Phát hiện nước khoáng Lavie giả ở Hà Nội

27/12/2015 14:17
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa kiểm tra, phát hiện Công ty Cổ phần Hoàng Sa Việt Nam sản xuất nước khoáng Lavie giả.

Qua theo dõi, khoảng 15 giờ ngày 25/12, Đội Quản lý kinh tế Công an quận Hoàng Mai bắt quả tang Phạm Thanh Bình (SN 1986, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) điều khiển xe máy BKS: 30F6 – 7186 vận chuyển 10 bình nước khoáng thiên nhiên Lavie nghi là hàng giả.

Bình cho biết, đang vận chuyển bình nước khoáng thiên nhiên Lavie của Công ty Cổ phần Hoàng Sa Việt Nam, có trụ sở và xưởng sản xuất tại số 26, ngõ 230 Định Công, P.Định Công, Q.Hoàng Mai do Phạm Kim Thành làm giám đốc.

Rất nhiều bình nước trống đang đợi được “phù phép” để trở thành nước khoáng thiên nhiên Lavie bằng những nhãn mác giả (ảnh VOV).
Rất nhiều bình nước trống đang đợi được “phù phép” để trở thành nước khoáng thiên nhiên Lavie bằng những nhãn mác giả (ảnh VOV).

Từ thông tin trên, Công an đã nhanh chóng khám xét tại xưởng sản xuất nước uống đóng chai của công ty có địa chỉ nêu trên.

Tại đây, Công an phát hiện tại đây rất nhiều nhãn Lavie và màng co nghi là giả bày la liệt. Tang vật thu giữ gần 300 nhãn mác của các thương hiệu nước uống trên.

Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã mời Phạm Kinh Thành; Đoàn Thị Thắm - kế toán; Lương Văn Tiến - nhân viên sản xuất; Lương Mạnh Hùng - nhân viên sản xuất, vận chuyển; Phạm Thanh Bình - nhân viên vận chuyển và Đào Văn Nam - lái xe ô tô cho công ty đến trụ sở Công an làm việc.

Chiều 25/12, tại cơ quan điều tra, Thành khai nhận, tháng 2/2015  anh ta tiếp quản công ty, lợi dụng việc công ty có xưởng sản xuất nước uống đóng chai Aloha và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Lavie với Công ty TNHH Lavie nên đã nghĩ ra cách làm giả nước đóng bình Lavie.

Với thủ đoạn, lấy vỏ bình nước khoáng thiên nhiên Lavie đóng nước vào, sau đó các đối tượng vận chuyển bình đã đóng về nơi ở của Thành và nhân viên để dán Capseal (màng co) và nhãn Lavie lên miệng bình, đưa đi tiêu thụ với giá ngang bằng sản phẩm thật là 55 nghìn đồng/bình.

Để tránh bị phát hiện, đối tượng sản xuất làm nhiều đợt, bán hết lại sản xuất tiếp.

Theo Cơ quan điều tra, các đối tượng lợi dụng việc người tiêu dùng không để ý đã rất tinh vi thay đổi ở nắp bình và ở cổ bình nước khoáng thiên nhiên Lavie.

Vụ việc đang được Cơ quan Công an quận Hoàng Mai điều tra, làm rõ.

Tình trạng nước khoáng Lavie bị làm giả diễn ra phổ biến. Năm 2003, Lavie Việt Nam đã phải đầu tư trên 100.000 USD vào công nghệ sản xuất khuôn mẫu mới để thay đổi toàn bộ mẫu chai do bị hơn 40 sản phẩm nhái nhãn hiệu và kiểu dáng...

Việc xuất hiện hàng giả, hàng nhái đã tạo ra tâm lý e ngại, nghi ngờ, mất lòng tin của khách hàng khi quyết định tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp, vì vậy thiệt hại lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu chính là sự sụt giảm của uy tín thương hiệu.

Năm 2004 Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM từng ký 40 biên bản xử lý cơ sở làm giả nước khoáng Lavie.

Mai Anh (Tổng hợp)