Tăng 0,36%, CPI tháng 10 thấp nhất 14 tháng qua

24/10/2011 11:21
Không "ngập ngừng” giảm như những tháng cuối quý 3 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tháng đầu quý 4/2011 hãm phanh mạnh mẽ...
Sau khi Hà Nội và TP.HCM công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng dưới 0,2%, sự lạc quan cũng xuất hiện ở CPI chung cả nước.

So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng nhẹ 0,36%. Đây cũng là mức tăng CPI theo tháng thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Nhìn lại các tháng 10 của khoảng 15 năm gần đây, điểm tích cực là lạm phát đã về gần với mức tăng của các năm ổn định. Tuy nhiên, chia bình quân các tháng, mức tăng của năm nay đang ở khoảng 1,6%/tháng, cao nhất từ trước đến nay. Năm đứng thứ hai là 2008, do 3 tháng cuối năm này chỉ số giá giảm khá lớn nên bình quân cả năm chỉ ở mức 1,54%/tháng.
Giá nhiều loại thực phẩm giảm mạnh, hỗ trợ CPI tháng 10 chỉ tăng thấp.
Giá nhiều loại thực phẩm giảm mạnh, hỗ trợ CPI tháng 10 chỉ tăng thấp.

Mức tăng thấp của CPI tháng này tạo ra hai “lợi thế” ở các mức so sánh khác. Thứ nhất, chỉ số giá so với cuối năm ngoái chỉ điều chỉnh nhẹ từ mức tăng 16,63% trong tháng trước lên 17,05% trong tháng này, cho thấy lạm phát cả năm vẫn còn “cửa” để khống chế ở mức 18% mà Chính phủ đang hướng tới.

Thứ hai, do biên độ tăng chênh lệch lớn với tháng 10 năm ngoái, chỉ số giá so với cùng kỳ tháng này điều chỉnh giảm tốc khá sâu, từ mức 22,42% trong tháng trước về mức 21,59% của tháng này.

Liên quan đến huy động của hệ thống tín dụng, các khoản tiết kiệm mới áp lãi suất khoảng 14% đang ở trạng thái thực dương; những khoản đến hạn với kỳ hạn cho vay 3 đến 6 tháng cũng đang có lợi; tuy nhiên, nếu gửi 1 năm và đến hạn ở thời điểm này thì người gửi chắc chắn “lỗ” về sức mua đồng tiền.

Dù đem lại ít nhiều lạc quan cho tình hình lạm phát hiện nay, nhưng về tổng thể, sự thăng bằng tương đối của mặt bằng giá chung tại thời điểm này vẫn chịu nhiều tác động đan xen.

Ở góc độ chính sách tiền tệ luôn có độ trễ nhất định, diễn biến lạm phát trong tháng này cho thấy những áp lực do cung tiền và tín dụng tăng quá cao so với sản lượng nền kinh tế ở giai đoạn trước, tới thời điểm này dường như đã được hóa giải.

Tăng trưởng GDP có 2 quý liên tiếp được cải thiện so với trước đó. GDP 9 tháng so với cùng kỳ ước tăng khoảng 5,76%, theo Tổng cục Thống kê, cho thấy phía cung vẫn tiếp tục hỗ trợ ổn định giá cả.

Trong khi đó, tham khảo ở phía cầu, tổng phương tiện thanh toán tại thời điểm 23/9 chỉ tăng khoảng 8,87% so với cuối năm ngoái, nhưng so với tháng trước đã giảm 0,86% cũng tiết giảm phần nào chi tiêu.

Tuy nhiên, tín dụng nền kinh tế đang có nhiều đột biến. Tính đến 23/9, tăng trưởng tín dụng dù thấp, mới đạt 8,16% so với cuối năm ngoái, nhưng lại giảm 0,94% so với tháng trước.

Đi cùng diễn biến này, số dư tiền gửi hệ thông ngân hàng cũng giảm mạnh trên 1% trong tháng 9. Ngược lại, tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng lên.

Thiếu thanh khoản cục bộ đã “thổi” lãi suất thị trường liên ngân hàng lên mức khá cao. Lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng tạo thành xu hướng đi lên, từ quanh mức 10,25% cuối tháng 8, đến đầu tháng 9 lên mức khoảng 14% và hiện tại có thời điểm đến 18-20%.

Hỗ trợ thanh khoản tạm thời cho các ngân hàng, thị trường mở đã có hai tháng ghi nhận trạng thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước, trái ngược hoàn toàn với giai đoạn quý 2 và phần lớn quý 3 năm nay.

Trong khi đó, liên quan đến dòng tiền trên thị trường, kênh đầu tư vàng vật chất thời gian qua xuất hiện nhiều đợt sóng lớn đã giúp hút một lượng tiền đồng, giảm áp lực lên thị trường hàng hóa tiêu dùng.

Ngược lại, nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán cuối năm và cho các khoản vay ngân hàng đáo hạn đã đẩy thêm nội tệ vào thị trường hàng hóa. Tỷ giá USD/VND chính thức cũng như trên thị trường tự do đều cho thấy xu hướng đang tăng lên.

Với rất nhiều biến động gần đây, có những phân tích cho rằng, chính sách tiền tệ đã “kẹt cứng” và thiếu dư địa để tăng sức áp đặt lên lạm phát.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm nhìn nhận, với CPI dần về mức ổn định như hiện nay, không cần thêm các chính sách mới, tiếp tục duy trì mục tiêu và giải pháp trước đây cũng đã đủ khống chế giá cả thị trường.

Trở lại diễn biến CPI tháng này, mức tăng thấp trong tháng có đóng góp lớn ở nhóm thực phẩm, giao thông, bưu chính viễn thông và nhà ở, vật liệu xây dựng.

Nhóm giáo dục dù vẫn còn tăng cao nhưng mức tăng đã thấp hơn nhiều tháng trước; lương thực cũng là nhân tố đáng quan tâm nhưng mức tăng tháng này cũng đã hạ nhiệt.

Chỉ số giá vàng tháng 10/2011 đột ngột giảm mạnh tới 4,22% so với tháng trước, trong khi cách đây một tháng còn tăng 13,14%; chỉ số giá USD tiếp tục tăng 0,39%.

Theo VnEconomy