Unilver Việt Nam “tố” đối thủ - Nói người phải ngẫm đến ta

21/12/2016 07:08
Mai Anh
(GDVN) - Trong khi bị phạt vì không kê khai thuế, quảng cáo gây phản cảm, nhưng Unilever Việt Nam vẫn kiến nghị, phản ánh sản phẩm doanh nghiệp khác.

Có câu “sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?”. Lời dạy người xưa đại ý: Nói người phải ngẫm ta, nhìn thấy cái xấu của người khác nhưng phải soi lại chính mình.

Lời răn dạy ấy phần nào đúng trong câu chuyện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) “tố” một doanh nghiệp Việt kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm.

Nói như vậy không phải để bênh vực cho doanh nghiệp bị Unilever Việt Nam "tố" với cơ quan chức năng, bởi vì ở một góc độ nào đó thì hành động của Unilever Việt Nam cũng có thể tạm coi là có lợi cho người tiêu dùng.

Thế nhưng, trong quá khứ, chính Unilever Việt Nam cũng đã từng dính đến không ít bê bối. Điều đó khiến cho nhiều người tiêu dùng nghi ngờ về hành vi "tố" đối thủ của Unilever Việt Nam.

Chuyện một “gã khổng lồ” như Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) “tố” một doanh nghiệp Việt kinh doanh trong lĩnh vực mỹ, dược phẩm đang “gây sốt” trong giới kinh doanh - ảnh nguồn Unilever Việt Nam.

Chuyện một “gã khổng lồ” như Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) “tố” một doanh nghiệp Việt kinh doanh trong lĩnh vực mỹ, dược phẩm đang “gây sốt” trong giới kinh doanh - ảnh nguồn Unilever Việt Nam.

Cú phốt quảng cáo

Tháng 8/2012, Unilever Việt Nam tung chiêu quảng cáo sản phẩm Vim (nước rửa bồn cầu) với những hình ảnh được cho là phản cảm.

Trong clip quảng cáo xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ quẹt bàn tay vào bồn cầu mà theo ý kiến của nhiều người đó là hình ảnh mất vệ sinh và độc hại.

Trước phản ứng của dư luận về clip quảng cáo phản cảm trong công văn gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam (ngày 31/8/2012), Unilever Việt Nam nói: "Bồn cầu là nơi tồn tại của rất nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn này là mầm mống gây nên những bệnh nguy hiểm cho con người như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn... Tuy nhiên, bằng mắt thường không thể thấy được vi khuẩn”.

Hình ảnh được cho là thiếu tính khoa học trong clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu, khi kiếm tra vi khuẩn bằng cách dùng miếng thử cho vào hầm cầu (ảnh cắt từ clip)/ nguồn giaoduc.net.vn
Hình ảnh được cho là thiếu tính khoa học trong clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu, khi kiếm tra vi khuẩn bằng cách dùng miếng thử cho vào hầm cầu (ảnh cắt từ clip)/ nguồn giaoduc.net.vn

Theo ý kiến của không ít độc giả, những gì mà Unilever đưa lên quảng cáo dường như hoàn toàn trái ngược với những phát ngôn trên.

Hình ảnh người phụ nữ quẹt bàn tay vào bồn cầu - nơi có nhiều vi khuẩn có thể coi là một minh chứng cho điều này. 

Tương tự, quảng cáo về hạt nêm Knorr của Unilever Việt Nam từng gây không ít tranh cãi.

Sau khi lên sóng với những slogan đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng như: "Ngọt canh xương ống, đậm đà thịt thăn", hay "Ngon từ thịt, ngọt từ xương"... nhiều bà nội trợ đã tin dùng sử dụng sản phẩm hạt nêm Knorr thay cho mì chính. 

Nhưng nhiều người lại tỏ ra hoài nghi về những lời quảng cáo này của Unilever bởi lẽ trong thành phần của một gói hạt nêm Knorr, thành phần "thịt thăn, xương ống" chỉ chiếm không đến 2%, còn lại chủ yếu là tinh bột sắn, bột bắp, muối, đường, chất điều vị, chất màu tổng hợp.

Truy thu thuế vì không kê khai

Tháng 9/2016 Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có văn bản trả lời về kiến nghị không tính phạt đối với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu liên quan đến các hoạt động đầu tư mở rộng của Cty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

Unilver Việt Nam “tố” đối thủ - Nói người phải ngẫm đến ta ảnh 3

Sở Y tế Hà Nam kết luận dược chất gây tranh cãi ở dầu gội

Theo đó Tổng cục Thuế cho rằng, giai đoạn 2009-2013, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư mở rộng.

Do vậy, giai đoạn này, Unilever Việt Nam đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định.

Qua thanh tra, Cục Thuế TPHCM phát hiện khai sai của Cty Unilever Việt Nam dẫn đến thiếu thuế.

Vì vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp các khoản thuế truy thu, nộp phạt vi phạm hành chính và khoản thuế chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Thuế TPHCM hướng dẫn Cty Unilever Việt Nam xác định lại giá trị các hoạt động đầu tư mở rộng.

Nếu kết quả xác định lại làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp thấp hơn số thuế đã truy thu năm 2015, phần tiền vượt sẽ được chuyển khấu trừ cho kỳ tính thuế tiếp theo hoặc hoàn lại. 

Nếu kết quả rà soát làm tăng số thuế phải nộp so với số đã truy thu thì Cty Unilever Việt Nam phải nộp bổ sung. 

Trước đó, đầu năm 2016 Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh quyết định truy thu số tiền ấn định thuế hơn 3 tỷ đồng đối với Unilever Việt Nam. 

Cụ thể, trong Quyết định 307 Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ từ tháng 8/2008, Unilever Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng "Chất để hoàn tất EUPERLAN KE 4515" tại cảng Sài Gòn. 

Khi đó cán bộ chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư có yêu cầu Unilever lấy mẫu mặt hàng gửi Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để phân tích.

Kết quả phân tích xếp mặt hàng EUPERAN KE 4515 vào loại có thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0%, thuế suất GTGT 10%. Từ năm 2008 đến 2015, Unilever Việt Nam nhập khẩu liên tục mặt hàng này với mã số 3809.91.00.90.

Tuy nhiên, tháng 2/2015, khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng trên, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đã lấy mẫu chuyển đến Trung tâm phân tích loại hàng hóa xuất nhập khẩu – chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh để phân tích, xác định lại mẫu hàng hóa. 

Kết quả phân tích xếp mặt hàng EUPERLAN KE 4515 vào loại chịu thuế suất nhập khẩu ưu đãi 7%, thuế suất GTGT 10% với mã số 3402.90.12 trong quá trình nhập khẩu 5 năm trở về trước, mặt hàng EUPERLAN KE 4515 bị kê khai không chính xác mã số hàng hóa. 

Từ đó Cục Hải quan TPHCM quyết định tiến hành truy thu thuế từ việc điều chỉnh mã số hàng hóa này với tổng số tiền ấn định thuế hơn 3,1tỷ đồng. 

Sau đó dù nộp số tiền thuế trên cho Cục Hải quan TP.HCM, tuy nhiên Unilever Việt Nam vẫn có đơn kiến nghị lên Tổng cục Hải quan xem xét miễn truy thu tiền ấn định thuế và miễn nộp tiền chậm theo quy định tại Quyết định 307 của Cục Hải quan TP.HCM.

Mai Anh