Tràng Tiền Plaza vắng khách quá lâu, khách hàng sẽ quay lưng?

25/09/2013 07:37
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nếu Tràng Tiền Plaza kéo dài tính trạng vắng khách sẽ khiến người tiêu dùng nghi ngại, cùng với tâm lý đám đông sẽ khiến khách hàng quay lưng với TTTM này.
Từ khi được doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn - người được mệnh danh là ông chủ của đế chế hàng hiệu - "tái sinh" sau 4 năm đóng cửa vào tháng 4 vừa qua, Tràng Tiền Plaza nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng. Tuy nhiên, vì định hướng vào phân khúc hàng hiệu đẳng cấp, sang trọng nên chỉ sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, lượng khách hàng tới Tràng Tiền Plaza ngày càng rất thưa thớt, nhiều người đến đây với tâm lý thăm quan là chính khiến giới trong ngành ái ngại cho hoạt động kinh doanh tại siêu thị này.
Tràng Tiền Plaza vắng khách vì "lãnh đạm" với người nghèo?
Tràng Tiền Plaza vắng khách vì "lãnh đạm" với người nghèo?
Việc khách hàng đến Tràng Tiền Plaza với tâm lý "xem nhiều hơn mua" liệu ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh lâu dài của TTTM này? Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bộ mặt ngày nay của Tràng Tiền Plaza đẹp và hoành tráng hơn trước đây nhưng đi cùng với đó dường như các “thượng đế” không mặn mà với Tràng Tiền Plaza, điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất tuy Tràng Tiền Plaza được xây dựng mới to đẹp nhưng đối tượng phục vụ là khách hàng cao cấp, người tiêu dùng có điều kiện kinh tế cao, trong khi trước đó đây là Cửa hàng bách hóa tổng hợp, một minh chứng cho thương mại Hà Nội quen thuộc với người dân thủ đô, ai muốn mua bán có thể ra vào thỏa mái khiến tâm lý khách hàng nhất là người sống và làm việc lâu năm ở Thủ đô cảm thấy chạnh lòng, nuối tiếc.

“Người tiêu dùng cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhất là những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, họ không dám bước chân vào TTTM này. Theo tôi nhà đầu tư đừng phân biệt đối xử với khách hàng là người thu nhập thấp trung bình, thấp... nếu để lâm vào tình trạng “lãnh đạm” với người tiêu dùng phân khúc trung bình và thấp là rất nguy hiểm” – ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Thứ hai giữa lúc nền kinh tế còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động các siêu thị thì việc xác định lựa chọn đối tượng phục vụ phân khúc cao cấp cạnh tranh với Rex, Parkson, Diamond, Vincom… là hướng đi khó vì vậy việc Tràng Tiền Plaza vắng khách là điều dễ hiểu.

“Theo tôi được biết, Tràng Tiền Plaza cũng bán được hàng chứ không phải không nhưng sẽ không sầm uất như các siêu thị cao cấp khác” – ông Phú nói.

Việc Tràng Tiền Plaza tuy có điều kiện vị trí thuận lợi nhưng lượng khách hàng đến siêu thị này không đông sẽ ảnh hưởng đến tâm lý “đám đông” của người tiêu dùng. Ông Phú cho biết, với một siêu thị việc khách hàng đến không chỉ để mua sản phẩm mà còn thăm quan, so sánh giá mẫu mã và cũng để đánh giá chất lượng phục vụ…

“Do vậy việc xác định phục vụ khách hàng có điều kiện mua hàng còn khách thăm quan không được chào đón là sai lầm vì việc mua và thăm quan là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Người ta sẽ không mua nhưng nếu anh bán hàng tốt giá cao nhưng sản phẩm chất lượng dịch vụ tốt người ta sẽ quảng cáo giới thiệu cho anh”, ông Phú phân tích.

Cũng theo ông Phú, nếu kéo dài tính trạng vắng khách sẽ khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi cũng như những nghi ngại, cùng với tâm lý đám đông sẽ khiến khách hàng quay lưng với Tràng Tiền Plaza.
Hoàng Lực