Từ 1/7, thay đổi hàng triệu hợp đồng độc quyền điện, nước, điện thoại?

01/07/2011 03:30
Từ hôm nay (1/7), các hợp đồng dịch vụ mang tính độc quyền như điện, nước, viễn thông... sẽ phải thay đổi, vì có nhiều nội dung áp đặt, vi phạm quyền lợi NTD.

Từ hôm nay (1/7), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực với nhiều quy định cụ thể có lợi cho người tiêu dùng (NTD). Theo đó, các hợp đồng dịch vụ mang tính độc quyền lâu nay như điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, truyền hình cáp sẽ phải thay đổi, vì có nhiều nội dung áp đặt, vi phạm quyền lợi NTD.

>> Sau ngày 1/7, người tiêu dùng có còn “con kiến kiện củ khoai”?
>> Từ 1/7, người tiêu dùng "kêu" là sẽ được "cứu"

Điện, nước, viễn thông vào khuôn khổ

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết: Thời gian vừa qua quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm khá phổ biến, thậm chí khá nghiêm trọng với mọi loại hàng hóa và với nhiều hình thức khác nhau.

Theo ông Mừng, hiện ở Việt Nam có các dịch vụ như điện, nước, viễn thông, internet do một hoặc một số ít nhà cung cấp. Khi muốn sử dụng các dịch vụ này, người tiêu dùng phải ký hợp đồng với các nhà cung cấp mà không có quyền được thỏa thuận hoặc lựa chọn các quyền cho chính mình. Mỗi khi có khiếu kiện xảy ra, người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt thòi do các điều khoản quy định trong hợp đồng luôn có lợi cho nhà cung cấp.

 Người tiêu dùng khi ký hợp đồng với nhà cung cấp điện không có quyền được thỏa thuận.

Người tiêu dùng khi ký hợp đồng với nhà cung cấp
điện không có quyền được thỏa thuận.

Với việc Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực từ hôm nay, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải thuận theo yêu cầu chính đáng của khách hàng.

Để hạn chế sự độc quyền, Luật đặt ra quy định đối với các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu liên quan đến nhiều NTD, thì doanh nghiệp phải sử dụng các hợp đồng mẫu đăng ký với cơ quan quản lý nhằm kiểm soát các điều khoản đưa ra trong hợp đồng phải công bằng, bình đẳng và NTD phải được bảo vệ. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục những sản phẩm hàng hóa thiết yếu phải sử dụng hợp đồng theo mẫu được đăng ký.

“Chúng tôi đang dự thảo quyết định danh mục để trình Thủ tướng quyết định trong thời gian tới. Theo ý tưởng của chúng tôi, những loại hàng hóa sẽ phải thực hiện quy định trên gồm điện, cung cấp nước, viễn thông (trong đó có cả cố định và di động), bảo hiểm (gồm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ), các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thẻ tín dụng và dịch vụ truyền hình cáp. Khi Thủ tướng ban hành các danh mục này, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên phải sử dụng hợp đồng theo mẫu”- Ông Mừng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý Cạnh tranh, về nguyên tắc cơ quan quản lý sẽ phải thẩm định các hợp đồng mẫu do doanh nghiệp gửi lên. Nếu hợp đồng có những điều kiện bất lợi hoặc không thuận lợi cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quyền yêu cầu không được thực hiện hoặc loại bỏ khỏi hợp đồng. Cũng có thể xảy ra trường hợp việc thẩm định không chặt chẽ khiến NTD không được bảo vệ thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý.

“Chúng ta có Luật Tổ tụng hành chính rồi. Công dân, tổ chức, doanh nghiệp có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước ra tòa khi thực thi nhiệm vụ không hoàn thành trách nhiệm của mình hoặc thiếu trách nhiệm, không kiểm soát gây thiệt hại cho NTD”, ông cho biết.

Doanh nghiệp chưa nghe, chưa biết


Trao đổi với phóng viên, về việc sẽ phải thực hiện theo các quy định mới về ký hợp đồng khi cung cấp dịch vụ cho NTD, đại diện các ngành điện, nước và viễn thông đều cho biết mới nghe nói đến quy định trên còn cụ thể việc thực hiện như thế nào thì chưa nắm rõ.

Điều các doanh nghiệp lo ngại là với số lượng khách hàng khổng lồ lên tới 17,12 triệu khách hàng đang ký hợp đồng trực tiếp mua điện của riêng ngành điện và số hợp đồng lên tới 100 triệu của các khách hàng sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định, di động, internet, bảo hiểm, truyền hình cáp, điện thoại di động hiện nay, thời gian thực hiện việc chuyển đổi các hợp đồng mẫu theo quy định nếu làm nhanh cũng phải kéo dài trong vài tháng.

Chi phí cho việc chuyển đổi, ký lại các hợp đồng này cũng phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng. “Về nguyên tắc khi cơ quan quản lý yêu cầu thì chúng tôi sẽ tuân thủ tuyệt đối dù chi phí cho việc chuyển đổi các hợp đồng sẽ tốn kém khá nhiều. Chúng tôi chưa thể ước tính được số chi phí sẽ phải bỏ ra để thay thế các hợp đồng đã ký với khách hàng theo quy định”, đại diện một hãng viễn thông cho biết.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Ủy viên Thường vụ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là bước tiến mới với nhiều điểm bảo vệ chặt chẽ cho người tiêu dùng trên mọi khía cạnh. Điển hình như khi xảy ra tranh chấp NTD có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự mà không cần chứng minh sai phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ… Ngược lại, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị kiện có nghĩa vụ chứng minh không có sai phạm gây thiệt hại cho NTD.

Một điểm đáng chú ý của luật nữa là nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối NTD (ví dụ như nhắn tin SMS quảng cáo không được đồng ý của chủ thuê bao di động) thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD.

Theo Tiền Phong

>> Sau ngày 1/7, người tiêu dùng có còn “con kiến kiện củ khoai”?
>> Từ 1/7, người tiêu dùng "kêu" là sẽ được "cứu"