Sếp Vina Megastar bị bắt: Hiệu ứng DN BĐS đổ vỡ chỉ mới bắt đầu!

02/07/2013 14:35
Hoàng Lực
(GDVN) - "Tôi cho rằng đây là những cú sốc đầu tiên để sắp tới chào đón những cú sốc liên tiếp nữa. Tôi lo sợ nó sẽ trở thành hiện tượng domino với hàng loạt doanh nghiệp sẽ đổ vỡ tiếp theo", ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định sau thông tin Chủ tịch tập đoàn Vina Megastar bị bắt mới đây.
Thông tin ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (chủ đầu tư dự án 409 Lĩnh Nam), đồng thời cũng là chủ tịch tập đoàn Vina Megastar (chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội) bị bắt khiến hàng trăm khách hàng của những dự án này đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền góp vốn hàng trăm tỷ đồng.
Câu chuyện doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án thua lỗ dẫn đến phá sản hoặc dính vào các vấn đề pháp luật không phải bây giờ với xảy ra. Tuy nhiên, trước sự lo lắng của hàng trăm khách hàng về việc doanh nghiệp không thể hoàn thành dự án, chủ doanh nghiệp vướng vào pháp luật thì ai sẽ là người trả quyền lợi cho họ, những người đã góp vốn tại những dự án này? Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: "Tôi cho rằng đây là những cú sốc đầu tiên để sắp tới chào đón những cú sốc liên tiếp nữa. Tôi lo sợ nó sẽ trở thành hiện tượng domino với hàng loạt doanh nghiệp sẽ đổ vỡ tiếp theo",
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: "Tôi cho rằng đây là những cú sốc đầu tiên để sắp tới chào đón những cú sốc liên tiếp nữa. Tôi lo sợ nó sẽ trở thành hiện tượng domino với hàng loạt doanh nghiệp sẽ đổ vỡ tiếp theo",
- Cũng là lãnh đạo một một doanh nghiệp BĐS, chủ đầu tư các dự án lớn hiện nay, ông suy nghĩ thế nào về thông tin ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng bị bắt?Ông Nguyễn Văn Đực: Thật ra mình chưa biết Chủ tịch Vĩnh Hưng bị bắt vì lý do gì. Nếu bị bắt vì lý do bội tín nhận tiền của khách hàng mà chưa đầu tư đúng mức hoặc sản phẩm dang dở hoặc xảy ra việc chủ đầu tư vỡ nợ, kiện tụng hoặc phá sản… thì trước hết khách hàng, người dân là người chịu thiệt nhất. Bởi chắc chắn các doanh nghiệp này đã đem các tài sản đi thế chấp mà về nguyên tắc, tài sản thế chấp thì các ngân hàng giữ và được quyền bán hay phát mại để thu lại số tiền đã bỏ ra như vậy người dân, khách hàng tại các dự án BĐS đó coi như mất trắng. Không chỉ có người dân mà các nhà thầu thi công cũng mất trắng số tiền bỏ ra vào các dự án đó.
Tình hình hiện nay rất nguy hiểm cho chủ đầu tư BĐS. Vừa rồi trong Nam đã xảy ra việc một doanh nghiệp BĐS bị kiện do giao nhà chậm, bây giờ tới việc ngoài Bắc lại xảy ra việc chủ doanh nghiệp bị bắt vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây ra đổ vỡ các dự án... Tôi cho rằng đây là những cú sốc ban đầu, những cú sốc đầu tiên để sắp tới chào đón những cú sốc liên tiếp nữa. Tôi lo sợ nó sẽ trở thành hiện tượng domino với hàng loạt doanh nghiệp sẽ đổ vỡ tiếp theo. Nếu như vậy, tình hình BĐS rất đen tối, mà đen tối thì người dân bị thiệt hại nặng nề nhất. Mỗi người dân mất 5 – 7 trăm triệu thì với hàng trăm, hàng nghìn người dân bị mất tiền tại các dự án BĐS, đây là số tiền rất lớn ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống thậm chí là hạnh phúc gia đình của người đó.- Như ông nói sắp tới thị trường sẽ chào đón nhiều cú sốc với nhiều doanh nghiệp BĐS đổ vỡ, vậy có cách gì có thể cứu doanh nghiệp và người dân, khách hàng tham gia các dự án BĐS lúc này không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đực:
Tình hình đổ vỡ của doanh nghiệp đã được báo động rất dễ xảy ra nhưng rất tiếc không có cách gì để cứu đến khi doanh nghiệp dần dần kiệt sức. Có thể nói cách đây 1 – 2 năm thì tình hình chưa đen tối như hiện nay, nếu lúc đó nhà nước có những biện pháp tích cực tháo gỡ tình hình không đến nỗi tồi tệ như bây giờ.
Còn hiện nay mỗi một năm bào mòn doanh nghiệp bao nhiêu tiền vay ngân hàng trong khi không tiêu thụ được sản phẩm, không thu được tiền của khách hàng mà vẫn phải trả lãi dẫn đến doanh nghiệp dần cạn vốn. Khi doanh nghiệp không còn vốn có hai cách giải quyết một là tuyên bố phá sản hai là doanh nghiệp đi lừa đảo thu tiền của người này nhưng đem đi làm việc khác. Như vậy từ một chỗ không phải là “tội đồ” nhưng lâu dài từ chỗ khó khăn khiến doanh nghiệp làm liều và trở thành người lừa đảo cũng tội cho người ta. Bản thân doanh nghiệp không ai muốn mình trở thành kẻ lừa đảo nhưng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã đưa một số người đến làm liều, gây tội lỗi đến xã hội và đến người dân. Đứng trên góc độ một doanh nghiệp, tôi thấy chuyện này rất đau xót. Đối với góc độ một người đi mua nhà từ các dự án, để đến bây giờ vỡ như vậy chắc chắn họ bị thiệt hại. Một dự án khoanh vùng lại để xử lý 5 – 10 năm biết bao giờ mới hoàn thành và khả năng lấy lại vốn của người dân rất thấp nếu không muốn nói là không thể.- Khi doanh nghiệp BĐS đổ vỡ, thoạt nhìn thì ngân hàng cũng là nạn nhân nhưng trên thực tế thời gian qua nhiều ngân hàng không sát sao trong vấn đề điều tra, quản lý tài sản thế chấp dẫn đến việc cho vay tràn lan dẫn đến nợ xấu, ông nghĩ sao về vai trò của các ngân hàng đối với doanh nghiệp BĐS?Ông Nguyễn Văn Đực: Thưc tế, có một số ngân hàng cho các doanh nghiệp BĐS vay vốn vượt giá trị thực của tài sản thế chấp nhưng phần đông là các ngân hàng cho vay đúng với giá trị thực. Giá trị thực phải hiểu là vào thời điểm cho vay, ví dụ khu đất vào thời điểm cho vay lên tới 500 tỷ thì doanh nghiệp thế chấp vay 300 tỷ nhưng đến giờ khu đất đó chỉ còn có 300 tỷ thậm chí là dưới 300 tỷ thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ buông tay. Tuy nhiên nếu tài sản thế chấp ở đây là các dự án BĐS chỉ là câu chuyện giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ rất dễ giải quyết, cùng lắm là tịch thu. Nhưng khó khăn vướng mắc ở chỗ miếng đất đó đã xây dựng các công trình, xây dựng các dự án lên tới 60% hoặc 70% nó trở thành một sản phẩm sẽ hình thành trong tương lai. Sản phẩm đó gồm những ai đóng góp: Thứ nhất, là doanh nghiệp khi bỏ ra số tiền ban đầu, thứ hai là tiền của ngân hàng cho vay, tiếp theo là tiền của nhà thầu như điện, nước đã bỏ vốn vào đó và thứ tư là nguồn vốn người dân đóng góp vào theo tiến độ thi công theo cam kết với doanh nghiệp. Khi xảy ra vấn đề ngân hàng theo nguyên tắc tịch thu tài sản thế chấp nhưng nếu ngân hàng tùy ý xử lý tài sản này sẽ dẫn đến cảnh người dân kéo đến bao vây dự án kéo theo đó là những vấn đề an ninh trật tự. Còn nếu đưa vấn đề khởi kiện ra tòa sẽ mất một khoảng thời gian dài để xem xét vấn đề xem ai đúng? ai sai? Bây giờ cứu không kịp, về tài chính rõ ràng không thể được việc phải bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ trong lúc kinh tế khó khăn là không thể. - Xin cảm ơn ông!
Theo LS Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, khi xảy ra việc chủ doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp BĐS bị vướng vào các vấn đề pháp luật người dân muốn đòi lại quyền lợi thì phải tùy thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất tình chất cam kết của khách hàng các dự án BĐS và chủ đầu tư, thứ hai là khả năng tài chính thực tế còn lại của doanh nghiệp.

Nếu năng lực tài chính của doanh nghiệp hoàn toàn không còn thì việc người dân muốn lấy lại tiền là rất khó. Bởi nếu chủ đầu tư, doanh nghiệp còn tiền, còn tài sản thì khách hàng còn có thể sử dụng các biện pháp kiện ra tòa đòi quyền lợi.

Riêng với vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng bị bắt vì tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như báo chí đưa thì việc người dân đòi quyền lợi cũng ở tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau, nếu doanh nghiệp mà không còn tiềm lực tài chính thì người dân cũng đành phải chịu mất số tiền đó.
Hoàng Lực