Thanh tra 2.421 doanh nghiệp nghi chuyển giá, truy thu hơn 500 tỷ đồng

31/12/2015 10:13
Mai Anh
(GDVN) - Năm 2015 qua thanh tra, kiểm tra 2.421 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá cơ quan chức năng truy hoàn và phạt 500 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 được Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 30/12, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Trong năm 2015, toàn ngành Tài chính đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2015 (ảnh Bộ Tài chính).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2015 (ảnh Bộ Tài chính).

Cụ thể, tính đến ngày 28/12, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội.

Trong đó, thu nội địa đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán và số báo cáo Quốc hội.

Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ Tài chính vẫn quyết liệt chỉ đạo thu ngân sách nhà nước để hoàn thành đến mức cao nhất thu ngân sách trung ương, hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoản 10 nghìn tỷ đồng thu thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương năm 2015.

Cũng theo báo cáo ngành tài chính, sau thanh tra các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan chức năng đã thực hiện giảm lỗ trên 4.400 tỷ đồng, truy hoàn và phạt trên 500 tỷ đồng.

Tổng quan hơn về công tác thanh kiểm tra, thống kê của Bộ Tài chính ​cho thấy, tính đến tháng 12/2015, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 68.000 doanh nghiệp, bằng 108,5% cùng kỳ năm 2014.

Kết quả cho thấy, tổng số thuế tăng thu qua công tác này là trên 10.200 tỷ đồng, bằng 97% cùng kỳ năm 2014. Số tiền thuế nộp vào ngân sách là gần 7.000 tỷ đồng, bằng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong khoảng thời gian từ đầu năm tới tháng 12/2015, ​cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan công an trên 1.600 hồ sơ. Đây là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, dấu hiệu trốn thuế; đề nghị phối hợp đôn đốc nợ đọng thuế; có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế; tăng cường xử lý các đơn vị sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...

Về giải pháp trong thời gian tới, đại diện ngành tài chính cho hay, cơ quan này sẽ đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin về người nộp thuế.

Trước đó, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến thông tin nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong thời gian dài nhưng liên tục báo lỗ nên không đóng thuế thu nhậpp doanh nghiệp.

Điển hình như Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam - đơn vị bị Cục Thuế TP.HCM xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm.

Theo các số liệu từng công bố, từ khi được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/1994, lũy kế tới thời điểm cuối năm 2010, Coca Cola Việt Nam lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu hơn 800 tỷ đồng.

Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng và tiếp tục báo lỗ trong năm 2012. Nguyên nhân thua lỗ được phía Coca Cola đưa ra là do chi phí nguyên phụ liệu nhập từ công ty mẹ có giá rất cao, chiếm tới 70-85% giá vốn.

Từ năm 2013, sau "lùm ùm" câu chuyện chuyển giá và trước làn sóng bức xúc, tẩy chay của dư luận, Coca Cola Việt Nam bắt đầu kê khai lãi. Cụ thể năm 2013, Coca Cola Việt Nam lãi 150 tỉ đồng và tiếp tục lãi 350 tỉ đồng trong năm 2014.

Tuy nhiên, do doanh nghiệp được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến nay Coca Cola Việt Nam vẫn chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Trong báo cáo hoạt động năm 2014 Coca Cola Việt Nam gửi Chủ tịch UBND TPH.CM cho biết, năm 2014 công ty này đóng 20 triệu USD các loại thuế tại Việt Nam.

Dù liên tiếp báo lỗ nhưng Coca Cola vẫn rất lạc quan ở thị trường Việt Nam. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD đầu vào Việt Nam. Tháng 6/2014, Coca Cola Việt Nam triển khai gói đầu tư này, chính thức cho khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới.

Đầu tháng 12/2015, bà Lê Thị Thu Hương - Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết: Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản đề xuất Tổng cục Thuế đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2016 đối với Coca Cola Việt Nam, trong đó có nội dung tranh tra hoạt động chuyển giá của công ty này.

Mai Anh