Tháng 8, CPI tại TP.HCM và Hà Nội “rủ nhau” giảm tốc

22/08/2011 10:15
Theo VnEconomy
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2011 tại TP.HCM tăng thấp nhất trong vòng 12 tháng qua, trong khi đó, tại Hà Nội, CPI tháng 8 cũng giảm tốc.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2011 tại TP.HCM có mức tăng thấp nhất trong vòng 12 tháng qua, khi chỉ tăng 0,68% so với tháng trước. Trong khi đó, tại Hà Nội, CPI tháng 8 cũng giảm tốc.

Dù vẫn tăng ở mức cao nhất trong so sánh với CPI các tháng 8 của 3 năm gần đây, con số 0,68% tạo được đà giảm tốc khá tốt từ mức tăng 1,07% của tháng trước, đồng thời thấp hơn mức tăng 0,97% của tháng 9/2010 là lợi thế rõ rệt cho tháng tới.

Diễn biến tích cực nhất được ghi nhận tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Chỉ số giá nhóm có quyền số cao nhất trong rỏ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong tháng 8 chỉ còn tăng 0,99%, xấp xỉ một nửa mức tăng của tháng trước đó.

Nguồn cung các loại thịt, thủy sản và rau củ quả đã trở lại ổn định hơn tại thị trường Tp.HCM.
Nguồn cung các loại thịt, thủy sản và rau củ quả đã trở lại ổn định hơn tại thị trường Tp.HCM.

Tuy nhiên, ngay trong nhóm này cũng có sự “chia rẽ”. CPI thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình đều tăng ở mức thấp hơn tháng trước, ngược lại lương thực gia tốc với khoảng cách về mức tăng gấp đôi.

Trong khi đó, sau tháng 7 đột ngột đổi chiều tăng tốc và thử thách niềm tin, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 lại giảm tốc tại Hà Nội,

Theo cơ quan thống kê, CPI tháng 8/2011 tại Hà Nội đã tăng 1,06% so với tháng trước, hạ thấp hơn con số 1,32% của tháng 7 trong so sánh tương ứng. Sức tiêu dùng trong “tháng cô hồn” dường như là lực cản với đà giảm tốc CPI tháng này.

Tuy nhiên, điểm tích cực là dù với mức giảm tốc không quá lớn, chưa thấp đến mức kỳ vọng, nhưng nhìn về xu hướng cũng như thực tế con số khớp vào thời điểm được cho là lạm phát sẽ chuyển hướng trong tháng tới, cơ hội thực sự đã xuất hiện.

Ở chiều ngược lại, mức tăng còn cao, CPI tháng này tại Hà Nội vẫn đạt mức đỉnh của các tháng 8 trong vòng 3 năm trở lại đây, đồng thời chưa tạo được lợi thế rõ rệt để CPI tháng 9 “cạnh tranh” với tháng cùng kỳ năm trước, lạm phát đang đòi hỏi thêm thời gian trước khi “thuần phục”.

Nhìn vào các nhóm có tác động mạnh đến CPI trong tháng, thay đổi đáng kể nhất nằm ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với CPI thực phẩm hạ nhiệt chỉ còn tăng 2,51%, kéo theo ăn uống ngoài gia đình còn tăng 1,75% so với tháng trước.

Chỉ duy nhất CPI lương thực tiếp tục giảm 0,69% là không đủ lực hãm cho một cú lội ngược dòng của CPI Hà Nội như chờ đợi lâu nay. Nhưng nếu xu hướng giá cả này còn tiếp diễn thì viễn cảnh ổn định sẽ dần được củng cố trong các tháng tới.

Với những gì CPI tại Hà Nội và TP.HCM thể hiện trong tháng 8, các nhân tố xăng dầu, điện, nước đã không còn là mối đe dọa tới sự ổn định của mặt bằng giá chung; lương thực và thực phẩm cũng thay đổi tích cực dù còn tồn tại những yếu tố khó lường trong các tháng mưa bão sắp tới.

Đến lúc này, khả năng mức tăng chỉ số giá tháng 8 của cả nước ở mức thấp hơn tháng trước, khoảng 0,7% đến dưới 1%, đang dần hiện thực. Đi cùng xu hướng giảm tốc của chỉ số giá theo tháng là khả năng đảo chiều của CPI so với cùng kỳ, có thể bắt đầu từ tháng tới?

Theo VnEconomy