Phí cao tốc Pháp Vân–Cầu Giẽ bằng Nội Bài-Lào Cai: Người dân "gánh nặng"?

30/03/2015 11:25
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên–Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP.Hà Nội, việc thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khiến cước vận tải tăng lên, người dân gánh thêm chi phí.

Sau gần 1 năm thực hiện nâng cấp cải tạo Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ đầu tư dự án cho biết, công ty này đang hoàn thành thiết kế 4 trạm thu phí đặt tại các vị trí: Đại Xuyên, Thường Tín, Vạn Điểm và Km188. Dự kiến việc thu phí sẽ bắt đầu từ ngày 30/6/2015. Mức thu phí sẽ dựa trên mức phí cơ bản là 1.500 đồng/km/phương tiện.

Cụ thể vấn đề thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo đó mức thu cao nhất cho xe tải trên 18 tấn và xe container 40 fit là 180.000 đồng/lượt đi toàn tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại. Trong khi với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng mức thu toàn tuyến là 45.000 đồng/lượt.

Nếu đóng vé theo tháng, theo quý thì mức phí thấp nhất cho toàn tuyến là 1.350.000 đồng/tháng và 3.645.000 đồng/quý cho xe dưới 12 chỗ ngồi. Với xe tải trên 18 tấn và xe container 40 fit mức phí tháng cho toàn tuyến là 5.400.000 đồng/tháng và 14.580.000 đồng/quý.

Thi công cải tạo, nâng cấp đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (ảnh nguồn báo tin tức)
Thi công cải tạo, nâng cấp đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (ảnh nguồn báo tin tức)

Với mức thu phí dự tính được cho là quá cao so với mức đầu tư cải tạo của dự án, tính đến thời điểm thu phí (dự tính 30/6) chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Mức đầu tư cho giai đoạn này là 1.974 tỷ đồng, giai đoạn 1 chỉ cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới; tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m.

Chủ đầu tư của dự án nâng cấp cải tạo đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một liên danh nhà đầu tư gồm 3 doanh nghiệp: Công ty CP đầu tư phát triển Minh Phát - Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1- Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành.

Nói cách khác trong cả giai đoạn 1 phần việc của chủ đầu tư chỉ là cải tạo gia cố nền đường dựa trên nền đường cũ tuy nhiên đã vội thu phí với mức thu không hề nhỏ.

Đánh giá về mức chi phí cho việc nâng cấp sửa chữa đường cao tốc theo ông Nguyễn Sỹ Trung, kỹ sư trưởng Dự án đường Láng - Hòa Lạc: Khác với dự án đường cao tốc mới như Nội Bài – Lào Cai, đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ  được đầu tư xây dựng từ năm 1998 với 4 làn xe, là đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam đầu tiên của cả nước, qua quá trình nhiều năm sử dụng đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp.

Tuy xuống cấp nhưng theo phương án cải tạo trong giai đoạn 1, đơn vị chủ đầu tư chủ chỉ cải tạo nâng cấp phần mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới và tận dụng đường hiện tại. Do vậy chi phí sẽ không lớn như việc xây dựng 1 đoạn cao tốc mới. Mức thu của đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dự tính thu bằng với đoạn cao tốc Nội Bài – Lào Cai với 1.500 đồng/km cho 4 làn xe cơ giới.

Việc thu phí đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ liệu có tác động đến giá cước vận tải trong thời gian tới hay không, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải, cước vận tảicho rằng, cước vận tải tăng do nhiều yếu tố trong đó có yếu tố đầu vào xăng dầu. Với việc thu phí đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, có nghĩa ngành vận tải, doanh nghiệp vận tải phải bỏ thêm chi phí.

“Ngành vận tải không thể bỏ chi phí ra vì vậy phải tăng cước vận tải, người dân phải thêm chi phí”, ông Liên cho biết.

Cũng theo ông Liên, để có tiền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhà nước thực hiện xã hội hóa do vậy việc thu phí đường cao tốc là hợp lý để nhà nước lấy tiền quay vòng trở lại đầu tư. Tuy nhiên mức thu phí ra sao, phù hợp với mức đầu tư hay không thì lại là vấn đề khác.

Mức phí đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), toàn tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 245 km sẽ có 9 trạm thu phí và mức phí được tính theo km đường. Cụ thể đoạn tuyến từ km0-km123 được xây dựng tới 4 làn xe có mức thu là 1.500 đồng/km với xe con, đoạn tuyến từ km123-km245 với 2 làn xe sẽ được thu với mức 1.000 đồng/km đối với xe con. Riêng xe khách, xe tải có mức thu cao hơn tùy theo từng loại phương tiện.

Theo đó, mức phí với xe con thấp nhất là 10.000 đồng với chặng ngắn, cao nhất là 300.000 đồng toàn tuyến. Mức phí cao nhất áp với xe container và xe tải trên 18 tấn là 60.000 đồng với chặng ngắn, và 1,2 triệu đồng với toàn tuyến, tuy nhiên thời gian đi lại sẽ rút ngắn chỉ còn hơn 3 giờ so với 7 giờ đồng hồ nếu đi Quốc lộ 70 như hiện nay.

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai có chiều dài 245 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Trong đó, đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái được xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 kmgiờ và đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 80 km/ giờ. Dự án thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn, gồm 120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi dài 530 m, có 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23 ha.

Mai Anh