Thực phẩm “3 không” tràn lan khắp chợ: Phần lớn là hàng TQ!

02/05/2011 08:16
Thực phẩm Trung Quốc chiếm số lượng lớn trên thị trường nhưng chất lượng như thế nào không ai biết

Thực phẩm Trung Quốc chiếm số lượng lớn trên thị trường nhưng chất lượng như thế nào không ai biết

Gần đây, cơ quan chức năng Trung Quốc (TQ) liên tiếp phát hiện nhiều vụ sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm, như hóa chất biến thịt heo thành thịt bò, sữa chứa melamine…

Mặc dù sự việc diễn ra tại TQ nhưng đã làm dấy lên làn sóng lo lắng đối với người tiêu dùng Việt Nam, không biết còn có những loại thực phẩm nào của TQ có chứa chất độc hại và những loại thực phẩm đó đã xuất hiện tại Việt Nam chưa. Ghi nhận thực tế cho thấy tại các chợ TPHCM đang bày bán tràn lan các loại thực phẩm TQ “3 không” (không nhãn mác, không ghi xuất xứ, không rõ thành phần).

Đầy chợ

Mặc dù nhiều tiểu thương và ban quản lý các chợ cho biết so với cách đây 3-5 năm, lượng thực phẩm TQ hiện đã giảm đáng kể do người tiêu dùng cảnh giác với hàng TQ và chú ý hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế, hàng TQ đang có mặt ở tất cả các ngành hàng và tập trung nhiều nhất ở nhóm hàng thực phẩm.

Chợ Bình Tây là “kinh đô” của thực phẩm khô ở TP.HCM và khu vực phía Nam. Tại đây, vô số mặt hàng từ nấm tuyết, rong biển, bào ngư, nấm linh chi, gân bò, măng khô, nấm mèo, táo tàu, nho khô... chất trong những bao lớn, để la liệt trước từng quầy hàng chào mời khách. Nhìn kỹ từng bao hàng, chúng tôi không thấy bất kỳ dòng chữ hay nhãn mác gì.

Bánh kẹo, thực phẩm khô Trung Quốc bán tại khu vực chợ Bình Tây – TP.HCM.
Bánh kẹo, thực phẩm khô Trung Quốc bán tại khu vực chợ
Bình Tây – TP.HCM.
Trong vai người đi mua sỉ hàng về bán, chúng tôi dừng lại tại một sạp gần cửa chợ, hỏi mua nấm đông cô, nho khô và yêu cầu được xem qua giấy tờ xuất xứ hàng hóa. Một chị bán hàng nhìn tôi một cách lạ lẫm, trả lời: “Mới đi lấy hàng lần đầu hả? Ở chợ sỉ, buôn bán quanh năm nên loại nào ngon thì nói là ngon, loại nào dở thì nói là dở. Buôn bán giữa chợ tin nhau là chính, chị không yên tâm thì đi chỗ khác mua”. Chúng tôi bỏ đi thì chị này còn nói với theo: “Bảo đảm đi hết chợ cũng không ai bán hàng cho đâu. Mua được bao nhiêu mà đòi giấy tờ đủ thứ”.

Đến một sạp khác, nghe chúng tôi nói muốn mua nấm đông cô số lượng lớn, người bán chào mời: “Em mua loại nấm này đi, hàng TQ nhưng bảo đảm chất lượng cao, tai nấm rất đều, ngâm mau mềm và để được rất lâu, không sợ hư mốc gì”. Chúng tôi tỏ ý e ngại và hỏi mua nấm Việt Nam, người này lắc đầu: “Chỉ có hàng TQ thôi, nếu ai nói có hàng Việt Nam là nói xạo đó. Không phải chỉ có mặt hàng này mà nhiều loại đồ khô khác, thậm chí nấm mèo, mủ trôm... cũng đa số là hàng TQ”...

Tại khu bánh, mứt, kẹo, hàng TQ cũng chiếm số nhiều. Trong đó, nhiều nhất là các loại ô mai xí muội, kẹo sô-cô-la các loại, kẹo dẻo gói trong giấy bóng kiếng và rất nhiều loại bánh. Chủ sạp bánh kẹo T. cho biết đang bán chạy nhất là các loại bánh gạo, bánh xốp, rau câu sữa, rau câu trái cây và kẹo mút TQ được bán dưới dạng hàng xá hoặc thùng, tất cả đều không có bao bì, nhãn mác gì bằng tiếng Việt để người mua có thể đọc được.

Tại các chợ lẻ, các khu chuyên doanh thực phẩm khô ở TP.HCM, tình hình cũng tương tự…

Lo ngại chất lượng

Theo giới chuyên môn, với những mặt hàng bánh, mứt, kẹo của TQ có màu sắc lòe loẹt, chỉ bằng cảm quan cũng biết được chế biến bằng phẩm màu công nghiệp (do màu công nghiệp có giá rẻ và tươi hơn so với màu thực phẩm). Bánh hộp của TQ thì được làm từ nhiều loại nguyên liệu, phụ gia… mà chỉ có nhà sản xuất mới biết.

Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết các loại thực phẩm nhập lậu, tiểu ngạch từ TQ rất khó kiểm soát do không biết họ sản xuất từ nguyên liệu gì, nguồn gốc nguyên liệu từ đâu.

Bác sĩ Ký còn cảnh báo những loại bánh kẹo, mứt, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến thuộc dạng này rất dễ sử dụng màu công nghiệp độc hại và chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng. Sử dụng nhầm loại thực phẩm này lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, tiêu hóa và có thể gây bệnh ung thư...

GS Lưu Duẩn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam - Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, lưu ý những loại thực phẩm trên có khả năng sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, chất thay đổi kết cấu. Những chất này nếu không được kiểm soát, quản lý mà sử dụng tràn lan trong thực phẩm sẽ rất nguy hiểm. Chẳng hạn, chất thay đổi cấu trúc sẽ làm cho thực phẩm đó trở nên xốp hơn hoặc dai, giòn, mềm dẻo hơn, kích thích vị giác làm cho thèm ăn…

Giới chuyên môn khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua, sử dụng thực phẩm: Phải xem kỹ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, bao bì, nhãn mác. Nếu là hàng nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ngoài ra, không nên sử dụng những sản phẩm có màu sắc quá sặc sỡ.
 
Giả hàng trong nước

Các loại thạch trái cây, thạch rau câu (dùng để nấu chè, pha trà sữa...), sữa bột bán ký, bột đậu xanh, bột đậu nành, bột trái cây... được giới thiệu là hàng Thái Lan, hàng trong nước sản xuất cũng được bày bán tràn lan tại thị trường TPHCM. Chủ một cửa hàng trà sữa trân châu trên địa bàn quận 3 cho biết người bán quảng cáo là hàng của nước này, nước kia nhưng thực chất toàn là hàng TQ.

Trước đây, khi “rộ” lên tin đồn về sữa nhiễm melamine và trà sữa trân châu kém chất lượng, người bán còn e dè chứ bây giờ, hàng không nhãn mác của TQ bán đầy chợ, mua bao nhiêu cũng có. Không chỉ tại chợ Bình Tây mà tại các chợ lẻ, tình trạng cũng tương tự.

Theo Người lao động