Thị trường bán lẻ tiếp tục “phất” trong năm 2011

22/04/2011 22:14
Theo các chuyên gia dự báo, năm 2011 sẽ tiếp tục là một năm “phất lên” của thị trường bán lẻ.

Theo các chuyên gia dự báo, năm 2011 sẽ tiếp tục là một năm “phất lên” của thị trường bán lẻ. Giá thuê tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Các trung tâm thương mại mới ngoài khu vực trung tâm thành phố sẽ giúp hình thành nên diện mạo mới của thị trường kinh doanh mặt bằng bán lẻ tại các khu vực tiềm năng này. Theo đó, nhiều thương hiệu và dịch vụ được dự đoán sẽ xuất hiện, khiến cho người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.
 
Khan hiếm mặt bằng

Xu hướng mua sắm tất yếu phát triển của người tiêu dùng ở các đô thị lớn là vào các trung tâm thương mại cao cấp – “lãnh thổ” của các thương hiệu, nhãn hàng tên tuổi và đẳng cấp. Theo ông Mark Farquha, Giám đốc kinh doanh của Savills Việt Nam, điều này càng rõ ràng hơn tại những thị trường mà dân số trẻ chiếm phần lớn như ở Việt Nam. Ông đã từng không ngần ngại đưa ra nhận xét “người tiêu dùng Việt Nam rất hào hứng với hàng hóa đẳng cấp quốc tế. Họ đòi hỏi phải có các trung tâm mua sắm hiện đại như ở các quốc gia phát triển”.

 

Nhiều nhà phát triển dự án bất động sản nóng lòng khai thác nhu cầu thị trường đã có cách nhìn nhận giống với ông Farquha, đó là công nghệ bán lẻ trong nước cần được phát triển nhanh hơn để giữ chân những khách hàng nội địa, thay vì để họ sử dụng một khoản tiền lớn cho nhu cầu “shopping” tại Thái Lan hay Singapore, đặc biệt là trong thời điểm giá tour du lịch rẻ như hiện nay.


Theo thống kê của công ty CBRE Việt Nam, đến quý II/2010, khu vực nội đô Hà Nội vẫn khan hiếm mặt bằng bán lẻ với tỷ lệ trống 0%. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội hiện nay khoảng gần 60.000m2 sàn. Tỷ lệ trống khu vực trung tâm 0% và khu vực ngoài trung tâm 20%, giảm 10% so với quý trước (do sự xuất hiện của hệ thống siêu thị Saigon Co.opmart).

 

Hiện tại, trên thị trường đang duy trì các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa, siêu thị, trung tâm bán sỉ và lẻ, cung cấp khoảng 378.000m2 mặt bằng, chiếm khoảng 1,3% so với quý I/2010. Dự báo, trong vòng 3 năm tới, sẽ có thêm một khối lượng tương đương 500.000m2 mặt bằng bán lẻ được cung ứng trên thị trường. Nguồn cung này là từ những các trung tâm thương mại đang được triển khai xây dựng như: Lotte Centre Hanoi (quận Ba Đình), Vincom Mega Mall – Times City (quận Hai Bà Trưng), Indochina Plaza Hanoi (quận Cầu Giấy), Vincom Mega Mall - Royal City (quận Thanh Xuân), Keangnam Hanoi Landmark Tower (huyện Từ Liêm), Vincom Center Long Biên (quận Long Biên), Usilk City (quận Hà Đông)…
 
Chiến lược đúng đắn
 
“Với nhu cầu ngày càng tăng và sự phát triển của các khu đô thị, TTTM qui mô lớn được cho là sẽ trở thành một mô hình bán lẻ phổ biến trong tương lai. Dù nhu cầu và triển vọng cao nhưng chưa thấy nhiều TTTM, đại siêu thị được mở ra do thiếu mặt bằng chất lượng cao,” ông Richard Leech, Giám đốc điều hành công ty CBRE Việt Nam khẳng định.

 

Do đó, từ đầu năm đến nay không có thêm TTTM mới nào đi vào hoạt động nhưng thị trường vẫn chứng kiến khá nhiều chuyển biến sôi động. Phần diện tích cho thuê dài hạn tại TTTM Hàng Da Galleria đã được thuê hết, chủ đầu tư đang triển khai cho thuê ngắn hạn. Trong khu vực trung tâm thành phố, các trung tâm thương mại không còn diện tích trống.

Đứng trước tiềm năng phát triển mạnh mẽ này và sự biến chuyển mới trong tư duy mua sắm của người dân; đồng thời, sau một thời gian đầu tư nghiên cứu, khảo sát thị trường, xây dựng các mô hình phát triểnvào cuối tháng 3 vừa qua, nhằm phát triển mạnh mẽ hệ thống mặt bằng bán lẻ trên toàn quốc, Công ty CP Vincom đã chính thức đưa ra chiến lược phát triển trong vòng 5 năm tới, với dự định sẽ phát triển khoảng 10 TTTM lớn, với tổng diện tích khoảng hơn 1 triệu m2, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 

Đây sẽ là chuỗi TTTM lớn và đẳng cấp nhất Việt Nam; đồng thời nằm trong top dẫn đầu về TTTM trong khu vực… và cũng được xem là một bước đột phá mới, được đánh giá là sẽ làm thay đổi diện mạo lĩnh vực kinh doanh mặt bằng bán lẻ Việt Nam nói riêng cũng như lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao cấp nói chung.

Dự tính đến năm 2011, Hà Nội sẽ đón nhận hơn 400.000m2 diện tích bán lẻ của các dự án đang được triển khai trên địa bàn, trong đó có các dự án của tập đoàn Keangnam, Charmvit, Coralis, Gamuda, Citra Westlake, IndochinaLand, Savico…

Theo Dân trí