Tin kinh tế đọc nhanh: Habubank bác bỏ, SHB “chờ ngân hàng nhà nước”

13/03/2012 20:00
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) - Habubank bác bỏ, SHB “chờ ngân hàng nhà nước”, Đại gia thủy sản bán nhà máy cho tập đoàn Hà Lan…là những tin nóng trong ngày 13/3.

Habubank bác bỏ, SHB “chờ ngân hàng nhà nước”

Trên tờ báo điện tử Dân trí đưa tin, đại diện SHB cho biết: “SHB là ngân hàng nhóm 1, trong thời gian qua chúng tôi tích cực tìm kiếm đối tác để tiếp tục phát triển và nâng cao hơn nữa quy mô, hiệu quả của mình”. Đại diện này, mặc dù chưa xác nhận chính thức về thương vụ này và không một lần nhắc tới tên Habubank, song cho biết SHB “đang chờ quyết định của ngân hàng nhà nước”.

Về phía Habubank, sáng 13/3 ngân hàng này vừa ra thông cáo cho rằng thông tin về việc SHB mua lại Habubank là “không chính xác và không có cơ sở”.

Thông cũng nói: "Với xu thế phát triển của thị trường và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Habubank luôn chào đón cơ hội được hợp tác với các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển ngân hàng, phù hợp với các quy định của pháp luật".

Đất không giấy tờ sẽ được cấp phép xây dựng

Theo dothi.net: Bộ Xây dựng vừa hoàn thành dự thảo nghị định mới về cấp phép xây dựng. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân dù không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định vẫn được cấp GPXD nếu được UBND xã xác nhận đó là đất không có tranh chấp. Dự thảo cũng quy định hơn 20 loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được xem là điều kiện để cấp GPXD. Việc cho phép cấp GPXD khi được UBND xã xác nhận như trên, theo Bộ Xây dựng, để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Dự thảo còn quy định không cấp phép xây dựng tạm đối với công trình thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng.

Về việc gia hạn GPXD được quy định trong thời hạn 30 ngày, trước ngày GPXD hết hạn, nếu công trình chưa được khởi công thì chủ đầu tư phải đề nghị để được xem xét gia hạn GPXD.

Đại gia thủy sản bán nhà máy cho tập đoàn Hà Lan

Theo Vnexpress: Ông Trần Văn Trí - chồng nữ đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền cho biết, sẽ bán nhà máy cho một tập đoàn tài chính của Hà Lan để lấy tiền trả nợ nông dân. Tân Tổng giám đốc Trần Văn Trí (được ủy quyền từ vợ là nữ đại gia Diệu Hiền) cho biết, qua kiểm toán, tổng tài sản của Bianfishco hiện trên 2.700 tỷ đồng nên doanh nghiệp hoàn toàn cân đối được các khoản nợ hiện có.

 Hiện nay Bianfishco còn nợ 45 hộ dân với số tiền 261 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với con số công bố tại buổi họp báo 5 ngày trước. Sáng 12/3 Bianfishco đã xuất quỹ trên 3 tỷ đồng trả lương cho khoảng 1.200 công nhân, đồng thời cho một số công nhân thời vụ nghỉ việc căn cứ vào tình hình nguyên liệu thực tế. Phương án giải quyết nợ trước mắt cho 45 nông dân trong tháng này vẫn là bán nhà máy thủy sản. "Đối tác mua nhà máy Bình An trong vài ngày tới là Tập đoàn Đầu tư tài chính Hà Lan", ông Trí tiết lộ.

Ông Trí cũng khẳng định vợ bị bệnh thật sự, đang điều trị ở nước ngoài và sẽ về nước trong thời gian sớm nhất. Trần Văn Chương - con trai nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền đã rút khỏi danh sách cổ đông sáng lập Công ty cổ phần thủy sản Bình An đã chuyển 2% cổ phần đang nắm giữ cho cha mình là tân Tổng giám đốc Trần Văn Trí.

171 DN bị loại khỏi danh sách hàng Việt Nam chất lượng cao

Theo infonet: Qua kết quả điều tra bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2012, tổng cộng có 419 doanh nghiệp được công nhận đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong đó các doanh nghiệp đến từ 38 ngành hàng khác nhau. Đây là kết quả được chọn lọc dựa trên danh sách 716 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn.

Kết qua năm nay ghi nhận thêm 23 doanh nghiệp mới đạt danh hiệu lần đầu, đồng thời có 171 doanh nghiệp rời khỏi danh sách năm trước vì vi phạm môi trường và không được người tiêu dùng bình chọn. Các doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chủ yếu thuộc về ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm.

Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho biết, năm 2012 sẽ tiếp tục triển khai dự án “Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống” để tăng sức cạnh tranh kênh phân phối hàng Việt. Ngoài ra còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa vào các chợ để tăng cường độ phủ cho hàng Việt.

Bất thường việc thương lái Trung Quốc tận thu cây hải đường

Theo Dantri: Hải đường là giống hoa quý, được người dân Hải Phòng trồng và lưu giữ qua nhiều thế hệ. Gần đây xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt về các làng hoa của Hải Phòng thu mua cây hải đường với giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Đầu tháng 3/2012, tại làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương - nơi trồng, cung cấp chủ yếu cây hoa hải đường cho thành phố Hải Phòng và các địa phương lân cận tấp nập kẻ mua, người bán cây hải đường. Luôn có người dân địa phương làm nhiệm vụ hoa tiêu đưa thương lái Trung Quốc đến đo chiều cao, tán rộng của cây, chụp ảnh rồi trả giá.

Hải đường các loại được gom lại để tận thu
Hải đường các loại được gom lại để tận thu

Trong năm 2011, thương lái Trung Quốc đã mua hàng trăm cây hải đường cổ thụ với giá từ 30 - 100 triệu đồng/cây. Cũng trong năm, người dân trong xã bán được hơn 3 tỉ đồng từ cây hoa Hải đường cho phía Trung Quốc. Điều đáng nói, ban đầu thương lái Trung Quốc chỉ mua những cây hải đường lâu năm thì gần đây họ thu mua tất cả các cây hải đường, kể cả những cây vừa ươm trồng.

Tiếp theo cây gỗ sưa, cây ngâu, hay con đỉa, ốc bươu vàng... cây hoa hải đường ở Hải Phòng đang được thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua với số lượng lớn. Và tới nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác: Họ tận thu những nông sản trên để làm gì?

Siêu thị Nhật tăng tốc vào Việt Nam

Theo Thoibaodoanhnhan: Ông Motoya Okada, CEO Tập đoàn Aeon, không giấu tham vọng sẽ làm thay đổi phong cách mua sắm của người Việt bằng phương châm “cắm rễ và sống với dân địa phương” để hiểu rõ ngọn ngành mọi nhu cầu mua sắm của người dân VN. Đồng thời, chúng tôi sẽ lôi kéo thêm nhiều công ty Nhật và VN đi theo cung ứng hàng cho chúng tôi trong quá trình kinh doanh”, ông Nishitohge Yasuo, tổng giám đốc Aeon VN, khẳng định.

Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, đang có sự dịch chuyển rõ ràng từ phía các nhà đầu tư Nhật ở thị trường VN chuyển từ sản xuất nhỏ sang lĩnh vực phân phối. Bằng chứng là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống bán lẻ Family Mart, chỉ sau khoảng hai năm vào VN, hệ thống này đã có 18 cửa hàng. Nét khác biệt của Family Mart VN là kinh doanh 24/24 giờ với 70% chủng loại sản phẩm và dịch vụ khác hẳn các cửa tiệm tạp hóa kiểu truyền thống.

Hương Trà (tổng hợp)