Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: “Đầu tư nhà giá 20 triệu/m2 vẫn thắng lớn"

26/07/2011 02:51
(GDVN) - Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: "Năm nay, nếu doanh nghiệp nào tập trung làm nhà có giá trung bình, khoảng 20 triệu đồng/m2 chắc chắn sẽ thắng lớn".

(GDVN) - Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: “Tâm lý người Việt, ai cũng mong có một chỗ ở, nên trong tương lai, thị trường bất động sản vẫn là một thị trường sôi động. Đặc biệt, trong năm nay, nếu doanh nghiệp nào tập trung làm nhà có giá trung bình, khoảng 20 triệu đồng/m2 thì chắc chắn sẽ thắng lớn”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Ảnh: Đ.T

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần 
Nam.
Ảnh: Đ.T

- Thưa ông, từ thực tế giới đầu tư đang khát vốn như hiện nay cho thấy, chủ trương thắt chặt tín dụng BĐS của Chính phủ đã đạt được mục đích. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Đúng là sau thời gian các ngân hàng thương mại áp dụng thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều dự án bị đình lại do thiếu vốn, thanh khoản trên thị trường giảm sút rõ rệt.

Tuy nhiên tôi không tán thành thuật ngữ coi bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất. Nếu coi thị trường bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay toàn bộ hoạt động của lĩnh vực này một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt sẽ gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống tài chính ngân hàng.

 - Có phải vì những lý do này mà mới đây Bộ Xây dựng đề xuất lên chính phủ các giải pháp nhằm "giải cứu" thị trường bất động sản, thưa ông?


Đây không phải là giải cứu. Bộ chỉ đề xuất chuyển dịch cơ cấu cho vay đối với các khoản mục bất động sản bởi trong lĩnh vực này có rất nhiều thành phần cho vay khác nhau. Đề xuất ở đây chỉ là chuyển đổi từ cái này sang cái kia cho linh hoạt, cơ cấu lại tỷ trọng tín dụng các thành phần bất động sản cho đúng hướng và phù hợp với thực tiễn.

Bộ đã báo cáo chi tiết đề xuất trên trình Thường trực Chính phủ tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 và đề xuất có được thông qua hay không còn phải đợi kết luận của Thủ tướng.

 - Nếu không có biện pháp tức thời, nhiều người e rằng khả năng bị vỡ bong bóng BĐS là có thật, vậy cần làm gì để thị trường BĐS "ấm" trở lại, thưa ông?


Trong báo cáo Chính phủ tôi đã phân tích đánh giá thị trường bất động sản đầy đủ trên nhiều mặt. Tổng lượng xây dựng lên để bán so với lượng nhà ở dự kiến được xây dựng chỉ là 30%, 70% còn lại là người dân tự xây để ở. Như vậy, quy mô bất động sản tham gia giao dịch thị trường là thấp.

Theo tôi, việc cần làm là các ngân hàng phải vào cuộc bằng cách tăng cường cho vay ở phía người tiêu dùng, tức là tăng thêm sức mua. Đây cũng là hình thức đảo nợ, việc tăng dư nợ cho vay tiêu dùng sẽ khiến doanh nghiệp nhanh thu hồi vốn để có tiền tiếp tục trả nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn định đối với một số doanh nghiệp, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn. Chẳng hạn, các dự án đạt tỷ lệ hoàn thành từ 75 - 80% hoàn toàn có thể cho vay. Đặc biệt, ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền cho vay vào đền bù giải phóng mặt bằng, không cho vay vào dự án bất động sản cao cấp, đang có xu hướng bão hòa, không phục vụ cho đại bộ phận người dân. Thay vào đó chuyển sang chủ yếu cho vay dự án nhà ở có quy mô nhỏ, giá trung bình và trung bình thấp, nhà cho người có thu nhập thấp và một số dự án đang ở mức sắp hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Ngân hàng cũng nên cho vay những gia đình có nhu cầu mua thật, có thu nhập thật, có công việc thật, cũng là để tăng tính thanh khoản, đảm bảo thị trường bất động sản không bị sốt nóng mà cũng không bị đóng băng đột ngột.

- Ông có nhận định gì về thị trường bất động sản năm nay?


Trước hết tôi cần khẳng định rằng, đầu tư bất động sản không chỉ ở Việt Nam vẫn mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, theo nguyên lý kinh doanh, lĩnh vực nào càng có lợi nhuận lớn thì càng rủi ro và ngược lại. Do đó, người đầu tư cũng phải biết chấp nhận mạo hiểm.

Nguyên nhân cơ bản là nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam hiện đang rất cao, điều kiện ăn ở của dân mình chưa được cải thiện và cũng còn một khoảng cách lớn giữa cung và cầu. Tâm lý người Việt, ai cũng mong có một chỗ ở, nên trong tương lai, thị trường bất động sản vẫn là một thị trường sôi động. Đặc biệt, trong năm nay, nếu doanh nghiệp nào tập trung làm nhà có giá trung bình, khoảng 20 triệu đồng/m2 thì chắc chắn sẽ thắng lớn.

- Xin cảm ơn ông.

Đức Trung (thực hiện)
alt