Sông Đà 11 nghi vấn "động cơ không trong sáng" vụ móng cột điện bê tông trộn đất

01/06/2016 14:15
XUÂN QUANG - MINH CHÍ
(GDVN) - Chúng tôi cũng đặt ra nghi vấn, có thể có động cơ không trong sáng trong vụ việc này, nhằm hạ uy tín công ty?”, Lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà 11 nhận định.

Liên quan đến thông tin phản ánh công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình-Nam Định bị tố “móng cột điện làm bằng bê tông trộn đất”, đại diện đơn vị thi công cho biết, sẽ sớm công bố thông tin về kết quả mẫu thử bê tông tại các trụ móng bị tố có gian dối.

Sông Đà 11 nghi vấn "động cơ không trong sáng" vụ móng cột điện bê tông trộn đất ảnh 1

Có bao nhiêu trụ móng cột điện cao thế làm bằng bê tông trộn đất?

"Sau khi nhận được văn bản ngừng thi công tuyến của công trình đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định, chúng tôi đã thông báo tới đội phụ trách công trình. Tuy nhiên, không hiểu sao họ vẫn tiến hành thi công? 

Đến khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, đơn vị đã cử cán bộ xuống hiện trường, kiểm tra cụ thể sự việc.

Còn về phân cấp trách nhiệm quản lý, khi đã giao khoán nhiệm vụ thì đơn vị cơ sở phải tổ chức tuân thủ đúng quy định. Ai làm sai phải chịu trách nhiệm.

Chúng tôi cũng đặt ra nghi vấn, có thể có động cơ không trong sáng trong vụ việc này, nhằm hạ uy tín Công ty?”, ông Phạm Lạp - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 cho biết.

Ông Phạm Lạp, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 (ảnh: MINH CHÍ).
Ông Phạm Lạp, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 (ảnh: MINH CHÍ).

Ông Lạp cũng phủ nhận thông tin đơn vị thi công “làm thay đổi hiện trường”, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra chất lượng công trình.

“Khi có phản ánh về chất lượng công trình, Công ty phải độc lập kiểm soát nội bộ, tức là tự kiểm tra, xem xét sự việc theo phản ánh sự việc đó đúng hay không.

Bước tiếp theo, Công ty đã mời Trung tâm thí nghiệm xây dựng Sông Đà vào cuộc lấy mẫu kiểm tra chất lượng bê tông...

Tất nhiên, việc đào đất tại hiện trường chỉ nhằm mục đích lấy mẫu bê tông bị che khuất dưới phần đất, để kiểm tra, chứ không phải làm thay đổi hiện trường...”, ông Lạp nói.

Công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình-Nam Định đang thi công đào đúc móng cột bị tố có “trụ móng làm bằng bêtông trộn đất”. Ảnh: Thanh Niên.
Công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình-Nam Định đang thi công đào đúc móng cột bị tố có “trụ móng làm bằng bêtông trộn đất”. Ảnh: Thanh Niên.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà 11 tiết lộ thêm, cho đến thời điểm hiện tại, các mẫu bê tông bị tố trộn đất đang được kiểm nghiệm, phân tích và sẽ có thông báo cụ thể tới các cơ quan có liên quan trong thời gian sớm nhất.

“Về công tác thử nghiệm mẫu, kết quả ban đầu cho thấy, một số mẫu bê tông, khoan, lấy tại hiện trường không đạt (cường độ) chất lượng theo quy định.

"Toàn bộ đoạn tuyến G1 - G3 gồm 12 móng đã dừng thi công do ảnh hưởng tới an ninh hàng không. Còn việc phát sinh sau khi đình chỉ thi công, đơn vị chúng tôi không chịu trách nhiệm. Việc nhà thầu thi công làm lỗi thì họ phải chịu. Công trình chưa được nghiệm thu thì sẽ không được thanh toán kinh phí", ông Trầm Quốc Lẫm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ công bố kết quả chính thức về chất lượng thi công công trình tại những vị trí người dân phản ánh”, ông Lạp bật mí.

Cũng theo nguồn tin của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, sau khi sự việc xảy ra, Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã thực hiện kỷ luật các cán bộ có liên quan.

“Từ Giám đốc chi nhánh, tới chỉ huy công trường đều nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo vì không tuân thủ theo quy định thi công.

Ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả chi phí. Ước tính số tiền bỏ ra để thi công trụ móng khoảng 1 tỷ đồng", ông Lạp thông tin.

XUÂN QUANG - MINH CHÍ