Quảng cáo quá sự thật về hồ 13 ha, Tập đoàn Hòa Phát có bị "tuýt còi"?

07/07/2011 00:32
(GDVN) - Theo TS Đinh Thế Hiển, việc Tập đoàn Hòa Phát đã cắt bỏ chi tiết hồ 13 ha trong quảng cáo Mandarin Garden, về pháp lý, có thể sẽ không "tuýt còi" được.

(GDVN) - Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên Gia Tài chính - Đầu tư, việc Tập đoàn Hòa Phát nhanh chóng cắt bỏ chi tiết hồ 13 ha trong quảng cáo bán nhà tại dự án Mandarin Garden, về mặt pháp lý, có thể sẽ không "tuýt còi" được. Tuy nhiên, quan trọng hơn là niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư sẽ ít nhiều lung lay khi quyết định nên hay không nên tiếp tục giao dịch mua bán căn hộ tại Mandarin Garden.

>> Quang Thắng: “Nếu có kiện, thì kiện Hòa Phát chứ!”

>> Quảng cáo bán nhà của Mandarin Garden không còn... hồ 13 ha

Hồ Nhân Chính rộng 8 ha, 10 hay 20 năm nữa mới có?

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về quảng cáo quá sự thật của Tập đoàn Hòa Phát về dự án Mandarin Garden, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên Gia Tài chính - Đầu tư nhận định:  Tập đoàn Hòa Phát tung ra quảng cáo để bán nhà với việc “vẽ” ra cái hồ rộng cũng là một trong nhiều chiêu thức thu hút khách hàng trong điều kiện thị trường bất động sản đang vấp phải nhiều khó khăn.

Theo Tiến sĩ Hiển, điều này cũng dễ hiểu khi hiện nay tình hình bất động sản đang "đóng băng", một số chủ đầu tư muốn bán được hàng phải cố gắng tiếp thị bằng nhiều cách, trong đó có cả hình thức quảng cáo tô hồng không như thực tế của dự án, thậm chí đưa ra những thông tin không có thật để thu hút khách hàng. Do vậy, nhà đầu tư phải rất thận trọng và khảo sát kỹ chứ không nên chỉ dựa vào những quảng cáo từ bên bán.

Việc Mandarin vẽ thêm hồ khi hồ còn trên giấy cũng là một hình thức chiêu thị khách hàng
Theo TS Hiển, việc Tập đoàn Hòa Phát  "vẽ" thêm hồ cho dự án
Mandarin Garden trong khi hồ mới chỉ xuất hiện trên giấy  là một
hình thức chiêu thị khách hàng.


Không chỉ đánh giá riêng quảng cáo về dự án Mandarin Garden, ông Hiển  nhiều dự án bất động sản hiện nay cũng dùng mọi cách để quảng cáo sản phẩm khi chủ đầu tư chỉ cần bán được hàng để đầu tư tiếp.

Trước câu hỏi "Liệu dự án hồ điều hòa Nhân Chính có thể đẩy vị thế của dự án Mandarin Garden lên cao?" của không ít khách hàng và nhà đầu tư đặt ra trong lúc này, ông Hiển phân tích: “Một dự án có vị trí tốt, đặc biệt là tầm nhìn và không gian lân cận, cộng với nhiều tiện ích thì tất nhiên vị thế dự án tăng lên. Tuy nhiên, tính xác thực của dự án là điều cần phải kiểm định, chẳng hạn như cái hồ Nhân Chính chỉ mới có trên lý thuyết thì bao giờ có thật? Thêm nữa, hai dự án này hoàn toàn tách biệt, một bên là dự án của TP.Hà Nội còn dự án Mandarin Garden là của Hòa Phát làm chủ đầu tư. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay biết bao nhiêu cái dự án quy hoạch như Nhân Chính đã hoàn thành, liệu 10 năm hay 20 năm nữa?”

Quảng cáo quá sự thật, Tập đoàn Hòa Phát có bị "tuýt còi"?


Sau khi báo chí phản ánh về quảnquá sự thật tại dự án Mandarin Garden, Tập đoàn Hòa Phát đã “chữa cháy” bằng cách cắt bỏ một đoạn trong quảng cáo. Cụ thể là đoạn nói về 13 ha. Chuyên gia kinh tế khẳng định đó là hành động "nhanh chân" của Hòa Phát

"Đây là cách “chữa cháy” thông dụng của doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực bất động sản, qua đó họ sẽ không bị cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, xét trên góc độ hiệu quả quảng cáo, thì ít nhiều doanh nghiệp cũng đã làm mất niềm tin của công chúng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của dự án cũng như các công việc kinh doanh của doanh nghiệp sau này", Tiến sĩ Hiển khẳng định.

Do vậy bài học quan trọng trong thời đại thông tin và kinh tế thị trường, thì các doanh nghiệp nên xây dựng niềm tin của khách hàng bằng kinh doanh thực chất và đầu tư vào khâu dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng: pháp luật về vấn đề quảng cáo trung thực vẫn còn nhiều điều bất cập. Có quá nhiều văn bản quy định, mỗi văn bản lại đưa ra một thuật ngữ pháp lý thiếu đồng nhất với nhau khiến cho việc áp dụng rất khó khăn. Khái niệm về quảng cáo gian dối và quảng cáo sai sự thật vẫn chưa được làm rõ.

Ở các nước châu Âu, lúc đầu cũng có quy định cấm việc quảng cáo không đúng sự thật, nhưng, sau đó quy định này đã được sửa lại là: cấm quảng cáo với những thông tin, chỉ dẫn gây ngộ nhận. Đây là một trong những nội dung cơ bản của Luật Cạnh tranh. Đến năm 1997, Liên hiệp châu Âu cũng ban hành quy định tương tự (Điều 28 EGV). Vì luật cạnh tranh được xây dựng theo hướng bảo vệ lợi ích toàn xã hội nên bất kỳ công dân nào hay hiệp hội, tổ chức nào cũng có thể khởi kiện để buộc người quảng cáo gây ngộ nhận phải chấm dứt hành vi của mình, kể cả khi hành vi đó chưa gây thiệt hại (chỉ cần có nguy cơ gây ngộ nhận).

Nếu quảng cáo vẫn để nội dung hồ 13 ha coi như là sai sự thật vì theo nhiều phân tích dự án hồ Nhân Chính chỉ có hồ khoảng 8ha theo khoản 2 điều 6 về nội dung quảng cáo (Thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng).

Còn đối với luật của châu Âu thì đây là trái luật vì thứ nhất, quảng cáo Mandarin Garden khiến người mua ngộ nhận rằng cái hồ nước 13ha thuộc dự án này, thứ hai là cái hồ đã có sẵn. Do vậy, nếu với luật của Việt Nam hiện nay thì quảng cáo dự án trên giấy của Mandarin vẫn an toàn sau khi bỏ đi phần hồ 13ha.

Về mặt pháp lý, có thể sẽ không "tuýt còi" được Tập đoàn Hòa Phát sau khi tập đoàn này nhanh chóng "sửa sai" tuy nhiên, quan trọng hơn là niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư sẽ ít nhiều lung lay khi quyết định nên hay không nên tiếp tục giao dịch mua bán căn hộ tại Mandarin Garden.

Lan Chi

>> "Vẽ" hồ nước 8ha thành 13ha, Mandarin Garden mập mờ quảng cáo bán nhà?

>> Rao bán giá gốc, căn hộ ở Mandarin Garden vẫn vắng người mua?