Sáp nhập ngân hàng: "Người ủn vào, kẻ đẩy ra"

02/04/2012 12:05
Đinh Bách/Vnmedia
Điều ai cũng mong đợi, sáp nhập sẽ giúp ngân hàng hùng mạnh hơn, tuy nhiên thực trạng sau sáp nhập ra sao chỉ có trong giới ngân hàng mới rõ bản chất nhất. Và đó chính là điều khiến việc sáp nhập vẫn "người ủn vào, kẻ đẩy ra" như hiện nay.

Mùa đại hội cổ đông rộ tin sáp nhập

Mùa đại hội cổ đông đang diễn ra khá sôi động, trong đó nhiều ngân hàng thương mại đã chuẩn bị sẵn những hoạch định hoành tráng trong năm nay và trong những năm tới. Mua bán, sáp nhập (mergers and acquisitions- M&A) vẫn là chủ đề được hầu hết các ngân hàng đưa ra bàn thảo tại Đại hội đồng cổ đông.
Rộ lên tin đồn ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) có ý đồ tìm cơ hội sáp nhập. Tại Đại hội đồng cổ đông của DongA Bank ngày 30/3 vừa qua thông tin về sáp nhập đã chính thức được đưa ra thảo luận tại đại hội.  Theo DongA Bank, thậm chí đã có tới 2 đối tác là ngân hàng thuộc nhóm 1 và một ngân hàng thuộc nhóm 2 cùng đặt vấn đề hợp nhất.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ vụ tung tin sáp nhập giữa ngân hàng SHB và HabuBank, Hội đồng quản trị của DongA Bank rất thận trong chưa thông tin chính thức mà phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Sau khi Habubank phủ nhận chuyện sáp nhập, lãnh đạo ngân hàng SHB cũng cho biết, SHB vẫn sẵn sàng cho việc mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên việc M&A cần phải có quá trình chứ không thể trong một sớm một chiều được.
Trong khi nhiều ngân hàng sôi sùng sục chuyện M&A thì cũng có những ngân hàng tỏ ý đứng ngoài cuộc.
Cũng cùng ngày 30/3, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB),chuyện mua bán, sáp nhập lại không phải là đề tài nóng được đưa ra tại đại hội.
Chuyện mua bán sáp nhập "nóng" chẳng qua vì lợi ích (ảnh minh họa)
Chuyện mua bán sáp nhập "nóng" chẳng qua vì lợi ích (ảnh minh họa)
Mới đây nhất, ngày 31/3 tại Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng Nam Á, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trong năm 2012 NamA Bank sẽ không lựa chọn hình thức mua bán sáp nhập để phát triển, lý do là vì Nam Á Bank thấy đã đủ tiềm lực.
Cũng là một trong những ngân hàng lớn, Vietinbank quyết dẫn đầu bằng cách tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, thương vụ M&A giữa Vietinbank và một ngân hàng của Canada là Nova Scotia tưởng như nắm chắc phần thắng đã vuột khỏi tầm tay.
Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank cho biết, Vietinbank sẽ tìm đối tác chiến lược nước ngoài khác, để có giá bán tốt hơn so với giá Nova Scotia đã trả.
Trong năm nay, Vietinbank sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư chiến lược nước ngoài. Dự kiến sẽ bán vào khoảng 462,7 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 4.627 tỷ đồng theo mệnh giá.
Tính đến thời điểm này, các cổ đông vẫn hồi hộp chờ đợi diễn biến tiếp theo vụ tin đồn thâu giữa Eximbank và Sacombank. Dự kiện Đại hội đồng cổ đông của Sacombank sẽ diễn ra vào quý II/2012.

Thực trạng sau sáp nhập

Trong năm 2011, trước sức ép về nâng vốn điều lệ và cùng xu hướng cạnh tranh mạnh giữa các ngân hàng trong nước và nước ngoài, nhiều ngân hàng từ lớn đến nhỏ đều chạy đua trong hoạt động mua bán, sáp nhập.
Thương vụ M&A giữa Vietcombank với Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) với khoản đầu tư khoảng 11.800 tỷ đồng (567,3 triệu USD), đã trở thành vụ M&A đình đám nhất tại Việt Nam.
Đã đủ  là “đại gia”, sau vụ M&A này Vietcombank đã trở thành “đại đại gia” trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Trong năm 2011, một số NHTM như  Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), Ngân hàng Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Phương Đông (OCB)… đã chào bán cho cổ đông nước ngoài với tỷ lệ từ 5% đến 20%, một hình thức trong M&A.
Theo tài liệu của Ngân hàng Nhà nước, VIB sau khi chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài là Commonwealth Bank of Australia (CBA) hoạt động của VIB diễn ra khá thuận lợi. Trong cuộc phân nhóm ngân hàng vừa qua ngân hàng này lọt vào nhóm 1 (nhóm có những tiêu chuẩn tốt về năng lực điều hành, tính thanh khoản, nợ xấu,…). SouthernBank, OCB đứng ở nhóm 2 (được giao tăng tưởng tín dụng 15%).
Trở lại vụ hợp nhất cách đây vài tháng giữa 3 ngân hàng là SCB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn), Ficombank (Ngân hàng TMCP Đệ Nhất) và TinNghiaBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2012.  Đây là 3 ngân hàng đầu tiên hợp nhất kể từ khi NHNN công bố chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vào tháng 10 vừa qua.
Tin đồn trước đó khiến các nhà đầu tư lo lắng, nhưng việc hợp nhất này đã đẩy vốn điều lệ của SCB lên 10.584 tỷ đồng (tính đến tháng 9/2011, vốn điều lệ của TinNghiaBank, SCB, Đệ Nhất lần lượt là 3.399 tỷ đồng, 4.185 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng ) và được NHNN đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền hợp pháp và hỗ trợ thanh khoản.
Trong cuộc họp báo Chính phủ gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, giải pháp an toàn được Ngân hàng Nhà nước tính tới đó là dùng nội lực sẵn có trong hệ thống để các ngân hàng có quy mô lớn hơn và tình hình tài chính tốt hơn tham gia vào việc tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ hơn, vừa hiệu quả, tiết kiệm được chi phí, lại tránh gây đổ vỡ. Đây cũng là cách đảm bảo tối đa quyền lợi người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng.
Điều này cho thấy sáp nhập sẽ giúp các ngân hàng hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên theo lời một lãnh đạo ngân hàng, chuyện mua bán sáp nhập “nóng” chẳng qua là dính đến quá nhiều lợi ích nhóm. Nếu loại bỏ được điều này thì câu chuyện M&A sẽ là hiển nhiên và bình thường.

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Đinh Bách/Vnmedia