Vì sao cổ phiếu Ocean Group bị “bỏ rơi”?

18/03/2014 09:43
Theo BizLIVE
Các công ty chứng khoán lớn hầu như không thực hiện báo cáo phân tích chi tiết về cổ phiếu OGC để tư vấn cho nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) niêm yết 250 triệu cổ phiếu lần đầu vào tháng 5/2010, số cổ phiếu này tăng thêm 50 triệu đơn vị sau lần chia thưởng năm 2011. 

Sau gần 4 năm niêm yết, OGC hiện có vốn hóa khoảng 3.700 tỷ đồng, xếp thứ 28 trong số 320 cổ phiếu đang niêm yết tại HOSE. Cổ phiếu OGC cũng thuộc danh sách VN30 ngay từ khi thành lập chỉ số này.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là OGC không thu hút được sự quan tâm các công ty chứng khoán (CTCK). Các phòng phân tích của HSC, SSI, BVSC, VCBS, Bản Việt... hầu như không phân tích chi tiết về cổ phiếu này để tư vấn cho nhà đầu tư. 

Trong khi đó, các mã cổ phiếu khác thuộc VN30 vẫn được các CTCK này cập nhật thường xuyên (kết quả tài chính hàng quý) hoặc các chuyến thăm doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Một số CTCK nhỏ đã thực hiện các phân tích về OGC, trong đó, FPTS là công ty cập nhật thường xuyên nhất trong các năm 2010, 2012 và 2013. CTCK Ngân hàng Đông Á cũng thực hiện một báo cáo phân tích cơ bản vào tháng 5/2013. 

Trước đó, trong năm 2010, khi mới niêm yết, OGC được hai CTCK ít tên tuổi khác phân tích chi tiết là TVSI và HASC.

Một chuyên viên phân tích nhiều kinh nghiệm cho rằng, lý do chính là OGC ít chủ động tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư và chuyên viên phân tích để cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc về tập đoàn.
Tăng trưởng trên nợ vay 
Ocean Group là một trong những tập đoàn có quy mô tăng trưởng lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết có quy mô tương đương hiện nay, tính từ năm 2008. 
Trong 5 doanh nghiệp niêm yết có tổng tài sản từ 10.000  đến 12.000 tỷ, OGC đã tăng gần 16 lần trong khi các doanh nghiệp khác chỉ tăng gấp đôi (DPM, ITA) hoặc gấp 3 lần (KBC); PPC chỉ tăng thêm 10%. 
Nguồn vốn của OGC để tăng trưởng lại chủ yếu là nợ phải trả khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng 8,4 lần, còn lại nợ phải tăng tăng 21,7 lần trong 6 năm qua. Trong cơ cấu nguồn vốn hình thành từ nợ, nợ vay ngân hàng và các tổ chức khác chiếm tỷ trọng lớn. 
Trung bình từ năm 2008 đến 2013, tỷ trọng nợ vay/nợ phải trả là 51%, nếu không tính năm 2008, tỷ trọng này là 42%.
Quy mô tăng trưởng vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, tổng tài sản và vốn điều lệ của OGC từ năm 2008. Đơn vị: tỷ đồng.
Quy mô tăng trưởng vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, tổng tài sản và vốn điều lệ của OGC từ năm 2008. Đơn vị: tỷ đồng.

OGC cũng có một quá trình tăng vốn chủ sở hữu “chóng mặt” trước thời điểm niêm yết. Tại thời điểm tháng 5/2007, tập đoàn này chỉ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Tháng 11/2008, tăng vốn lên 150 tỷ; tháng 12/2008 tăng vốn lên 390 tỷ; tháng 12/2009 tăng vốn lên 1.986 tỷ (gấp 5 lần!); tháng 1/2010 tăng vốn lên 2.500 tỷ.

Trong bản cáo bạch niêm yết OGC năm 2010, tập đoàn này thừa nhận việc tăng vốn nhanh chóng là một rủi ro. Cụ thể là những khó khăn trong việc quản lý và sử dụng vốn hiệu quả, đồng thời để duy trì lợi ích của cổ đông, doanh thu và lợi nhuận của OGC cũng phải chịu áp lực tăng trưởng tỷ lệ thuận với vốn điều lệ.
Ai đang sở hữu OGC?
Theo báo cáo thường niên năm 2012 của Ocean Group, đến ngày 25/3/2013, trên 89% vốn điều lệ của tập đoàn được nắm giữ bởi 10 tổ chức. Trong đó Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (44%) sở hữu tỷ lệ lớn nhất, đây là công ty do ông Hà Văn Thắm sở hữu. 
Hai tổ chức nước ngoài chính là hai quỹ ETF lớn nhất đang đầu tư trên thị trường Việt Nam, nắm giữ 12%. Tổ chức đầu tư trong nước duy nhất trong số này là Công ty CP Đầu tư & tư vấn tài chính Liên Việt nắm giữ 3%. 6 tổ chức còn lại phần lớn đều là những công ty có hoạt động kinh doanh, giao dịch vốn hoặc có lãnh đạo liên quan đến OGC.
Cơ cấu cổ đông của OGC đến ngày 25/3/2013. Nguồn: Báo cáo thường niên 2012
Cơ cấu cổ đông của OGC đến ngày 25/3/2013. Nguồn: Báo cáo thường niên 2012
Chỉ có khoảng 11% vốn (tương đương khoảng 33 triệu cổ phiếu) được nắm giữ bởi các nhà đầu tư khác, trong đó 5,7% (tương đương 17 triệu cổ phiếu) do nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ. Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khác nắm giữ khoảng 3,3% trong số này (khoảng 10 triệu cổ phiếu).

Tài sản của OGC gồm những gì?

Trong cấu trúc tài sản 11.625 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2013 của OGC, các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn chiếm 26%, các khoản phải thu chiếm 39% và các khoản còn lại (tiền, tồn kho, phải thu khác hàng, tài sản cố định, bất động sản, lợi thế thương mại và tài sản khác…) chiếm 35%.

Trong danh mục đầu tư tài chính, khoản đầu tư vào Oceanbank có giá trị lớn nhất (1.037 tỷ), đầu tư chứng khoán (268 tỷ), OGC cũng mua và bán lại 37,7 triệu cổ phiếu HDBank với giá trị 373 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư Sóng Việt và Công ty Hà Thức.

Cơ cấu tài sản của OGC tại thời điểm 31/12/2013. Đơn vị: tỷ đồng
Cơ cấu tài sản của OGC tại thời điểm 31/12/2013. Đơn vị: tỷ đồng
Các khoản đầu tư khác bao gồm: trái phiếu công ty VNT (198 tỷ), Cổ phiếu PVR (100 tỷ), Công ty CP Bình Dương Xanh (270 tỷ), Công ty CP Đầu tư xây dựng Sông Đà (141 tỷ)…
Trong số các khoản phải thu dài hạn bao gồm: 500 tỷ đồng chuyển cho Vinaconex để OGC có quyền triển khai  dự án KĐT Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội), 500 tỷ đã trả cho ông Hà Trọng Nam để mua cổ phần của Công ty CP Tràng Tiền, 198 tỷ ứng trước cho Công ty CP SSG Văn Thánh để mua khu thương mại dự án SSG Tower (TP.HCM)…
Các khoản phải thu ngắn hạn gồm tiền phải thu giao dịch chứng khoán (354 tỷ) của CTCK Đại Dương, các khoản đặt cọc liên quan đến các hợp đồng mua chứng khoán của CTK Đại Dương, các khoản gốc và lãi dự thu của Công ty CP Bán lẻ và Quản lý BĐS Đại Dương đầu tư vào các dự án bất động sản, trái phiếu.
Ocean Group cũng trả trước cho người bán Công ty CP Đầu tư và Thương Mại Vneco Hà Nội (249 tỷ đồng), Công ty VNT (170 tỷ) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà (138 tỷ) liên quan đến các dự án Starcity Lê Văn Lương, Starcity Nguyễn Trãi và các dự án bất động sản khác./.
Theo BizLIVE