Va chạm đến biến dạng, vì sao túi khí xe Toyota Camry 2.5Q không bung?

06/11/2015 08:18
Mai Anh
(GDVN) - Nghi vấn lỗi túi khí trên xe Toyota Camry 2.5Q được đưa ra sau khi chiếc xe gặp tai nạn khiến phần đầu xe bên phải bị hư hỏng nặng nhưng túi khí không bung.

Không phải cứ va chạm là túi khi nổ

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, liên quan đến phản ánh của ông Nguyễn Anh K – Giám đốc Công ty T.H (trụ sở tại Hà Nội) về việc túi khí và hệ thống ABS trong xe Toyota Camry 2.5Q có dấu hiệu bị lỗi, không hoạt động.

Nghi vấn lỗi túi khí trên xe Toyota Camry 2.5Q của ông K được đưa ra sau khi chiếc xe gặp tai nạn va chạm với xe máy khiến phần đầu xe bên phải bị hư hỏng nặng nhưng túi khí trên xe không bung. 

Được biết chiếc Toyota Camry 2.5Q được Công ty T.H mua tại Toyota Mỹ Đình hồi tháng 2/2015. Theo cam kết giữa Toyota Mỹ Đình và Công ty T.H, chiếc xe đang trong thời gian bảo hành nếu lỗi kỹ thuật, đặc biệt là lỗi về an toàn là lỗi nghiêm trọng, không thể sửa chữa để đi tiếp thì Toyota Mỹ Đình phải đổi xe mới. Tuy nhiên Toyota Mỹ Đình không đồng ý.

Túi khí không nổ, hệ thống đai an toàn trên xe Toyota Camry 2.5Q của ông K không hoạt động (ảnh nguồn Pháp luật Việt Nam).
Túi khí không nổ, hệ thống đai an toàn trên xe Toyota Camry 2.5Q của ông K không hoạt động (ảnh nguồn Pháp luật Việt Nam).

Trước đó ngày 13/10/2015, Toyota Mỹ Đình đã có cuộc làm việc với chủ xe. Tại cuộc làm việc này, thông báo kết quả giám định và trả lời khiếu nại của khách hàng, Toyota Mỹ Đình cho rằng hệ thống túi khí trên xe hoạt động bình thường, lực va chạm hấp thụ qua biến dạng của các chi tiết mềm như cụm đèn pha, tai xe, nắp capo.

Toyota Việt Nam kết luận hệ thống túi khí không hoạt động vì chưa đủ các điều kiện cần để kích hoạt. 

Tuy nhiên phía Công ty T.H không đồng ý với kết quả giám định này do kỹ sư của Toyota tự ý cắm máy tính vào hộp đen trong xe mà không báo trước cho khách hàng, không có sự chứng kiến của chủ xe và bên thứ 3. Vì vậy phía ông K và Công ty T.H cho rằng, kết quả giám định không khách quan.

Đáng nói theo thông tin ông K trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, sau khi xảy ra sự cố việc trên phía Toyota Mỹ Đình còn đề nghị ông K bán lại chiếc xe Toyota Camry 2.5Q theo dạng xe cũ (xe tai nạn) đổi ngược lại đại lý Toyota này sẽ bán cho khách hàng 1 xe ô tô mới với giá rẻ hơn 64 triệu đồng.

Va chạm đến biến dạng, vì sao túi khí xe Toyota Camry 2.5Q không bung? ảnh 2

Toyota Camry 2.5Q va chạm biến dạng, túi khí không bung, đại lý... không biết?

Trước những tranh luận việc hệ thống túi khí trên xe Toyota Camry 2.5 của Công ty T.H không nổ, đứng ở góc độ chuyên gia kỹ thuật ngành ô tô, ông Đào Anh Tuấn chuyên viên kỹ thuật xe ô tô của hãng xe nổi tiếng tại Hà Nội cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến túi khí không nổ”.

Ông Đào Anh Tuấn cho biết, nguyên lý hoạt động của túi khí ở bất kỳ dòng xe nào giống nhau. Theo đó túi khi hoạt động dựa trên bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến để xác định gia tốc giảm dần của xe. 

Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn (bị va chạm) sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí tương ứng. Tốc độ nổ túi khí là rất nhanh (khoảng từ 10 đến 40 phần nghìn giây) nên sẽ tạo ra một túi đệm khí tránh cho phần đầu và ngực cửa hành khách va đập trực tiếp vào các phần cứng của xe. 

“Túi khí nổ hay không dựa vào lực va đập của xe và hướng va đập. Những trường hợp xe tông vào bức tường bê tông cố định ở tốc độ >25Km/h; Vùng va đập trực diện từ phía trước tính từ Tâm của xe; Tông thẳng vào gờ, vệt va đập tiếp xúc hết phần đầu xe, nơi bố trí dầm chính chịu lực; Xe lao đầu trực diện xuống vực trường hợp như vậy túi khí phía trước sẽ bị kích hoạt”, ông Tuấn cho hay.

Ngược lại với trường hợp tai nạn như xe tông thẳng vào trụ điện, tông vào vào gầm xe tải, tông vào vào tường ở phần hông gần đầu xe túi khí trước sẽ hạn chế nổ.

Trường hợp hai xe chạy cùng chiều tông vào nhau hoặc xe bị lật, xe tông ngang hông túi khí phía trước sẽ không nổ. Xe tông ngang túi khí bên hông sẽ nổ nếu lực va chạm vượt giá trị giới hạn.

“Về lý thuyết như vậy nhưng túi khí cũng sẽ không hoạt động nếu xảy ra lỗi bộ phận kích nổ túi khí, cụ thể là bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến. Có thể bộ điều khiển điện tử hoặc do bộ cảm biện có thể bị hỏng bởi thời tiết ẩm hoặc lỗi lắp ráp có thể dẫn đến hiện tượng túi khí không hoạt động bình thường hoặc không nổ khi xảy ra va chạm”, ông Tuấn cho biết.

Với trường hợp cụ thể chiếc xe Toyota Camry 2.5Q của ông K, theo ông Đào Anh Tuấn va chạm đó chưa đủ để túi khí nổ do hướng va chạm phía bên hông phải đầu xe lại va chạm với xe máy có thể lực va chạm chưa đủ kích hoạt túi khi nổ. 

Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng để biết chính xác phải kiểm tra hệ thống hoạt động túi khí. Muốn khách quan cần phải mời bên thứ 3 đủ chức năng điều kiện để giám định trước sự chứng kiến của Toyota và khách hàng ngay sau khi xe gặp tai nạn. 

Liên tục xảy ra sự cố túi khí

Trong hơn một năm qua, Toyota liên tục xảy ra sự cố liên quan đến lỗi túi khí trong các dòng xe khác nhau.

Tháng 7/2015, Toyota phát đi thông báo tiến hành thu hồi 148 xe Corolla được sản xuất từ ngày 3/11/2004 đến 28/4/2005 và 3.810 xe Vios sản xuất tại Việt Nam từ ngày 13/9/2007 đến 21/12/2008. 

Theo hãng xe Nhật, lý do triệu hồi là cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước được cung cấp bởi công ty Takata (Nhật Bản) được sản xuất không đúng cách nên nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian.

Bơm khí là một phần cấu tạo nên cụm túi khí, chứa tấm nhiên liệu dạng rắn bị đốt cháy trong trường hợp túi khí bị kích hoạt. Quá trình này giải phóng khí trơ làm bơm phồng túi khí. 

Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ. Các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, nên có nguy cơ gây chấn thương cho hành khách. 

Trước đó tháng 5/2014, Toyota Việt Nam phải triệu hồi để kiểm tra và xử lý vấn đề cáp xoắn của túi khí người lái phía trước trên một số mẫu xe tại thi trường Việt Nam như Innova, Fortuner và Hilux. 

Toyota cho biết, cụm cáp xoắn của túi khí người lái bao gồm dây cáp điện kết nối với túi khí và một số mạch điện khác. Trên các xe bị ảnh hưởng, dây cáp này có khả năng tiếp xúc với chi tiết dẫn hướng của cụm cáp xoắn khi đánh lái, từ đó gây ra hư hỏng trên bề mặt dây cáp. 

Hư hỏng này có thể làm cho mạch điện kết nối với túi khí phía người lái bị hở mạch, dẫn tới việc mất kết nối khiến đèn cảnh báo túi khí sáng và túi khí có thể không bung khi gặp va chạm.

Mai Anh