Thống đốc NHNN khuyến khích dân tố giác ngân hàng vi phạm

12/01/2012 11:03
N.H
(GDVN) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khuyến khích: Bất kể người dân nào nếu phát hiện được các vi phạm thì báo ngay cho chúng tôi để xử lý.

Năm 2012: Quyết liệt thanh kiểm tra ngân hàng 


Trong buổi giao lưu trực tuyến với cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình một lần nữa thừa nhận các hành vi vi phạm trần lãi suất đã diễn ra hết sức phổ biến trong thời gian qua – Trách nhiệm này do sự yếu kém trong công tác thanh tra giám sát và xử lý của NHNN.

Thống đốc cho biết: Sau phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 7/9/2011, NHNN đã xử lý quyết liệt hơn với nhiều giải pháp khác nhau, cũng đã xử lý được một số trường hợp. Tuy nhiên, thông tin phản ánh từ nhiều nguồn khác nhau, đến nay, việc vi phạm trần lãi suất lại bắt đầu rộ lên.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hi vọng: Năm 2012, công tác thanh kiểm tra ngân hàng sẽ được làm kiên quyết, chặt chẽ và triệt để hơn. (Ảnh Chinhphu.vn)
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hi vọng: Năm 2012, công tác thanh kiểm tra ngân hàng sẽ được làm kiên quyết, chặt chẽ và triệt để hơn. (Ảnh Chinhphu.vn)
Độc giả Thảo Nguyên ở TPHCM bức xúc: “Ngân hàng SCB sau hợp nhất vẫn huy động vàng với lãi suất cao, vẫn thỏa thuận lãi suất với khách hàng, chứng tỏ vấn đề thanh khoản vẫn chưa giải quyết được. Vậy vai trò của NHNN ở đâu. Vì sao NHNN không cử đại diện tham gia vào HĐQT để chấn chỉnh hoạt động của ngân hàng”.

Trước băn khoăn này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Mọi hành vi vi phạm các quy định của NHNN, trong đó có quy định về trần lãi suất đều vi phạm pháp luật và là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. “Nếu bạn có bằng chứng hết sức cụ thể về việc vi phạm, rất mong bạn gửi các bằng chứng này tới NHNN để xử lý nghiêm”- ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

“Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng chương trình thanh tra của NHNN trong đó, một trong những nội dung hết sức quan trọng ngoài việc đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng còn có nội dung rất quan trọng là chống cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là cạnh tranh bằng lãi suất” – Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, NHNN cũng cùng lực lượng Công an đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm. “Rất mong người dân, các khán thính giả, các độc giả nếu phát hiện được các hành vi vi phạm thì báo ngay cho chúng tôi để xử lý… Chúng tôi hết sức quan tâm và đánh giá cao ý thức công dân của người đó” – ông Bình bày tỏ.

“Tôi cũng xin nói thêm là nếu tổ chức tín dụng vi phạm, người dân mà tham gia, thì đó cũng là những tòng phạm, và theo pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm. Do đó, chúng tôi đề nghị người dân không tiếp tay với những vi phạm này”.

Về trường hợp của SCB, ông cho biết: SCB sau hợp nhất đã chuyển biến tích cực. Nếu như trước hợp nhất, tại 3 tổ chức, người dân đều đến rút tiền rất nhiều, luồng tiền vào nhỏ hơn luồng tiền ra. Để đảm bảo khả năng thanh khoản và chi trả cho người dân, cả 3 đều phải vay tái cấp vốn của NHNN.

Đến nay, dòng tiền đã cơ bản cân bằng, luồng tiền vào đã có lúc cao hơn luồng tiền ra. Như vậy, đã có điều kiện để SCB ổn định trở lại. Hiện SCB đã có nhiều giải pháp như phối hợp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để đầu tư vào các dự án họ đã cho vay trước đây để tạo thanh khoản cho hệ thống.

Hạ lãi suất:Không dễ!

Có thể nói, nhu cầu giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng là thiết thực, chính đáng đối với người sản xuất. Vừa qua, Thủ tướng đã đề nghị ngành ngân hàng tập trung giảm lãi suất cho vay và cho rằng hoàn toàn có thể đưa lãi suất về mức hợp lý với lạm phát bằng cơ chế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính.

Tuy nhiên, trong buổi giao lưu trực tuyến vào sáng nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lại cho rằng: “Có hạ được lãi suất hay không còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện”.
Thống đốc NHNN giao lưu trực tuyến, trả lời những thắc mắc, bức xúc của người dân. (Ảnh: chinhphu.vn).
Thống đốc NHNN giao lưu trực tuyến, trả lời những thắc mắc, bức xúc của người dân. (Ảnh: chinhphu.vn).

Thống đốc Bình đưa ra các lý do:

Thứ nhất, lạm phát năm qua mặc dù kiềm chế được, từ tháng 8 trở lại đây, chỉ số CPI qua các tháng, có tốc độ tăng giảm so với các tháng trước, nhưng vẫn là tăng, ít nhất là 0,3%, nhiều thì xấp xỉ 1%. Lạm phát có tăng nhưng tốc độ tăng chậm đi vào những tháng cuối năm.

Cả năm vừa qua, lạm phát vẫn ở mức 18,5%, đối với chúng ta là cố gắng lớn, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như so với thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều nước thì đây là mức lạm phát quá cao.

Thống đốc cho rằng: Tốc độ tăng lạm phát trong những tháng cuối năm giảm xuống cũng tạo ra kỳ vọng, tiền đề để hệ thống ngân hàng có thể giảm được lãi suất. Tuy nhiên đây mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Trong khi đó, chúng ta cũng thấy rằng vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang là vấn đề hết sức quan trọng và nhức nhối.

Hơn nữa, trong nhiều năm qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH rất lớn, trong 10 năm vừa qua tốc độ tăng trưởng trung bình 29,4%/năm. Trong 5 vừa qua là 33%/năm, trong khi đó phần lớn nguồn vốn huy động được là nguồn vốn ngắn hạn, còn các tổ chức tín dụng lại sử dụng một tỷ lệ rất lớn cho vay trung và dài hạn.

Theo quy định của NHNN, tỷ lệ này chỉ ở mức 30%, nhưng trên thực tế các tổ chức tín dụng đã vượt con số này từ lâu. Có tổ chức lên tới 60-70%, có tổ chức đến cả 100%. Điều đó thể hiện, vốn thì ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn, đến khi thắt chặt lại chính sách tiền tệ để chống lạm phát như năm vừa qua, lập tức các tổ chức này khó khăn về thanh khoản.

Do vậy, cuối năm vừa rồi lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu về vốn của hệ thống ngân hàng cho bản thân hệ thống ngân hàng để đảm bảo thanh khoản cũng còn rất lớn. Trong bối cảnh đó, chưa có điều kiện giảm ngay lãi suất trong giai đoạn hiện nay.
N.H