép, chụp ảnh những bộ vì kèo mối mọt trước sân nhà ở thị trấn Vĩnh Điện, Quảng Nam.

Những ngôi nhà ở khắp các vùng nông thôn được bán rẻ bán tháo trong phong trào xây nhà đúc bê tông. Những bộ nhà rường bị vứt ngoài chuồng trâu bò vẫn lấp lánh những đường nét tinh xảo từ bàn tay chạm khắc của người xưa.

Những ngôi nhà xưa cũ ngấm mùi thuốc rê, mùi trầu của người Trung, mùi thuốc lào của người Bắc, những hàng cột cao to phóng khoáng của người Nam - những không gian Sống ấy “kêu cứu”. Và Vĩnh thấy mình phải “ra tay”.
Từ một xưởng sửa chữa nhà, tiến lên một trung tâm trùng tu nhà cổ, đến nay là một công ty hàng đầu về thiết kế thi công nhà cổ truyền Việt, là quá trình lập nghiệp của một người Việt trẻ mê kiến trúc Việt.

Trên con đường rẽ nhánh từ Vĩnh Điện đi Hội An có một khu vườn thấp thoáng mái ngói nâu trầm thu hút sự chú ý của du khách. Đó là nơi Lê Văn Vĩnh lưu giữ 18 căn nhà trị giá hàng trăm tỷ đồng của Công ty Vinahouse.

Nhà có tuổi từ 200 đến 300, đủ kiểu, từ miền Trung, Huế, Bắc bộ cho đến nhà dài Êđê, Bahna ở Tây Nguyên... - những kiến trúc được công nhận có giá trị thẩm mỹ được sưu tầm nguyên bản.

Từ công việc kinh doanh, Vĩnh đã trở thành một chuyên gia về kiến trúc nhà rường, sưu tập 1.000 mẫu vật chi tiết, bộ phận trong một ngôi nhà như vì kèo, rường cột, tấm khảm, bình phong, khung hoa văn chạm lộng, trụ đội quả bí, cửa chạm thượng song hạ bản, rèm chạm lộng của gian thờ, bàn ghế giường tủ của mọi hạng người từ quan quyền cho đến thứ dân... để phục vụ các nhà nghiên cứu, đồng thời thực hiện những nhà cổ mới đúng nguyên bản.

Anh cộng tác với các nhà nghiên cứu dân tộc học gần 10 năm để nghiên cứu từng phong cách chạm trổ khác nhau của các làng mộc nổi tiếng ở miền Trung, và một bộ sách quý về nhà cổ miền Trung đã được xuất bản phục vụ những người yêu thích kiến trúc Việt.

Đa số khách hàng tri ân với nhà Việt sẽ đặt mua những ngôi nhà rường cổ thật sự, những chỗ phục chế cũng sẽ sử dụng nguyên liệu là các loại gỗ lấy từ các nhà cổ hư hỏng để có cùng loại gỗ và niên đại.
Nhưng thú vị là phong cách kiến trúc Việt cũng đã được Vinahouse đưa vào một số công trình dân dụng hiện đại, như nhà ga Suối Mơ ở khu nghỉ mát Bà Nà, siêu thị Bà Nà Hill, các resort ở khu kinh tế Chân Mây, Khu văn hóa Nhà vườn Long Thuận, Ancient Huế, Nhà hàng Phố Trăng (Hội An), Trà Tiên Phong quán (Bảo Lộc, Lâm Đồng), Khu văn hóa Không Gian Xưa ở Đà Nẵng.

Tất cả các công trình này đều là quần thể có quy mô hoành tráng về kiến trúc nhà rường, theo mô hình nguyên bản nhà từng vùng Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, sản phẩm nhà Việt của Vinahouse rải rác khắp cả nước lên đến hàng nghìn cái.

Và để có một căn nhà rường đúng “chuẩn”, người chơi nhà cổ - đa phần là doanh nhân - chấp nhận chi vài ba tỷ đồng.

Có một câu chuyện thú vị khác trên bước đường làm ăn của người chuyên dựng nhà cổ thuần Việt. Một lần, Lê Văn Vĩnh bắt gặp một ngôi nhà có vẻ đẹp tuyệt vời trong tình trạng hư nát. Người chủ muốn bán nó. Và ông Giám đốc Vinahouse muốn mua nó.

Trong quá trình thương thảo, Lê Văn Vĩnh bỗng nhận ra chủ nhà vẫn quá quyến luyến với ngôi nhà rường cổ ấy. Anh bỏ ý định mua nhà và tư vấn một phương án sửa chữa tốt và rẻ nhất cho chủ nhân.

Bây giờ, ngôi nhà vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, với người chủ cũ, trong một ngôi làng cổ rất đẹp ở Quảng Nam. Đấy là cái tình với nghề, “một nguyên tắc cần phải có nếu kinh doanh văn hóa”, Vĩnh nói vậy.

Theo Doanh nhân Sài Gòn