Thịt lợn tai xanh chế thành chả, ruốc và tuồn về Hà Nội?

27/05/2011 00:00
(GDVN) – Một số người dân ở Bắc Ninh tiếc lợn bệnh nên tự giết mổ đem ra Hà Nội bán cho những “bàn thịt” ở khu vực Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội...

(GDVN) – “Một số người dân vì thấy lợi nên tự giết mổ rồi đem ra Hà Nội bán cho những “bàn thịt” ngoài chợ. Địa điểm mà những người trong làng tôi hay đem thịt lợn dịch ra bán là khu vực Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Họ đi vào ban đêm nên chẳng ai biết, đến sáng khoảng 9 giờ đã thấy họ hớn hở trở về nhà, tải thịt lợn được tiêu thụ hết veo”, một người dân ở thôn Tam Á (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết.

>> Bơm nước, tiêm thuốc an thần để “lên đời” thịt lợn

>> Cận cảnh quy trình "hô biến" thịt lợn thành thịt bò

>> 16 tấn “thịt bò” có thể gây chết người bị tung ra thị trường

>> Chất phụ gia "biến” thịt lợn thành thịt bò đã có ở VN?

Dịch lợn tai xanh đang lây lan mạnh tại một số tỉnh miền Bắc. Thay vì đối phó với dịch bệnh thì tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang xuất hiện tình trạng tiêu thụ thịt lợn mắc bệnh tai xanh vào thị trường.

Tấp nập lái buôn mua thịt lợn mắc bệnh tai xanh

Theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh từ ngày 8/4/2011, xuất hiện một số ổ bệnh tai xanh tại các huyện Thuận Thành, Lương Tài. Hiện dịch đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra diện rộng.

Thị trường thịt lợn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã "nguội lạnh" hẳn, một số người bán thịt lợn chuyển qua bán thịt bò, còn người tiêu dùng ở gần ổ dịch thì quyết liệt nói "không" với thịt lợn.

Trong khi đó, giá lợn tại các vùng dịch lại đang rất rẻ nên các thương lái tìm mọi cách để mua đưa đi các nơi khác tiêu thụ bất chấp lệnh cấm. Mới đây một số người dân tại xã Thanh Khương và xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh - 2 địa phương bị dịch lợn tai xanh nặng nhất – phản ánh: đã có một số kẻ xấu lợi dụng đêm tối đào lợn chết vừa chôn dưới hố lên lấy thịt làm giò, chả hoặc sấy khô làm ruốc để vận chuyển đi nơi khác.

dfv
Lợn chết hàng loạt do dịch bệnh tai xanh ở Bắc Ninh.

Ông Hoàng Văn Biển – Thôn Gia Tự, xã Thanh Khương, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết: “Cách đây gần 1 tháng, thôn tôi bắt đầu xuất hiện lợn bị bệnh tai xanh, rồi lan nhanh ra toàn thôn, nhà nào cũng có lợn mắc bệnh và chết, có nhà làm trang trại, nuôi gần trăm con lợn mà chúng ngắc ngoải, chết hết trong vòng 1 ngày, bà con ai cũng tiếc của, chưa biết giải quyết số lợn này như thế nào thì ngay sau đó, thương lái từ nơi khác xuất hiện nườm nượp về thu mua với giá còn rẻ hơn mua mớ rau ngoài chợ.

Nếu lợn mới mắc bệnh, vẫn còn khỏe giá 10 nghìn đồng/kg thịt hơi, với những con lợn mới chết hoặc sắp chết họ mua theo ước lượng: con nhỏ từ 10-20kg giá… 10 nghìn đồng/con, con to trên 20kg… 30 nghìn/con. Bà con chúng tôi kháo nhau, chắc họ mua về làm giò chả để…bán dần”. Nghe ông Biển kể mà tôi không khỏi rùng mình, sởn gai ốc.

Bà Nguyễn Thị Lan, thôn Gia Tự cho biết thêm: “Mấy chiếc xe thu mua lợn mắc bệnh đó thường đến vào buổi sáng tinh mơ hoặc chiều tối. Nhà tôi có 13 con lợn khoảng 20kg/con mắc bệnh, đem bán cho họ cũng mua được mớ cá về cho một bữa ăn. Bán đi đỡ phải mất công đem chôn. Mấy hôm đó, làng tôi tấp nập những tiếng gọi nhau í ới đi bán lợn bị bệnh tai xanh chết. Giờ chính quyền cấm rồi nên không thấy họ đến thu mua nữa. Lợn chết vì mắc bệnh bà con đem ra vứt chất thành đống ngoài nghĩa địa”.

Thịt lợn bệnh đã chôn vẫn bị lấy cắp

Theo chỉ dẫn của một số bà con, chúng tôi tìm đường ra nghĩa địa thôn Tam Á, xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh. Vừa ra đến nơi, ai cũng phải đeo khẩu trang vì không chịu được mùi sú uế bốc ra từ những bao tải chứa những con lợn chết đang thời kì phân hủy. Những hố chôn người đã bốc mộ nay thành nơi vứt xác lợn chết.

Ông Ngô Văn Dung, trưởng thôn Tam Á cho biết: "Nhiều hôm tôi ra nghĩa địa “thị sát”, chiều hôm trước có vài cái huyệt chứa đầy lợn chết, sáng sớm hôm chỉ thấy trên cát còn... cái bao tải đựng lợn. Xác lợn đã bị ai đào trộm, mang đi rồi…".
Ông Ngô Văn Dung, trưởng thôn Tam Á cho biết: "Nhiều hôm tôi ra
nghĩa địa “thị sát”, chiều hôm trước có vài cái huyệt chứa đầy lợn
chết, sáng sớm hôm chỉ thấy trên cát còn... cái bao tải đựng lợn.
Xác lợn đã bị ai đào trộm, mang đi rồi…".

Ông Ngô Văn Dung, trưởng thôn Tam Á lắc đầu: “Dân chúng tôi cơm áo, học hành đều trông vào chăn nuôi, nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn. Dịch lợn tai xanh bùng phát làm cả thôn điêu đứng. Chúng tôi đã gọi loa kêu gọi các gia đình có lợn mắc bệnh, lợn chết phải đào hố có rắc vôi bột chôn để tránh dịch lây lan sang những con lợn còn khỏe. Chúng tôi cũng cho tổ bảo vệ của thôn thường xuyên ra đồng kiểm tra để tránh tình trạng bà con lợi dụng đêm tối đem lợn chết vứt lung tung, nhưng không ngờ họ lại rủ nhau đem ra nghĩa địa vứt xuống hố chôn người”.

Ông Dung nói thêm: "Nhiều hôm tôi ra nghĩa địa “thị sát”, nếu thấy bà con nào đem lợn ra vứt thì yêu cầu không họ được vứt lợn lung tung làm dịch lây lan, lạ thay chiều hôm trước có vài cái huyệt chứa đầy lợn chết, sáng sớm hôm chỉ thấy trên cát còn... cái bao tải đựng lợn. Xác lợn đã bị ai đào trộm, mang đi rồi…".

Bà Nguyễn Thị Liễu, người dân ở thôn Tam Á,  "cấp" thêm thông tin: “Trong huyện có một số lò mổ chuyên làm giò, chả, ruốc,.. họ cho quân đi xe máy khắp hang cùng ngõ hẻm thu mua thịt lợn mắc bệnh. Cứ ban ngày thì họ tỏa ra, đi tìm nhà nào có lợn dịch ngã giá, đêm xuống thì đến hành sự. Mua chỉ mấy chục nghìn một con lợn hàng mấy tạ về, chúng tôi đoán chắc họ chế biến, “để giành” đến khi hết dịch đem ra bán, kiếm lãi… Cũng có một số người dân vì thấy lợi nên tự giết mổ rồi đem ra Hà Nội bán cho những “bàn thịt” ngoài chợ. Địa điểm mà những người trong làng tôi hay đem thịt lợn dịch ra bán là khu vực Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Họ đi vào ban đêm nên chẳng ai biết, đến sáng khoảng 9 giờ đã thấy họ hớn hở trở về nhà, tải thịt lợn được tiêu thụ hết veo”.

Chiều 24/5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết dịch lợn tai xanh đã lan rộng ra 13 tỉnh thành trên cả nước nếu không ngăn chặn kịp thời, nguy cơ xảy ra đợt dịch mới ở đồng bằng sông Hồng.

Ông Thành lưu ý các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương cần tập trung bao vây, xử lý gọn các ổ dịch, tạm thời cấm vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra khỏi địa bàn các huyện có dịch đến khi hết dịch; giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho chính quyền xã, nhân viên thú y.

Theo Cục Thú y, do thời tiết biến đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của gia cầm, nhiều đàn đã hết thời gian miễn dịch nên nguy cơ dịch xuất hiện trong giai đoạn này cũng rất cao.

Ông Thành nói: “Do virus cúm gia cầm đã có nhiều biến đổi, nên vắc xin đang dùng có hiệu quả không cao, đặc biệt, việc tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm nay có thể dừng lại. Trước mắt, 50 triệu liều vắc xin dự trữ quốc gia đang được điều phối cho các tỉnh phía Nam (còn hiệu quả với nhánh 1 của virus đang lưu hành), và dự trữ để tiêm bao vây ổ dịch trong trường hợp khẩn cấp”.

Thanh Nguyên

>> Bơm nước, tiêm thuốc an thần để “lên đời” thịt lợn

>> Cận cảnh quy trình "hô biến" thịt lợn thành thịt bò

>> 16 tấn “thịt bò” có thể gây chết người bị tung ra thị trường

>> Chất phụ gia "biến” thịt lợn thành thịt bò đã có ở VN?