Tháng 1/2013, tài sản các ngân hàng ‘bốc hơi’ trên 100 nghìn tỷ

10/03/2013 07:19
Theo TTVN
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống đã ‘bốc hơi’ trên 102 nghìn tỷ đồng trong tháng đầu năm 2013, mức giảm tương đương 2,01% so với cuối năm 2012, xuống dưới 5 triệu tỷ.
Trong đó, tổng tài sản của các Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) giảm 83.746 tỷ xuống 2.117.914 tỷ đồng, thấp hơn cả tổng tài sản của các ngân hàng thương mại cồ phần (NHTMCP). Cuối năm 2012, tài sản của nhóm NHTMNN cao hơn 42 nghìn tỷ so với của các NHTMCP. Tổng tài sản của nhóm các NHTMCP giảm gần 31,2 nghìn tỷ đồng trong tháng 1, mức giảm tương đương 1,45% so với cuối năm 2012. Trong toàn hệ thống cũng chỉ có hai nhóm ngân hàng trên giảm về tổng tài sản. Tổng tài sản của nhóm Ngân hàng liên doanh, nước ngoài đã tăng thêm gần 12,7 nghìn tỷ trong khi của nhóm công ty tài chính, cho thuê và các tổ chức tín dụng hợp tác tăng tổng cộng hơn 340 tỷ đồng.
Tăng trưởng tổng tài sản của các TCTD trong tháng 1/2013 so với tháng 12/2012
Tăng trưởng tổng tài sản của các TCTD trong tháng 1/2013 so với tháng 12/2012
Vốn điều lệ của hệ thống hầu như ít thay đổi trong tháng đầu năm, ngoại trừ của các NHTMCP tăng thêm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn tự có của các tổ chức tín dụng lại sụt giảm mạnh, trong đó giảm nghiêm trọng nhất ở nhóm NHTMCP. Theo số liệu được NHNN công bố, vốn tự có của nhóm này đã giảm 30,8 nghìn tỷ trong tháng 1, mức giảm tương đương gần 17,4% so với cuối năm 2012, xuống còn 151.337 tỷ đồng. Vốn tự có của các NHTMNN cũng giảm 2.464 tỷ đồng trong cùng thời gian, mức giảm chỉ chiếm 1,8%. Hai nhóm ngân hàng này khiến cho vốn tự có của toàn hệ thống giảm hơn 32 nghìn tỷ đồng, tương đương 7,5% so với cuối năm ngoái.
Tăng trưởng vốn tự có của các TCTD trong tháng 1/2013 so với tháng 12/2012
Tăng trưởng vốn tự có của các TCTD trong tháng 1/2013 so với tháng 12/2012
Vốn tự có của các ngân hàng chiếm tỷ lệ rất nhỏ song lại vô cùng quan trọng. Trong hoạt động kinh doanh, khi rủi ro xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn và nguồn vốn này giúp ngân hàng bù đắp được những thiệt hại đó. Trong những trường hợp hy hữu về khả năng chi trả, vốn tự có sẽ được dùng để chi trả cho khác hàng, bảo vệ khách hàng không bị mất tiền gửi tại nhà băng. Một trong những nguồn giúp vốn tự có tăng trưởng đó là lợi nhuận giữ lại và vốn tự có cũng thường tăng trưởng dương. Việc vốn tự có sụt giảm mạnh như hiện nay tuy nhiên cũng không quá khó hiểu bởi lẽ ngành ngân hàng vừa trải qua một năm 2012 với đầy khó khăn, lợi nhuận toàn ngành giảm một nửa trong khi nhiều ngân hàng kinh doanh thua lỗ.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo TTVN