Tăng trần bội chi lên 5,3% đồng nghĩa với... tăng nợ công?

25/10/2013 14:22
Diệu Linh
(GDVN) - Chính phủ đã chính thức đề xuất trước Quốc hội, xin nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3%, với lý do thu ngân sách không đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những cảnh báo, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì việc nâng trần bội chi có thể sinh ra “phản ứng phụ”.

"Tăng bội chi đồng nghĩa với tăng nợ công"

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nhận định: “Tăng bội chi không phải là phép thần để cứu nền kinh tế, phải thận trọng trước lý giải tăng bội chi để đầu tư công nhằm kích cầu, nếu không sẽ tạo thêm nguy hiểm cho nền kinh tế. Khi đầu tư tư nhân, đầu tư nhân dân chưa thể phát triển thì có thể dùng một chút đầu tư công để đẩy lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xi măng, sắt thép có thị trường đầu ra, nhưng đây không phải phương pháp cốt lõi. Tránh lạm dụng mỗi lần thấy kinh tế khó khăn thì lại nới chi tiêu công, tạo việc làm bằng cách đào lỗ này để lấp lỗ kia, lãng phí, không tạo ra sản phẩm, sử dụng đồng vốn kém hiệu quả”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Nguồn ảnh: Internet.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Nguồn ảnh: Internet.

Thêm một vấn đề được đặt ra là tăng bội chi đồng nghĩa với tăng nợ công, mà hiện nay nợ công của Việt Nam đang ở mức cao – đó cũng là một lo lắng cho sức khỏe của nền kinh tế trong tương lai. Theo  ông Bùi Kiến Thành, tăng bội chi là vấn đề không đơn giản, bởi lâu nay bội chi ngân sách thường phải bù đắp bằng nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước.

“Tăng bội chi cũng đồng nghĩa với tăng nợ công, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau. Tại sao bội chi? Hay là tăng chi ngoài kế hoạch? Ngân sách thiếu hụt vậy giảm chi được không? Đó là những câu hỏi chúng ta phải trả lời. Nguyên nhân chính là sự yếu kém trong quản lý Nhà nước, các chính sách điều hành, giám sát hiện nay chưa hợp lý. Bấy lâu nay chúng ta quen bao cấp….động vấn đề là cầu cứu, đề xuất tăng bội chi.

Một vấn đề nữa là chi tiêu công quá lãng phí, cái này ai cũng thấy, đã bao nhiêu năm Chính phủ báo cáo với Quốc hội rồi để đó, không có phương án cũng không quyết tâm xử lý. Chúng ta cứ nói phải thanh tra, kiểm tra, giám định ngay những công trình đang thi công để làm rõ mức nghiêm trọng của sự móc ruột công trình, tiêu cực, lãng phí, mà tiêu điểm trước mắt mọi người dân là những cầu vượt trong các đô thị với giá công trình cao tận mây xanh nhưng thực hiện việc này còn chậm. Tôi cho rằng, chúng ta có luật nhưng chưa thi hành, còn có sự bao che cho nhau”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, việc nên làm lúc này là làm sao để doanh nghiệp hoạt động tốt, ổn định chứ không phải để bị suy thoái, chết hoặc “chết lâm sàng”. Doanh nghiệp hoạt động tốt mới tạo ra nhiều việc làm, đó chính là kích cầu, chứ không phải tăng ngân sách để đầu tư công, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp, không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa qua nhiều lãnh vực kinh tế khác, không tạo ra nhiều sản phẩm xã hội, lại còn bị lãng phí, rút ruột, nhất là trong thời buổi khó khăn này.

“Trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp, Chính phủ phải quản lý bằng cách tiết kiệm chi., phải xem xét giảm các khoản chi không hợp lý, nhất là chi trong bộ máy hành chính; điều chỉnh các chính sách tiền tệ, tài khóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách”, ông Thành chia sẻ.

Nhiều chuyên gia đồng ý với đề xuất nâng trần bội chi của Chính phủ, nhưng cũng đề nghị phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công.
Nhiều chuyên gia đồng ý với đề xuất nâng trần bội chi của Chính phủ, nhưng cũng đề nghị phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công.

Đề nghị công bố công trình sử dụng từ vốn phát hành trái phiếu

Thống nhất với chủ trương chung và đồng ý với đề xuất của Chính phủ, một số đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa nợ công trong thời gian tới, để đảm bảo đầu tư đúng địa chỉ, như vậy sẽ chống thất thoát và lạm phát.

TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh: “Nếu Chính phủ tăng phát hành trái phiếu lên thì cũng phải trình được danh mục các công trình sử dụng trái phiếu bổ sung trong đợt này và phải định rõ ra, thí dụ năm nay tôi cần 3 tỷ cho công trình này, năm sau 7 tỷ, đến hết 2015 công trình sẽ đi vào hoạt động. Như vậy thì chúng ta mới giảm được tất cả các thứ xuống, còn nếu không chỉ thông qua như thế này thì lại tiếp tục bài toán chi tiêu, lại rơi vào vòng xoáy”.

TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Nguồn ảnh: Internet).
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Nguồn ảnh: Internet).

Trong khi đó, bà Ngô Thị Minh - ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng phát hành trái phiếu của Chính phủ là 100 nghìn tỷ, nhưng kế hoạch trả nợ công Chính phủ đưa ra trong báo cáo chưa rõ, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các ĐBQH. Đặc biệt, thông điệp Chính phủ gửi đến về việc thắt chặt chi tiêu để giảm nợ công hiện nay cũng chưa rõ ràng”.

TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, về lâu dài, phải tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào những ngành không cần thiết có vai trò chủ đạo của Nhà nước, như vậy mới giảm dần thâm hụt và tiến tới cân bằng ngân sách.

“Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và thị trường tài chính. Trước khi bỏ một đồng tiền ngân sách để xây đường sá, hạ tầng phải tính được đồng tiền đó tạo ra bao nhiêu lợi ích kinh tế, bao nhiêu việc làm, bao nhiêu thu nhập cho người dân. Những người đang nắm giữ trách nhiệm quản lý đồng tiền của Nhà nước phải ý thức được điều này để sử dụng tiền ngân sách cho hợp lý. Trước khi đưa ra một chương trình tín dụng, Chính phủ phải nghiên cứu cặn kẽ hiệu quả của đồng tiền bỏ ra”, ông Kiêm nói.

Trước đó vào chiều 23/10, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2013 thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Trong số này, thu cân đối ngân sách Trung ương hụt 47.200 tỷ đồng và địa hương hụt 16.430 tỷ đồng. Tình trạng này dẫn tới việc năm nay chênh lệch thu chi ngân sách sẽ là 195.000 tỷ đồng, gây khó khăn cho việc chi tiêu chung của quốc gia.

“Vì vậy, Chính phủ đề xuất với Quốc hội về việc tăng bội chi, theo đó nâng mức bội chi từ 4,8 lên 5,3% GDP. Với mức bội chi này, nợ công dự kiến  56,2% GDP, dư nợ chính phủ là 42,6% GDP và dư nợ quốc gia 39,5% GDP, đây là giới hạn an toàn”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Tại diễn đàn kinh tế mùa thu, TS Phạm Thế Anh - quyền Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân), nhận định: “Nới trần bội chi ngân sách lúc này chỉ là giải pháp tạm thời giúp nền kinh tế bớt khó khăn hơn, về lâu dài khi không còn thuốc kích thích kinh tế sẽ yếu trở lại ngay.  Việt Nam đã phải trả giá đắt để ổn định kinh tế vĩ mô, nay khi chưa hạ thấp được bội chi ngân sách để dần đạt được sự bền vững về tài khoá, các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện chưa đáng kể, thì lại đề xuất nới trần bội chi. Điều này có khiến cho thị trường hiểu rằng đang có sự bất nhất giữa chủ trương và thực thi chính sách của Chính phủ, làm giảm niềm tin của thị trường”.

Diệu Linh